hieuluat

Quyết định 864/QĐ-TTg quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ Số công báo: 413&414 - 7/2008
    Số hiệu: 864/QĐ-TTg Ngày đăng công báo: 20/07/2008
    Loại văn bản: Quyết định Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành: 09/07/2008 Hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Áp dụng: 09/07/2008 Tình trạng hiệu lực: Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực: Xây dựng, Chính sách, Chính sách
  • THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

     

    Số: 864/QĐ-TTg

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

     

    Hà Nội, ngày 09 tháng 7 năm 2008

     

     

    QUYẾT ĐỊNH

    Về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020

    (đoạn từ Điện Biên đến Kon Tum)

     

     

    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

     

     

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

    Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

    Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

    Xét đề nghị của Bộ Xây dựng tại tờ trình số 34/TTr-BXD ngày 05 tháng 5 năm 2008 về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020 (đoạn từ tỉnh Điện Biên đến tỉnh Kon Tum),

     

     

    QUYẾT ĐỊNH:

     

     

    Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020 (đoạn từ tỉnh Điện Biên đến tỉnh Kon Tum) với những nội dung chính như sau:

    1. Phạm vi nghiên cứu

    Vùng biên giới Việt - Lào bao gồm 10 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, có tổng diện tích đất tự nhiên là 95.240,85 km2, có ranh giới tiếp giáp các tỉnh như sau:

    - Phía Đông giáp biển Đông và tỉnh Quảng Ngãi;

    - Phía Tây giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào;

    - Phía Nam giáp tỉnh Gia Lai;

    - Phía Bắc giáp các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Hoà Bình, Ninh Bình.

    2. Tính chất vùng

    - Có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng đối với cả nước;

    - Cửa ngõ giao lưu phát triển kinh tế đối ngoại (dịch vụ, thương mại cửa khẩu) của khu vực phía Đông và Tây của cả nước;

    - Vùng phát triển lâm nghiệp, bảo vệ rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học. Vùng phát triển công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp;

    - Vùng phát triển các công trình thủy điện, thủy lợi quan trọng;

    - Vùng du lịch văn hoá, lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng cấp quốc gia và quốc tế.

    3. Các dự báo phát triển vùng

    - Dự báo dân số đến năm 2010 đạt: khoảng 14.850.000 người (trong đó dân số đô thị khoảng 3.660.000 người); năm 2020 là khoảng 16.700.000 người (trong đó dân số đô thị khoảng 7.050.000 người);

    - Dự báo nhu cầu đất xây dựng đô thị: đến năm 2010 khoảng 84.000 ha, bình quân 230 m2/người, đến năm 2020 khoảng 158.000 ha, bình quân 225 m2/người.

    4. Định hướng phát triển không gian vùng

    a) Khung phát triển vùng: gồm hai hệ thống chính:

    - Hệ thống hành lang kinh tế chiến lược quốc gia và quốc tế là: trục Bắc Nam (quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh) và 11 trục hành lang kinh tế Đông Tây gồm các quốc lộ 6, quốc lộ 217, quốc lộ 7, quốc lộ 8, quốc lộ 9, quốc lộ 12A, quốc lộ 49, quốc lộ 14 (14D + 14B) và quốc lộ 40, trong đó:

    + Trục hành lang chính có vai trò chủ đạo phát triển đô thị và công nghiệp, vận tải, thương mại - du lịch là trục quốc lộ 1A; trục hành lang có vai trò phát triển đô thị, dịch vụ vận tải, thương mại - du lịch, công nghiệp, vùng nguyên liệu là trục kinh tế quốc gia và quốc tế Đông - Tây (quốc lộ 7, quốc lộ 8, quốc lộ 9, quốc lộ 12, quốc lộ 14B);

    + Trục hành lang thứ cấp là: trục hành lang quốc gia và vùng (quốc lộ 6, quốc lộ 279, quốc lộ 24, quốc lộ 49) phát triển đô thị, công nghiệp - du lịch - nông lâm nghiệp.

    - Hệ thống đường bảo vệ an ninh, quốc phòng và phục vụ phát triển kinh tế: gồm đường hành lang biên giới, đường ra biên giới và đường tuần tra biên giới trong đó đường hành lang biên giới có vai trò chủ đạo liên kết toàn bộ hệ thống. Trên trục hành lang biên giới phát triển các đô thị nhỏ, vùng nông - lâm - nghiệp, công nghiệp chế biến quy mô nhỏ.

    b) Phân vùng tổ chức không gian và định hướng phát triển hệ thống đô thị

    - Phân vùng tổ chức không gian

    + Vùng núi Tây Bắc: gồm hai tỉnh Điện Biên và Sơn La: chức năng chính của vùng là bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái, trồng rừng và phát triển rừng, khai thác nguồn lợi từ rừng, vùng phát triển thủy lợi, thủy điện. Phát triển các vùng sản xuất tập trung chuyên canh (chè, cà phê, bò sữa, bò thịt, hoa quả, thực phẩm), vùng nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi đại gia súc. Phát triển các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, cơ khí sửa chữa, bột giấy; du lịch văn hoá lịch sử và sinh thái. Phát triển dịch vụ thương mại - du lịch gắn với cửa khẩu; xây dựng các đô thị vừa và nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

    + Vùng núi cao phía Tây các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam: chức năng chủ yếu là vùng bảo vệ môi trường quốc gia, bảo vệ an ninh, quốc phòng biên giới phía Tây, vùng phát triển và khoanh nuôi rừng, trồng cây nguyên liệu, dược liệu, cây công nghiệp dài ngày; dịch vụ thương mại cửa khẩu, du lịch sinh thái - lịch sử - văn hoá. Vùng phát triển thủy điện - thủy lợi. Cửa ngõ giao lưu quốc tế phía Tây của đất nước. Phát triển đô thị quy mô vừa và nhỏ, khu kinh tế thương mại cửa khẩu gắn với các cửa khẩu quốc gia và quốc tế.

    + Vùng trung du gò đồi các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam: chức năng của vùng là công nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, vùng trồng cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày để cung cấp nguyên liệu cho phát triển công nghiệp trong nước và xuất khẩu, chăn nuôi đại gia súc; vùng phát triển đô thị trung bình và nhỏ

    + Vùng đồng bằng ven biển các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam: chức năng chủ yếu là vùng động lực phát triển kinh tế với mũi nhọn là các ngành công nghiệp, dịch vụ, vùng phát triển các đô thị lớn cấp trung tâm vùng, tiểu vùng (thành phố: Thanh Hoá, Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Đông Hà, Huế, Tam Kỳ).

    + Khu vực phía Tây tỉnh Kon Tum: có chức năng bảo vệ, tu bổ, khoanh nuôi rừng đi với phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản (cao su, cà phê, tinh bột sắn); trồng cây công nghiệp, nông nghiệp, chăn nuôi đàn đại gia súc. Phát triển đô thị trung bình và nhỏ gắn với cụm công nghiệp dọc trục đường giao thông chính (đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 40, quốc lộ 24), xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y để phát triển kinh tế.

    - Hệ thống cửa khẩu biên giới: nâng cấp một số cửa khẩu hiện có và mở thêm một số cửa khẩu mới tại những khu vực có điều kiện thích hợp.

    c) Định hướng phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn

    - Định hướng phát triển hệ thống đô thị

    + Vùng trung du gò đồi các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam: tổng số đô thị trong vùng đến năm 2020 là 39 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại III; 8 đô thị loại IV; 30 đô thị loại V;

    + Vùng phía Tây Bắc (tỉnh Điện Biên và Sơn La): tổng số đô thị là 30, thành phố Điện Biên Phủ và Sơn La trở thành đô thị loại II có vai trò động lực và là đô thị trung tâm vùng;

    + Khu vực phía Tây (tỉnh Kon Tum): tổng số đô thị là 16, trong đó thành phố Kon Tum là đô thị loại II; động lực thúc đẩy phát triển vùng Tây Nguyên là Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y; thành phố Kon Tum (đô thị động lực vùng tỉnh).

    - Dự kiến phát triển các đô thị mới

    + Từ năm 2007 - năm 2010 phát triển thêm 95 đô thị.

    + Từ năm 2011 - năm 2020 phát triển thêm 25 đô thị.

    - Các hành lang phát triển kinh tế kỹ thuật - đô thị chủ đạo

    + Hành lang phát triển kinh tế và đô thị hoá dọc hai bên quốc lộ 1A và tuyến đường ven biển có chức năng là trục phát triển kinh tế chủ đạo của vùng, bao gồm phát triển đô thị, các khu công nghiệp lớn, khu kinh tế tổng hợp (Nghi Sơn, Đông Nam Nghệ An, Vũng Áng, Hòn La, Chân Mây, Chu Lai), cảng biển (Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng, Hòn La, Chân Mây), sân bay quốc tế và nội địa (Vinh, Đồng Hới, Phú Bài, Chu Lai);

    + Hành lang phát triển kinh tế và đô thị hoá dọc đường cao tốc mới và đường Hồ Chí Minh có chức năng chủ yếu là phát triển kinh tế vùng phía Tây, hỗ trợ và chuyển dịch đầu tư công nghiệp và đô thị từ vùng đồng bằng ven biển. Trên tuyến bố trí các đô thị động lực của vùng trung du và miền núi, các khu công nghiệp quy mô vừa (chủ yếu công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, hoá chất, phân bón, giấy...);

    + Hành lang phát triển kinh tế và đô thị hoá dọc hai bên quốc lộ 6, quốc lộ 279 có chức năng là trục phát triển kinh tế chủ đạo của vùng Tây Bắc;

    + Hành lang phát triển kinh tế và đô thị hoá dọc hai bên quốc lộ 217, quốc lộ 7, quốc lộ 8, quốc lộ 9; quốc lộ 40, đường Hồ Chí Minh: có chức năng chính là trục phát triển dịch vụ thương mại - vận tải - du lịch, phát triển khu công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, vùng nguyên liệu cây công nghiệp dài ngày.

    - Hành lang kinh tế quốc phòng: chức năng chủ yếu là kết hợp bảo vệ an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế. Dọc tuyến sẽ hình thành hệ thống đô thị nhỏ, các trung tâm cụm xã cung cấp dịch vụ cho vùng nông thôn, xây dựng các khu kinh tế quốc phòng.

    - Các khu dân cư nông thôn

    + Quy mô dân số nông thôn: dự kiến dân số nông thôn toàn vùng đến năm 2010 khoảng 11.185.000 người; đến năm 2020 khoảng 9.650.000 người.

    + Các định hướng phát triển chính:

    . Hình thành các trung tâm cụm xã có chức năng là trung tâm dịch vụ thương mại - nông, lâm nghiệp - công nghiệp cho một cụm xã; các thị tứ là trung tâm dịch vụ thương mại;

    . Nâng cấp các tuyến đường giao thông trục chính liên xã, liên huyện để kết nối với hệ thống giao thông tỉnh và quốc gia, tạo thuận lợi cho giao lưu phát triển kinh tế;

    . Thực hiện các chương trình đầu tư thủy lợi kết hợp thủy điện nhỏ;

    . Lập quy hoạch các điểm dân cư nông thôn, khu vực có đất sản xuất và phát triển kinh tế tại các vùng đồng bằng, trung du, miền núi để ổn định dân cư.

    5. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng

    a) Chuẩn bị kỹ thuật

    - Xây dựng các hồ chứa đầu nguồn để giảm, cắt lũ, phòng lũ; xây dựng và củng cố các tuyến đê sông, đê biển, kè phù hợp với các yêu cầu và đặc thù của từng vùng; cải tạo lòng sông, hướng chảy một cách hợp lý để thông thoáng dòng lũ, hạn chế xói lở.

    - Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về các dạng thiên tai, hệ thống thông tin liên lạc giữa các cấp chính quyền; bảo vệ rừng nguyên sinh, trồng mới rừng, rừng phòng hộ ven biển, bảo đảm độ che phủ trung bình đạt (45 ÷ 50)%, giảm thiểu các nguy cơ ngập lũ, lũ quét, lũ bùn đá, tránh xói lở công trình, hạn chế quá trình bào mòn hữu cơ của đất; sử dụng đất một cách hợp lý.

    b) Quy hoạch giao thông

    - Đường bộ

    + Đầu tư nâng cấp các trục tuyến quốc lộ, hệ thống trục đường theo hướng Bắc - Nam gồm quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bắc - Nam, đường Đông Trường Sơn.

    + Hệ thống trục Đông - Tây: quốc lộ 217, quốc lộ 7, quốc lộ 48, quốc lộ 8, quốc lộ 8 nằm trong hệ thống đường xuyên Á với Lào, quốc lộ 12A, quốc lộ 9, quốc lộ 14B, quốc lộ 14D, quốc lộ 14B, quốc lộ 24, quốc lộ 6, quốc lộ 37, quốc lộ 279, quốc lộ 43, quốc lộ 32B, quốc lộ 4G.

    + Xây dựng hệ thống đường hành lang biên giới, đường tuần tra biên giới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng vùng ven biên giới.

    + Xây dựng hệ thống đường ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng vùng ven biển.

    - Đường sắt

    + Cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn đường sắt xuyên Á. Xây dựng mới một số tuyến đường sắt liên kết với hệ thống đường sắt thành mạng lưới đường sắt hoàn chỉnh kết nối hợp lý với mạng lưới đường bộ quốc gia và hệ thống cảng biển.

    + Nghiên cứu dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc vận tải hành khách xuyên Việt khổ 1,435 m, xây dựng các đường nhánh vào các hệ thống cảng biển chính, tới các khu vực phát triển trong vùng.

    - Đường biển:

    + Nâng cấp hệ thống cảng biển: Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng, Hòn La, Cửa Việt, Chân Mây, Kỳ Hà.

    - Đường thuỷ:

    + Cải tạo, nâng cấp hệ thống đường thủy nội địa bảo đảm khai thác vận tải thủy cho các địa phương.

    - Hàng không

    + Nâng cấp sân bay Phú Bài đạt tiêu chuẩn sân bay quốc tế.

    + Nâng cấp, cải tạo các sân bay Vinh, sân bay Đồng Hới đạt cấp 4C; sân bay Chu Lai nâng cấp thành sân bay quốc tế đạt cấp 4E;

    + Nâng cấp các sân bay vùng biên giới phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng: sân bay Điện Biên Phủ tiếp tục nâng cấp đạt cấp 3C phục vụ bay nội địa và có các hoạt động bay quốc tế. Nâng cấp, cải tạo sân bay Nà Sản đạt cấp 4C phục vụ nội địa.

    c) Quy hoạch cấp nước

    - Cấp nước đô thị

    + Đến năm 2010 có 85% dân số đô thị được cấp nước sạch với tiêu chuẩn 60 - 165 l/người/ngày đêm; năm 2020 có 100% dân số đô thị được cấp nước với tiêu chuẩn 100 - 200 l/người/ngày đêm.

    + Mở rộng, nâng cấp các công trình cấp nước hiện có và xây dựng nhà máy nước cho các đô thị mới; nguồn nước cung cấp chủ yếu là nước mặt, một số vùng có nước ngầm sẽ kết hợp nước mặt và nước ngầm.

    + Xây dựng nhiều hồ kết hợp thủy điện, thủy lợi và là nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt để khắc phục đặc thù điều kiện tự nhiên của vùng về mùa khô thiếu nước và nhiều vùng bị nhiễm mặn.

    + Sử dụng nguồn nước: sông Chu - Thanh Hoá; sông Lam, sông Hiếu, sông Bùng, sông Cả - Nghệ An; hồ Bộc Nguyên, hồ Kẻ Gỗ - Hà Tĩnh; hồ Phú Vinh - Quảng Bình; hồ Tích Tường, hồ Đập Trấm - Quảng Trị; sông Hương, hồ Tả Trạch, Khe Bôghe, hồ Thủy Yêm, Thủy Cam - Thừa Thiên Huế; hồ Phú Ninh - Quảng Nam để đưa nước về các đô thị gặp khó khăn về nguồn cung cấp nước.

    - Cấp nước nông thôn

    + Tiêu chuẩn cấp nước 60 - 100 l/người/ngày đêm, đạt tỷ lệ cấp nước sạch 75 - 90% dân số.

    + Xây dựng mô hình cấp nước tập trung, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước hiện có tại các điểm dân cư.

    + Xây dựng các công trình chứa nước như bể chứa, hộc đá, hồ, đào giếng để dự trữ nước cho vùng nông thôn miền núi.

    d) Định hướng cung cấp năng lượng

    Đến năm 2010 bảo đảm 100% số xã và 95% số thôn bản trong vùng có điện lưới quốc gia, trong đó:

    - Nguồn điện

    + Nguồn thủy điện: thực hiện theo Quy hoạch điện VI, dự kiến đến năm 2020 sẽ xây dựng 29 nhà máy thủy điện với tổng công suất 7560 MW. Trong đó, các nhà máy thủy điện có công suất trên 100 MW là: Sơn La 2400 MW, Lai Châu 1200 MW, Huội Quảng 540 MW, Nậm Chiến 196 MW, Nậm Na 300 MW, Hua Na 195 MW, Bản Vẽ 300 MW, Đắc Mi 1 - 250 MW, A Lưới 120 MW, sông Tranh 160 MW, sông Bung 2 (160 MW).

     + Nguồn nhiệt điện: thực hiện theo Quy hoạch điện VI, trong đó có dự án nhà máy nhiệt điện lớn: Nhiệt điện Nghi Sơn công suất 1800 MW (Thanh Hoá), Nhiệt điện Vũng Áng công suất 3600 MW (Hà Tĩnh) .

    + Nguồn điện từ Lào: năm 2015 sẽ nhập khẩu điện từ nhà máy thủy điện SêKaMan của Lào bằng đường dây 220 KV thông qua trạm 500/220 KV Đà Nẵng. Từ thủy điện Nậm Mô (Lào) bằng đường dây 220 KV đấu nối với trạm 220 KV Đô Lương.

    - Đường dây truyền tải điện: đồng thời với việc mở rộng nâng công suất các công trình điện hiện có, phát triển lưới điện 500 KV và 220 KV cùng các trạm 500 KV, 220 KV trên địa bàn Vùng biên giới Việt - Lào.

    - Sử dụng nguồn năng lượng khác: nghiên cứu phát triển xây dựng hệ thống điện năng, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, biôgas và các dạng năng lượng khác đáp ứng nhu cầu dùng điện cho đồng bào dân tộc, đặc biệt là các thôn bản ở vùng sâu, vùng xa, các xã không thể đầu tư điện lưới quốc gia, vùng không có tiềm năng xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ.

    đ) Quy hoạch thoát nước thải và vệ sinh môi trường

    - Các điểm đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch và các khu dịch vụ

    + Xây dựng hệ thống thoát nước riêng và nửa riêng, có trạm xử lý nước thải tập trung cho các đô thị loại III trở lên, các khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu.

    + Xây dựng hệ thống thoát nước chung trong giai đoạn đầu và nửa riêng trong giai đoạn dài hạn, sử dụng hồ sinh học để xử lý nước thải sẽ áp dụng cho các thị trấn.

    - Các thị tứ, cụm dân cư nông thôn: xây dựng hệ thống thoát nước chung.

    - Định hướng quy hoạch thu gom xử lý chất thải rắn

    + Xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn công nghiệp cấp vùng liên tỉnh: toàn vùng dự kiến quy hoạch bốn khu liên hợp xử lý chất thải rắn công nghiệp cấp vùng liên tỉnh tại các địa điểm sau: xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá; xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; xã Hương Văn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế; Dốc Sỏi, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (vị trí này nằm ngoài ranh giới nghiên cứu).

    + Xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn cấp vùng tỉnh, cấp liên đô thị, cấp đô thị: tỉnh Điện Biên: Quy hoạch khu liên hợp xử lý chất thải rắn cấp vùng tỉnh tại xã Thanh Luông, huyện Điện Biên; Quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn cấp đô thị phục vụ cho các thị trấn huyện Mường Nhé, Mường Chà, Tủa Chùa và thị xã Mường Lay.

    - Định hướng quy hoạch nghĩa trang tập trung: mở rộng, cải tạo nghĩa trang nhân dân hiện có của các tỉnh, các thành phố, thị xã, thị trấn.

    6. Định hướng phát triển không gian khu vực giáp biên giới

    a) Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chính

    - Dự báo dân số vùng biên giới

    + Tổng dân số khu vực giáp biên giới dự báo đến năm 2010: khoảng 1.510.000 người. Trong đó dân số đô thị 315.000 người; dân số nông thôn 1.195.000 người.

    + Tổng dân số đến năm 2020: khoảng 1.957.000 người. Trong đó dân số đô thị 627.000 người; dân số nông thôn khoảng 1.330.000 người. Mật độ dân số đạt khoảng 45 - 50 người/km2.

    - Mật độ đô thị:

    + Mật độ đô thị đến năm 2010 đạt 1,58 đô thị/1000 km2 diện tích đất tự nhiên;

    + Mật độ đô thị đến năm 2020 đạt 1,75 đô thị /1000 km2 diện tích đất tự nhiên.

    b) Các định hướng phát triển vùng:

    - Khung phát triển khu vực giáp biên giới

    Khung phát triển chính của khu vực giáp biên giới là các hệ thống đường giao thông chiến lược quốc gia: đường hành lang biên giới, các trục đường quốc lộ theo hướng Đông Tây (quốc lộ 6, quốc lộ 279, quốc lộ 217, quốc lộ 7, quốc lộ 8A, quốc lộ 9, quốc lộ 21A, quốc lộ 14B, quốc lộ 14D, quốc lộ 40, quốc lộ 24), liên kết khu vực giáp biên giới với vùng biển phía Đông theo hướng Đông Tây, các nước ASEAN về phía Tây, và các đô thị cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu gắn với các cửa khẩu quốc gia, quốc tế.

    Khung phát triển thứ cấp dựa trên các trục giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã, liên đô thị kết nối đến các trục giao thông chiến lược chính gắn kết các đô thị trong vùng, gắn đô thị với vùng nông thôn.

    Hệ thống bảo vệ an ninh khu vực biên giới bao gồm các đường hành lang biên giới, đường tuần tra biên giới và đường ra biên giới. Trên hệ thống đường này là đồn biên phòng gắn với thôn bản, các đô thị, thị tứ và trung tâm cụm xã, các khu kinh tế quốc phòng, các cửa khẩu vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ an ninh, quốc phòng và bảo vệ rừng, môi trường thiên nhiên.

    - Phát triển hệ thống đô thị khu vực giáp biên giới

    + Hệ thống đô thị động lực cấp 1: phía Tây Bắc là thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên); thị xã Mộc Châu, thị xã Sông Mã (tỉnh Sơn La); khu vực phía Tây các tỉnh miền Trung là: thị xã Con Cuông (tỉnh Nghệ An), thành phố Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), thị xã Khâm Đức (tỉnh Quảng Nam); khu vực tỉnh Kon Tum là thành phố cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kon Tum); các đô thị này có chức năng là trung tâm kinh tế tổng hợp (văn hoá, dịch vụ thương mại cửa khẩu, dịch vụ du lịch, bưu chính, ngân hàng, dịch vụ vận tải, công nghiệp, giáo dục - đào tạo, y tế, hướng nghiệp dạy nghề)... thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên giới.

    + Hệ thống đô thị động lực cấp 2: bao gồm thị trấn Mường Nhé, Mường Chà, Pú Tửu (tỉnh Điện Biên); thị trấn Mai Sơn, Sốp Cộp, Yên Châu (tỉnh Sơn La); thị trấn Quan Sơn, Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa); thị trấn Mường Xén, Hòa Bình, Kim Sơn (tỉnh Nghệ An); thị xã Hương Sơn, thị trấn Vũ Quang, Tây Sơn (tỉnh Hà Tĩnh); thị trấn Quy Đạt (tỉnh Quảng Bình); thành phố Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị); thị trấn A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế); thị trấn Tây Giang (tỉnh Quảng Nam); thị trấn Đăk Glêi, Sa Thầy (tỉnh Kon Tum).

    Các đô thị này có chức năng là trung tâm kinh tế văn hoá, dịch vụ thương mại cửa khẩu, trung tâm bưu chính, ngân hàng, phát triển nông nghiệp - nông thôn, dịch vụ nông - lâm - công nghiệp, chăm sóc y tế, giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề, trường dân tộc nội trú, trung tâm công nghiệp, dịch vụ vận tải, chợ đầu mối thu mua nông - lâm - sản... thúc đẩy phát triển kinh tế cho các tiểu vùng.

    + Các đô thị động lực cấp 3: gồm thị trấn Apachải (tỉnh Điện Biên), Lóong Luông, Chiềng Khương, Mường Lầm (tỉnh Sơn La); thị trấn Tén Tần (tỉnh Thanh Hoá); thị trấn Thanh Thủy, Nậm Cắn (tỉnh Nghệ An); thị trấn Tà Rụt (tỉnh Quảng Trị); thị trấn Ađớt (tỉnh Thừa Thiên Huế); thị trấn Chà Vài (tỉnh Quảng Nam).

    Các đô thị này có chức năng là trung tâm dịch vụ thương mại gắn với cửa khẩu thúc đẩy phát triển khu vực dân cư các xã giáp biên.

    Phân bố hệ thống đô thị khu vực giáp biên giới: hệ thống đô thị của toàn vùng đến năm 2010 là 55 đô thị trong đó có 1 đô thị loại III, 4 đô thị loại IV, 50 đô thị loại V; đến năm 2020 là 59 đô thị trong đó có: 3 đô thị loại II, 2 đô thị loại III; 8 đô thị loại IV; 46 đô thị loại V.

    - Phát triển xây dựng các khu vực cửa khẩu

    Nâng cấp cải tạo và xây dựng mới hệ thống giao thông lên cửa khẩu và cơ sở vật chất cho 34 cửa khẩu, nâng cấp 2 cửa khẩu từ quốc gia lên cửa khẩu quốc tế là cửa khẩu Lóong Sập và Nam Giang; 4 cửa khẩu phụ lên cửa khẩu quốc gia là Lạnh Bánh, Tén Tần, Thanh Thủy, Thông Thụ; mở mới 7 cửa khẩu phụ là Mường Lèo, Nà Khi, Sắng, Kham, Táo, Khang, N9.

    Hình thành các khu kinh tế cửa khẩu: Khu kinh tế cửa khẩu Điện Biên gắn với cửa khẩu quốc tế Tây Trang (tỉnh Điện Biên); Khu kinh tế cửa khẩu Lóong Sập gắn với cửa khẩu quốc tế Lóong Sập (tỉnh Sơn La); Khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo gắn với cửa khẩu quốc tế Na Mèo (tỉnh Thanh Hoá); Khu kinh tế cửa khẩu Nậm Cắn gắn với cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (tỉnh Nghệ An); Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo gắn với cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh); Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo gắn với cửa khẩu quốc tế Cha Lo (tỉnh Quảng Bình); Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo gắn với cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị); Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang gắn với cửa khẩu quốc gia Nam Giang (tỉnh Quảng Nam); Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum); Khu kinh tế cửa khẩu Ađớt (tỉnh Thừa Thiên Huế) để làm động lực thúc đẩy đồng đều sự phát triển kinh tế cho các vùng dọc theo biên giới.

    - Phát triển dân cư nông thôn khu vực giáp biên giới

    Ngoài dân cư hiện có, thực hiện chương trình đưa dân ra sát vùng biên giới, cụ thể đối với các tỉnh:

    Tỉnh Điện Biên thực hiện di dân lòng hồ thủy điện Sơn La đến tái định cư các khu vực xã giáp biên giới thuộc huyện Mường Nhé, Mường Chà, Điện Biên. Xây dựng Khu kinh tế quốc phòng Mường Nhé và Mường Chà;

    Tỉnh Sơn La di dân tái định cư lòng hồ thủy điện Sơn La ra khu vực biên giới huyện Sốp Cộp, Mộc Châu, Yên Châu. Hình thành Khu kinh tế quốc phòng sông Mã.

    Tỉnh Thanh Hoá di dân nội vùng ra biên giới, ổn định dân cư và sắp xếp lại 15 xã biên giới, hình thành Khu kinh tế quốc phòng Mường Lát.

    Tỉnh Nghệ An: thực hiện tái định cư cho số hộ dân di dời do xây dựng thủy điện Bản Lả. Xây dựng Khu kinh tế quốc phòng Kỳ Sơn, mô hình kinh tế hình thành các tổng đội thanh niên xung phong, các trang trại kinh tế gia đình.

    Các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam thực hiện di dân nội tỉnh, ổn định dân cư, xây dựng mô hình kinh tế trang trại nông lâm nghiệp, lập làng thanh niên lập nghiệp phát triển kinh tế lâm nghiệp, hình thành các Khu kinh tế quốc phòng Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị), A So - A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế).

    Tỉnh Kon Tum, thực hiện di dân kinh tế mới từ các tỉnh phía Bắc vào huyện Sa Thầy, Đăk Glâi với số lượng lớn (khoảng 3 vạn dân) để phát triển kinh tế và giữ đất vùng biên giới. Hình thành Khu kinh tế quốc phòng Mô Rây.

    c) Giao thông

    Xây dựng hệ thống đường hành lang biên giới và đường đến các cụm trung tâm xã giáp biên, gồm:

    - Đường hành lang biên giới:

    Tuyến hành lang biên giới đoạn qua vùng biên giới Việt - Lào được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi. Theo đó hướng tuyến sẽ đi song song với đường biên giới và cách từ 5 - 30 km. Đối với các tuyến đường hành lang biên giới là các quốc lộ, tỉnh lộ thì quy mô của các tuyến đường tuần thủ theo Quy hoạch phát triển ngành Giao thông vận tải đường bộ và dự báo lưu lượng xe trên các tuyến đó.

    - Đường tuần tra và đường ra biên giới:

    Thông tuyến đường tuần tra biên giới, đồng thời cải tạo các đoạn đường dân sinh hiện có đảm bảo lưu thông xe cơ giới, bố trí hệ thống rãnh dọc thoát nước, kè đá giữ đất tại các điểm có sạt lở. Những đoạn có địa hình thuận lợi có thể làm được đường ôtô thì làm theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn. Đối với khu vực có địa hình đặc biệt khó khăn có thể xây dựng đường đi bộ, đường đất cho bộ đội biên phòng đi lại tuần tra đường biên, bảo đảm cho tuyến được liên hoàn.

    - Các tuyến đường ra biên giới:

    Dự kiến đến năm 2010: xây dựng toàn bộ đường tuần tra dọc biên giới và từ mỗi đồn biên phòng xây dựng đường ra biên giới.

    Đến năm 2020: hoàn thành nâng cấp, xây dựng các tuyến đường nhánh nối từ đường vành đai biên giới đến các đồn biên phòng và các chốt trọng điểm, khu dân cư. Xây dựng toàn bộ các đường xương cá ra các cột mốc biên giới và xây dựng thêm các đường từ đồn biên phòng ra biên giới.

    Đối với các đường ra biên giới là các quốc lộ, tỉnh lộ thì quy mô của các tuyến đường này tuân thủ theo Quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường bộ. Đối với các đường ra biên giới còn lại thì quy mô dự kiến là đường cấp V miền núi.

    d) Chuẩn bị kỹ thuật

    Thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về các tai biến thiên nhiên, lập bản đồ dự báo các khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở, cháy rừng... xác định vùng lòng hồ thủy lợi, thủy điện.

    Xây dựng các công trình phòng lũ như các hồ thủy lợi, thủy điện đầu nguồn. Xây dựng các công trình ổn định nền: ta luy, tường chắn có chỉ tiêu kỹ thuật đúng với cấp công trình và tính chất, đặc thù của đất.

    Xây dựng hệ thống cầu, cống, đập tràn đúng cấp tại những vị trí đường giao thông đi qua địa hình chia cắt, các khe tụ thủy, tránh làm nghẽn dòng lũ.

    Bảo vệ rừng, trồng mới rừng, nhằm tăng độ che phủ, điều tiết nước mặt, giảm thiểu các nguy cơ lũ, lũ quét, tránh xói lở nền công trình, hạn chế quá trình bào mòn hữu cơ của đất. Tăng cường độ che phủ, tối thiểu > 50%.

    đ) Định hướng cấp nước

    - Khu vực đô thị

    Khai thác nước ngầm phục vụ một số đô thị khu vực biên giới. Các đô thị còn lại khai thác nguồn nước mặt. Xây dựng các hồ chứa nước nhỏ, xây dựng hồ thủy điện tại sông có tiềm năng kết hợp với việc giải quyết nước cho nông nghiệp, thủy điện và sinh hoạt.

    - Khu vực nông thôn

    Dùng hình thức giếng khoan đường kính nhỏ Unicef, giếng khoan, giếng đào, tại các vùng xa nguồn nước mặt. Các khu vực bị rải chất độc hoá học trong chiến tranh tại khu vực giáp biên từ Quảng Trị tới Kon Tum không dùng nước ngầm làm nguồn nước sinh hoạt.

    Xây dựng các hồ chứa nước nhỏ để trữ nước. Khai thác nước tự chảy, khe suối, mạch nước, nước mưa cho ăn uống và sinh hoạt.

    e) Định hướng cấp năng lượng khu vực vùng biên

    - Đối với đô thị, khu kinh tế cửa khẩu: điện được cung cấp từ nguồn điện của mạng lưới quốc gia thông qua các trạm biến áp 110 KV hiện có và xây dựng mới.

    - Đối với điểm dân cư nông thôn: các xã và cụm xã, vùng nông thôn được cung cấp điện từ điện lưới quốc gia, còn những khu vực cách xa nguồn điện lưới quốc gia sẽ được cung cấp tư các nguồn thủy điện nhỏ, nghiên cứu phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng Biôgas.

    g) Quy hoạch thoát nước thải, vệ sinh môi trường

    - Định hướng quy hoạch thoát nước thải

    + Xây dựng hệ thống thoát nước nửa riêng và riêng hoàn toàn, có trạm xử lý nước thải đối với các thành phố, thị xã, khu kinh tế cửa khẩu.

    + Xây dựng hệ thống thoát nước chung hoặc nửa riêng, xử lý nước thải bằng hồ sinh học tự nhiên đối với các thị trấn, khu dân cư vùng ven biên giới.

    - Định hướng thu gom và xử lý chất thải rắn

    + Xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh có diện tích phù hợp (khoảng 1,5 - 2 ha) đối với các khu kinh tế cửa khẩu, thị trấn và các điểm dân cư vùng ven biên giới.

    + Chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại phát sinh trong khu vực này sẽ đưa về các khu xử lý chất thải rắn cấp vùng liên tỉnh, cấp vùng tỉnh.

    - Định hướng quy hoạch nghĩa trang tập trung

    Các thị trấn và các điểm dân cư vùng ven biên giới sẽ quy hoạch nghĩa trang tập trung có diện tích 1 - 1,5 ha.

    7. Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 5 - 10 năm và cơ chế chính sách xây dựng vùng

    a) Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 5 - 10 năm

    Nâng cấp và đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cho các đô thị động lực phía Tây và khu vực giáp biên giới gồm thị trấn Pú Tửu, Tuần giáo, Mộc Châu, Hát Lót, Ngọc Lạc, Thái Hoà, Con Cuông, Phố Châu, Tây Sơn, Tiến Hoá, Khe Sanh, A Lưới, Thạch Mỹ, Khâm Đức, Plây Kần, Sa Thầy để đủ năng lực đảm nhận vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng.

    Lập quy hoạch hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn trên địa bàn các tỉnh hiện chưa lập hoặc đến nay quy hoạch không còn phù hợp; hình thành một số đô thị mới.

    Lập quy hoạch chung các khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị khu vực giáp biên giới.

    Nâng cấp và ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng các đô thị là trung tâm cấp vùng, tiểu vùng.

    Xây dựng hệ thống cửa khẩu đường biên gắn với khu kinh tế thương mại cửa khẩu. Xây dựng các trung tâm cụm xã; xây dựng hạ tầng các khu tái định cư để thực hiện giai đoạn I đưa dân ra biên giới.

    - Thực hiện các chương trình sắp xếp ổn định dân cư khu vực biên giới.

    Quy hoạch bố trí lại các đồn, trạm biên phòng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng khu vực.

    Đầu tư phát triển các trục hành lang kinh tế - kỹ thuật: quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 6, quốc lộ 7, quốc lộ 8, quốc lộ 9. Xây dựng hệ thống đường hành lang biên giới, đường tuần tra biên giới, đường ra biên giới; giai đoạn II đường Hồ Chí Minh; các tuyến đường giao thông liên kết các tỉnh để tạo thuận lợi cho giao lưu phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh biên giới.

    Xây dựng nhà máy nước mới tại thị trấn Mộc Châu (Sơn La) công suất: 10.000 m3/ngày đêm.

    Xây dựng nhà máy nước tại thị trấn Lam Sơn (Thanh Hoá) công suất 8.400 m3/ngày đêm.

    Lập dự án đầu tư xây dựng 3 khu liên hợp xử lý chất thải rắn cấp vùng liên tỉnh trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch (đã xác định ở trên).

    Lập dự án đầu tư xây dựng các khu liên hợp xử lý chất thải rắn cấp vùng tỉnh của 10 tỉnh.

    Lập dự án đầu tư xây dựng các nghĩa trang cấp vùng tỉnh của 10 tỉnh.      

    b) Cơ chế chính sách phát triển vùng

    Ưu tiên phát triển hệ thống giao thông liên kết đô thị với đô thị, liên kết đô thị với các trung tâm cụm xã, trung tâm xã bằng nguồn vốn của Chính phủ.

    Xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực: phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, các cơ sở đào tạo, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, nhà ở đô thị và một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị... theo hình thức BOT, BT, FDI.

    Tập trung nguồn vốn ODA, vốn ngân sách để phát triển hệ thống giao thông ra các cửa khẩu cả hai phía Việt Nam và Lào.

    Thu hút vốn ODA để đầu tư các công trình lớn như: hệ thống giao thông, các công trình thủy điện, thủy lợi cấp vùng, hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường, xây dựng các nhà máy nước, nhà máy chế biến rác, xây dựng hệ thống lưới điện, nâng cấp và xây dựng một số cầu đường.

    Xây dựng chính sách khai thác hiệu quả nguồn vốn thu từ quỹ đất đô thị để tập trung xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở đối với các đô thị khu vực sát biên giới và khu kinh tế cửa khẩu.

    Huy động sự đóng góp của nhân dân, xã hội hoá một số dự án như đường giao thông nông thôn, liên phường, xã, điểm vui chơi phường, nhà văn hoá thôn.

    Huy động nhiều nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ giáo dục, y tế, phát thanh truyền hình, các khu kinh tế cửa khẩu, các khu kinh tế quốc phòng, phát triển khoa học công nghệ cho cả vùng đô thị và nông thôn.

    Ưu tiên vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu vực thực hiện chương trình tái định cư, ổn định dân cư, di dân ra sát biên giới theo quy hoạch.

    Củng cố hoàn thiện mạng lưới dịch vụ thương mại trên địa bàn, lấy trung tâm xã làm trung điểm phân phối và tiêu thụ hàng hoá. Ưu tiên đầu tư xây dựng các chợ đường biên, các trung tâm thương mại đầu mối vùng và liên vùng, các trung tâm thương mại - du lịch cấp quốc gia và cấp tỉnh ở các cửa khẩu dọc đường biên.

    Tăng cường hợp tác phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng giao lưu thương mại, du lịch, khai thác tối đa lợi thế cửa khẩu.

    Tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý các cấp tại địa phương để đủ năng lực thực hiện quản lý phát triển đô thị, các khu kinh tế cửa khẩu và nông thôn khu vực biên giới.

    Có chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp đặc biệt công nghiệp chế biến nông lâm sản, khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện, thủy lợi, gia công lắp ráp tại khu vực cửa khẩu và đô thị biên giới.

    Tăng cường công tác quản lý lưu vực hệ thống sông chính cấp quốc gia và liên quốc gia; tiểu lưu vực thuộc các sông nội tỉnh và liên tỉnh; thành lập các cơ quan quản lý và khai thác các công trình đầu mối cấp tỉnh và cấp liên tỉnh.

    c) Tổ chức thực hiện

    Giao Bộ Xây dựng là cơ quan đầu mối có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo và đôn đốc thực hiện các chương trình, các dự án quy hoạch xây dựng được triển khai theo Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam - Lào được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

    Các Bộ, ngành khác có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ngành phối hợp với Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, huyện biên giới tổ chức chỉ đạo thực hiện các chương trình dự án cụ thể thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình.

    Ủy ban nhân dân các tỉnh, huyện, xã biên giới chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện các chương trình, các dự án quy hoạch xây dựng theo chức năng, quyền hạn của mình và có trách nhiệm vận động, tuyên truyền, hỗ trợ đồng bào các dân tộc vùng biên giới thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

    Thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng để chỉ đạo việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cấp vùng. Tạo điều kiện huy động nguồn vốn ODA và các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, các tổ chức phi chính phủ.

    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

    Điều 3. Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng; Công an, Nội vụ, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 10 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum và các tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

     

    Nơi nhận:

    - Như Điều 3;

    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;

    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

    - Văn phòng Trung ương Đảng;

    - Văn phòng Chủ tịch nước;

    - Văn phòng Quốc hội;

    - Së XD 10 tỉnh trong vùng biên giới Việt Nam - Lào;

    - VPCP: BTCN, các PCN,

      các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc,

    - Lưu: Văn thư, KTN (5b).

    THỦ TƯỚNG

     

     

     

     

     

     

    Nguyễn Tấn Dũng

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Tổ chức Chính phủ
    Ban hành: 25/12/2001 Hiệu lực: 25/12/2001 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật Xây dựng số 16/2003/QH11
    Ban hành: 26/11/2003 Hiệu lực: 01/07/2004 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Nghị định 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch xây dựng
    Ban hành: 24/01/2005 Hiệu lực: 18/02/2005 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    04
    Quyết định 1453/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh phân công Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đứng đầu các tổ chức phối hợp liên ngành
    Ban hành: 08/10/2008 Hiệu lực: 08/10/2008 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    05
    Quyết định 980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030
    Ban hành: 21/06/2013 Hiệu lực: 21/06/2013 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản liên quan khác
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 864/QĐ-TTg quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
    Số hiệu: 864/QĐ-TTg
    Loại văn bản: Quyết định
    Ngày ban hành: 09/07/2008
    Hiệu lực: 09/07/2008
    Lĩnh vực: Xây dựng, Chính sách, Chính sách
    Ngày công báo: 20/07/2008
    Số công báo: 413&414 - 7/2008
    Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X