hieuluat

Nghị định 102/2001/NĐ-CP quy định về kiểm tra sau thông quan với hàng hoá xuất nhập khẩu

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Chính phủ Số công báo: Theo văn bản
    Số hiệu: 102/2001/NĐ-CP Ngày đăng công báo: Đang cập nhật
    Loại văn bản: Nghị định Người ký: Phan Văn Khải
    Ngày ban hành: 31/12/2001 Hết hiệu lực: 01/01/2006
    Áp dụng: 01/01/2002 Tình trạng hiệu lực: Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực: Xuất nhập khẩu, Hải quan
  • NGHỊ ĐỊNH

    CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 102/2001/NĐ-CP NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2001
    QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN
    ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

     

    CHÍNH PHỦ

     

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

    Căn cứ Điều 32 Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001;

    Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

    NGHỊ ĐỊNH:

     

    CHƯƠNG I. QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Kiểm tra sau thông quan

    Kiểm tra sau thông quan là hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan nhằm thẩm định tính chính xác, trung thực của nội dung các chứng từ mà chủ hàng hoá hoặc người được ủy quyền, tổ chức, cá nhân trực tiếp xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây viết là đơn vị được kiểm tra) đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan hải quan, để ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, gian lận thuế, vi phạm chính sách quản lý xuất nhập khẩu đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan.

     

    Điều 2. Đối tượng và phạm vi kiểm tra

    1. Đối tượng kiểm tra sau thông quan là các chứng từ, sổ sách kế toán, các chứng từ khác có liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan; hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan.

    2. Việc kiểm tra sau thông quan chỉ được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan.

    3. Việc kiểm tra các chứng từ, sổ sách, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:

    a) Chỉ kiểm tra các chứng từ thuộc diện phải được lưu giữ theo quy định của pháp luật cho tới thời điểm quyết định kiểm tra được ban hành;

    b) Chỉ kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan nếu hàng hoá đó còn đang được lưu giữ tại đơn vị được kiểm tra hoặc cơ quan hải quan có căn cứ để chứng minh hàng hoá đó hiện đang được các tổ chức, cá nhân khác lưu giữ, quản lý;

    c) Việc kiểm tra là cần thiết để cơ quan hải quan có căn cứ kết luận chính xác nội dung kiểm tra.

    4. Trong thời hạn 05 (năm) năm kể từ ngày hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được thông quan, cơ quan hải quan được áp dụng biện pháp kiểm tra sau thông quan nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan đối với hàng hoá đó.

     

    Điều 3. Nguyên tắc kiểm tra, thẩm quyền ký quyết định kiểm tra

    1. Hoạt động kiểm tra sau thông quan phải được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, chính xác, không gây cản trở đến hoạt động của đơn vị được kiểm tra.

    2. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký quyết định kiểm tra sau thông quan đối với các đơn vị trong phạm vi, địa bàn quản lý của mình.

    3. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký quyết định kiểm tra sau thông quan đối với các trường hợp có nội dung kiểm tra phức tạp, phạm vi kiểm tra liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

    4. Cơ quan hải quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho đơn vị được kiểm tra về quyết định kiểm tra sau thông quan chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc trước ngày tiến hành kiểm tra.

     

    CHƯƠNG II. NỘI DUNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KIỂM TRA

     

    Điều 4. Nội dung kiểm tra sau thông quan

    1. Kiểm tra tính chính xác, trung thực những nội dung đã được kê khai trên tờ khai hải quan, các chứng từ đã được xuất trình, nộp cho cơ quan hải quan, các chứng từ, sổ sách kế toán có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan.

    2. Kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này.

    3. Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, chính sách quản lý xuất khẩu, nhập khẩu.

     

    Điều 5. Trình tự kiểm tra

    Việc kiểm tra được tiến hành theo trình tự sau:

    1. Ban hành quyết định kiểm tra và thông báo quyết định kiểm tra cho đơn vị được kiểm tra theo quy định tại Điều 3 Nghị định này.

    2. Công bố quyết định kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm tra theo nội dung quyết định kiểm tra.

    3. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật thì lập biên bản vi phạm theo quy định của pháp luật.

    4. Đánh giá kết quả kiểm tra.

    5. Lập biên bản kết luận kiểm tra.

    6. Tổ chức thực hiện kết luận kiểm tra.

     

    Điều 6. Nội dung quyết định kiểm tra

    Nội dung quyết định kiểm tra gồm:

    1. Căn cứ pháp lý và lý do kiểm tra.

    2. Nội dung, phạm vi kiểm tra.

    3. Thời hạn kiểm tra.

    4. Trưởng đoàn và các thành viên đoàn kiểm tra (sau đây viết là người kiểm tra).

    5. Trách nhiệm của người kiểm tra và đơn vị được kiểm tra.

     

    Điều 7. Thời hạn kiểm tra

    1. Thời hạn kiểm tra trực tiếp tại đơn vị được kiểm tra của mỗi quyết định kiểm tra tối đa là 05 (năm) ngày làm việc.

    2. Trong trường hợp cần thiết phải có thêm thời gian kiểm tra để hoàn tất các nội dung kiểm tra thì người ký quyết định kiểm tra quyết định việc gia hạn thời gian kiểm tra. Thời gian gia hạn tối đa là 05 (năm) ngày làm việc.

    3. Thời gian gia hạn, lý do gia hạn được thông báo bằng văn bản cho đơn vị được kiểm tra.

     

    Điều 8. Biên bản kết luận kiểm tra

    1. Kết thúc kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra lập biên bản kết luận kiểm tra theo các yêu cầu sau:

    a) Phản ánh khách quan, trung thực, đầy đủ các nội dung đã kiểm tra;

    b) Kết luận rõ ràng mức độ đúng, sai, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan và những vấn đề cần giải quyết;

    c) Kiến nghị các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có).

    2. Biên bản kết luận kiểm tra có chữ ký của Trưởng đoàn kiểm tra và người đứng đầu đơn vị được kiểm tra hoặc người được người đứng đầu đơn vị được kiểm tra ủy quyền.

    3. Trường hợp người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của người đứng đầu đơn vị được kiểm tra không nhất trí với nội dung biên bản kết luận kiểm tra thì có quyền giải trình về những nội dung không nhất trí. ý kiến giải trình của đơn vị được ghi đầy đủ trong biên bản kết luận kiểm tra.

     

    Điều 9. Xử lý kết quả kiểm tra

    1. Biên bản kết luận kiểm tra, giải trình của đơn vị được kiểm tra (nếu có), biên bản vi phạm pháp luật của đơn vị được kiểm tra là căn cứ để cơ quan hải quan và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định việc truy thu thuế, truy hoàn thuế, phạt tiền, xử lý vi phạm hành chính về hải quan theo quy định của pháp luật.

    2. Thời hạn thực hiện việc truy thu thuế, truy hoàn thuế, phạt tiền được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

     

    CHƯƠNG III. NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN TRONG KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN

     

    Điều 10. Nghĩa vụ và quyền của người kiểm tra

    1. Nghĩa vụ của người kiểm tra:

    a) Xuất trình quyết định kiểm tra và chứng minh thư hải quan;

    b) Thực hiện đúng trình tự kiểm tra, thủ tục kiểm tra;

    c) Tuân thủ pháp luật; bảo đảm tính khách quan, chính xác;

    d) Không đưa ra các yêu cầu trái pháp luật, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm tra, các tổ chức, cá nhân có liên quan;

    đ) Không cố ý kết luận sai sự thật;

    e) Báo cáo người ký quyết định kiểm tra và kiến nghị các biện pháp giải quyết kết quả kiểm tra;

    g) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về biên bản kết luận kiểm tra;

    h) Chấp hành quy chế bảo mật; quản lý và sử dụng đúng mục đích các chứng từ, tài liệu được cung cấp.

    2. Quyền của người kiểm tra:

    a) Yêu cầu đơn vị được kiểm tra xuất trình các chứng từ, sổ sách kế toán, các chứng từ khác liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan;

    b) Kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này;

    c) Lập biên bản kết luận kiểm tra, biên bản vi phạm đối với trường hợp có vi phạm pháp luật và kiến nghị biện pháp giải quyết;

    d) Áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

     

    Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm tra

    1. Quyền của đơn vị được kiểm tra:

    a) Yêu cầu người kiểm tra xuất trình quyết định kiểm tra, chứng minh thư hải quan;

    b) Từ chối việc kiểm tra nếu quyết định kiểm tra không đúng với quy định của pháp luật;

    c) Khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người kiểm tra trong quá trình kiểm tra;

    d) Được giải trình về biên bản kết luận kiểm tra, kiến nghị về biện pháp giải quyết của người kiểm tra;

    đ) Nhận biên bản kết luận kiểm tra;

    e) Yêu cầu cơ quan hải quan bồi thường thiệt hại do việc xử lý kết quả kiểm tra không đúng pháp luật gây ra.

    2. Nghĩa vụ của đơn vị được kiểm tra:

    a) Cử người có thẩm quyền làm việc với người kiểm tra;

    b) Tạo điều kiện để người kiểm tra thi hành nhiệm vụ;

    c) Cung cấp đầy đủ các chứng từ, sổ sách kế toán và các chứng từ khác có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo yêu cầu của người kiểm tra;

    d) Đơn vị được kiểm tra phải chấp hành các quy định về kiểm tra sau thông quan, quyết định kiểm tra, biên bản kết luận kiểm tra;

    đ) Không cản trở hoạt động kiểm tra dưới mọi hình thức.

     

    Điều 12. Phối hợp kiểm tra

    Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tạo điều kiện, cung cấp các chứng từ, sổ sách kế toán, thông tin, tài liệu cần thiết, phục vụ trực tiếp cho việc kiểm tra sau thông quan theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan hải quan.

     

    CHƯƠNG IV. GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHEN THƯỞNG

     

    Điều 13. Giải quyết khiếu nại, tố cáo

    Quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm tra về khiếu nại, tố cáo; thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

     

    Điều 14. Xử lý vi phạm, khen thưởng

    1. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Nghị định này, tùy theo mức độ vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật.

    2. Người được giao nhiệm vụ kiểm tra và các cá nhân khác có liên quan nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để làm trái các quy định của Nghị định này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

    3. Trường hợp người ký quyết định kiểm tra sau thông quan, người kiểm tra sau thông quan có quyết định, hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm tra thì phải bồi thường thiệt hại cho đơn vị được kiểm tra theo quy định của pháp luật.

    4. Cơ quan hải quan, công chức hải quan có thành tích trong việc kiểm tra sau thông quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thành tích trong việc phối hợp, thực hiện việc kiểm tra sau thông quan được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

     

    CHƯƠNG V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

     

    Điều 15. Tổ chức thực hiện

    1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xây dựng cơ sở dữ liệu, thu thập và trao đổi thông tin trong nước và ngoài nước để phục vụ cho việc kiểm tra sau thông quan theo quy định của pháp luật.

    2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức trực thuộc ở trong nước và ngoài nước cung cấp các chứng từ, thông tin cần thiết có liên quan đến việc kiểm tra sau thông quan theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan hải quan.

     

    Điều 16. Điều khoản thi hành

    1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2002.

    2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Văn bản đang xem

    Nghị định 102/2001/NĐ-CP quy định về kiểm tra sau thông quan với hàng hoá xuất nhập khẩu

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành: Chính phủ
    Số hiệu: 102/2001/NĐ-CP
    Loại văn bản: Nghị định
    Ngày ban hành: 31/12/2001
    Hiệu lực: 01/01/2002
    Lĩnh vực: Xuất nhập khẩu, Hải quan
    Ngày công báo: Đang cập nhật
    Số công báo: Theo văn bản
    Người ký: Phan Văn Khải
    Ngày hết hiệu lực: 01/01/2006
    Tình trạng: Hết Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X