hieuluat

Thông tư hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các trung tâm dạy nghề được ngân sách Nhà nước hỗ trợ

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính Số công báo: Đang cập nhật
    Số hiệu: 47-TC/CĐTC Ngày đăng công báo: Đang cập nhật
    Loại văn bản: Thông tư Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
    Ngày ban hành: 26/06/1993 Hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Áp dụng: 01/01/1993 Tình trạng hiệu lực: Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực: Tài chính-Ngân hàng
  • THÔNG TƯ

    SỐ 47-TC/CĐTC NGÀY 26-6-1993 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC TRUNG TÂM DẠY NGHỀ, GIỚI THIỆU VIỆC LÀM ĐƯỢC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ

     

    Thi hành Nghị quyết số 120/HĐBT ngày 11-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm trong các năm tới;

    Căn cứ Pháp lệnh kế toán thống kê do Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 20-5-1998; Nghị định số 25/HĐBT ngày 18-3-1989 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước và các qui định về quản lý tài chính hiện hành khác;

    Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc quản lý tài chính đối với các Trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm được NSNN hỗ trợ như sau:

     

    I. NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

     

    1. Các Trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm (Trung tâm xúc tiến việc làm, Trung tâm thành lập theo Nghị quyết 05/CP, 06/CP của Chính phủ) thuộc đối tượng quản lý tại Thông tư này là các Trung tâm do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ quản lý chuyên ngành, cơ quan TW các đoàn thể, hội quần chúng (có thẩm quyền) thành lập theo tinh thần Nghị quyết số 120/HĐBT ngày 11-4-1992, Quyết định số 176/HĐBT ngày 9-10-1990 của Hội đồng Bộ trưởng theo mô hình hướng dẫn kèm theo văn bản số 1206/LĐTBXH-CS ngày 25-10-1990 cùng các hướng dẫn tiếp theo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và được NSNN hỗ trợ kinh phí.

    2. Vốn NSNN hỗ trợ các Trung tâm dạy nghề giới thiệu việc làm bao gồm vốn để xây dựng cơ sở vật chất của các Trung tâm (kể cả nhà xưởng, trụ sở làm việc) vốn mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm do ngân sách địa phương, ngân sách bộ ngành và ngân sách trung ương cấp phát; kinh phí hỗ trợ tiền lương, quản lý phí trong giai đoạn đầu (nếu có).

    3. Việc quản lý tài chính đối với các Trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm nhằm tạo điều kiện để các Trung tâm này tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả vốn của Nhà nước; thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao; đảm nhận tốt vai trò dạy nghề, giải quyết việc làm và thực hiện nhiệm vụ xã hội về việc làm trên địa bàn.

    Trong quá trình hoạt động, các Trung tâm phải thực hiện hạch toán kinh tế, lấy thu bù chi, tự trang trải kinh phí hoạt động, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế và các khoản thu khác với NSNN theo qui định hiện hành.

    4. Việc quản lý tài chính đối với các Trung tâm thuộc đối tượng nêu trên qui định như sau:

    - Trung tâm do địa phương thành lập, do Sở tài chính vật giá tỉnh, thành phố quản lý;

    - Trung tâm do các Bộ quản lý chuyên ngành, cơ quan TW các đoàn thể, hội quần chúng thành lập do Vụ, Ban tài chính của các bộ, các đoàn thể, hội quần chúng quản lý.

    Nội dung, chỉ tiêu quản lý cụ thể theo qui định hiện hành về quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp hạch toán kinh tế. Định kỳ, Sở tài chính vật giá các tỉnh, thành phố, vụ, ban tài chính của các bộ, cơ quan TW, các đoàn thể, hội quần chúng phải báo cáo về Bộ Tài chính để tổng hợp theo dõi và chỉ đạo thống nhất.

     

    II. NHỮNG NỘI DUNG QUẢN LÝ CỤ THỂ

     

    1. Về vốn và trách nhiệm bảo toàn vốn của Trung tâm.

    a) Vốn Ngân sách Nhà nước cấp bao gồm:

    - Vốn do ngân sách địa phương, do bộ ngành, cơ quan TW, các đoàn thể, hội quần chúng cấp để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị (kể cả trụ sở làm việc, nhà xưởng, vật kiến trúc...)

    - Vốn do ngân sách TW cấp hỗ trợ gồm:

    + Vốn cấp xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu (nếu có);

    + Vốn từ quỹ sắp xếp giải quyết việc làm cấp hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm;

    + Vốn nhận được từ các chương trình viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế;

    + Vốn tự bổ sung của Trung tâm được trích từ kết quả hoạt động của Trung tâm.

    b) Trách nhiệm bảo toàn vốn :

    Các Trung tâm phải có trách nhiệm bảo toàn toàn bộ số vốn NSNN cấp và vốn tự bổ sung.

    Việc xác định mức độ bảo toàn vốn đối với từng loại vốn được thực hiện theo các văn bản hiện hành của Nhà nước.

    Trường hợp trang thiết bị không còn phù hợp với yêu cầu dạy nghề hoặc cần thiết phải đổi mới để phù hợp với các nghề mới phát sinh, Trung tâm chỉ được thực hiện sau khi được cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý tài chính cho phép. Việc chuyển đổi phải đảm bảo nguyên tắc bảo toàn giá trị vốn được cấp của Trung tâm, trong trường hợp tài sản được hình thành từ vốn của quỹ quốc gia về giải quyết việc làm phải báo cáo với Bộ Tài chính và bộ LĐTBVXH.

    Hàng năm các Trung tâm báo cáo với cơ quan tài chính quản lý để kiểm tra xác định lại số vốn của Trung tâm phải bảo toàn đến ngày 31-12. Số vốn bảo toàn của năm báo cáo được dùng làm cơ sở để kiểm tra mức độ bảo toàn vốn trong các năm tiếp theo.

    2. Quản lý các khoản thu của Trung tâm.

    Các khoản thu thường xuyên của Trung tâm bao gồm:

    - Thu về dịch vụ dạy nghề;

    - Thu về dịch vụ giới thiệu việc làm, dịch vụ tư vấn nghề nghiệp, lao động;

    - Thu từ bán sản phẩm gắn với quá trình dạy nghề (làm thử, thực hành, thực tập);

    - Thu từ kinh phí hỗ trợ tiền lương, quản lý phí được ngân sách cấp trên cấp trong giai đoạn đầu ( nếu có );

    - Thu từ tổ chức sản xuất gia công do tận dụng khả năng trang thiết bị không sử dụng hết trong dạy nghề và giới thiệu việc làm;

    - Thu về sản phẩm, dịch vụ khác (nếu có).

    Trung tâm phải thực hiện đúng hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước về các khoản thu trên (nếu có) và thực hiện hạch toán, ghi chép theo dõi từng khoản thu đảm bảo rành mạch, chính xác.

    3. Quản lý các khoản chi của Trung tâm

    Các khoản chi của Trung tâm bao gồm:

    - Chi trả công đào tạo và dạy nghề cho đội ngũ giảng viên, cộng tác viên (theo hợp đồng) không thuộc biên chế của Trung tâm.

    - Chi khấu hao tài sản cố định theo qui định tại Quyết định số 507 TC/ĐTXD ngày 22-7-1986 và Thông tư hướng dẫn số 33 TC/CN ngày 1-9-1989, Thông tư số 33 TC/CN ngày 31-7-1990 của Bộ Tài chính.

    - Chi sửa chữa thường xuyên tài sản cố định;

    - Chi phục vụ công giới thiệu việc làm;

    - Chi nguyên vật liệu, nhiên liệu, động lực sản xuất thử, thực hành trong quá trình dạy và học nghề.

    - Chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu, động lực, tiền công lao động để sản xuất gia công tận dụng công suất trang thiết bị cho sản xuất sản phẩm dịch vụ khác (nếu có);

    - Chi phí quản lý:

    + Chi về tiền lương và các khoản nộp bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho cán bộ, nhân viên của Trung tâm theo qui định của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp;

    + Chi quản lý hành chính khác.

    - Chi thực hiện nghĩa vụ đối với NSNN.

    Về nguyên tắc các khoản chi được thực hiện theo đúng các qui định về quản lý tài chính đối vơí loại hình đơn vị sự nghiệp hạch toán kinh tế và phải thực hiện theo đúng chế độ, định mức qui định của Nhà nước. Trường hợp không có chế độ định mức, đơn vị phải tự xây dựng cùng với kế hoạch tài chính để cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính quản lý xét duyệt và giám sát.

    4. Các nghĩa vụ tài chính của Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm:

    - Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm được Nhà nước hỗ trợ có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ xã hội trên địa bàn theo chủ trương của Nhà nước dưới nhiều hình thức: miễn giảm học phí, lệ phí học nghề, giới thiệu việc làm hoặc tài trợ học phí, lệ phí cho đối tượng chính sách xã hội... Việc thực hiện các nhiệm vụ xã hội nói trên được đảm bảo bằng khả năng tài chính của Trung tâm theo nguyên tắc lấy thu bù chi, NSNN không cấp bù trong bất kỳ trường hợp nào.

    Trung tâm có nghĩa vụ nộp thuế và các khoản thu khác theo qui định hiện hành của Nhà nước.

    - Trước mắt khoản trích khấu hao cơ bản của tài sản được hình thành bằng vốn NSNN cấp và khoản thu trên vốn NSNN được để lại cho Trung tâm để tái tạo và trang bị thêm tài sản phục vụ dạy nghề và học nghề, nhưng phải báo cáo cơ quan tài chính quản lý biết và theo dõi để ghi tăng vốn NSNN cấp tương ứng.

    5. Sử dụng chênh lệch thu chi trong hoạt động của Trung tâm.

    Kết quả tài chính trong hoạt động của Trung tâm là chênh lệch giữa các khoản thu và chi phí phát sinh trong năm. Việc sử dụng kết quả này qui định như sau:

    - Dành ít nhất 35% để lập quĩ phát triển sự nghiệp dạy nghề nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm; đầu tư thêm trang thiết bị để mở rộng qui mô đào tạo, dạy thêm nghề mới phù hợp với yêu cầu của địa bàn, mở rộng phạm vi giới thiệu việc làm và thực hiện chính sách xã hội đối với các đối tượng cần ưu tiên;

    - Lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho các cán bộ nhân viên trong Trung tâm;

    Tỷ lệ cụ thể do cơ quan tài chính quản lý và cơ quan chủ quản qui định theo hướng dẫn chung của Nhà nước về trích lập các quỹ.

    Nghiêm cấm việc hạch toán vào chi phí hoặc sử dụng kết quả hoạt động của Trung tâm để hỗ trợ kinh phí, tăng thêm thu nhập cho cơ quan chủ quản.

     

    III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

     

    1. Căn cứ yêu cầu quản lý và các nội dung hướng dẫn tại Thông tư này, các cơ quan tài chính được phân cấp quản lý (Sở tài chính vật giá địa phương, cơ quan tài chính các bộ ngành, các đoàn thể, hội quần chúng) cần cụ thể hoá và triển khai ngay việc quản lý các Trung tâm để hoạt động đúng hướng, có hiệu quả và đưa công tác quản lý này vào nề nếp ngay từ đầu năm 1993.

    2. Các Trung tâm, cơ quan tài chính được phân cấp quản lý thực hiện chế độ định kỳ báo cáo với các cơ quan chủ quản, cơ quan tài chính cấp vốn ban đầu kết quả hoạt động và tình hình sử dụng vốn ở đơn vị.

    Trước mắt cần thực hiện kiểm tra ngay việc sử dụng vốn ngân sách TW đã cấp hỗ trợ, xử lý ngay các khoản chi không đúng với dự án được duyệt và phải tập trung thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm, xét duyệt quyết toán và báo cáo kết qủa về Bộ Tài chính.

    3. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1-1-1993. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Pháp lệnh về Kế toán và Thống kê số 6-LCT/HĐNN8 của Hội đồng Nhà nước
    Ban hành: 10/05/1988 Hiệu lực: 01/10/1998 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Nghị định ban hành Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước
    Ban hành: 18/03/1989 Hiệu lực: 18/03/1989 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X