hieuluat

Chỉ thị 15/CT-BCN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong quý IV năm 2006

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Bộ Công nghiệp Số công báo: Theo văn bản
    Số hiệu: 15/CT-BCN Ngày đăng công báo: Đang cập nhật
    Loại văn bản: Chỉ thị Người ký: Hoàng Trung Hải
    Ngày ban hành: 25/10/2006 Hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Áp dụng: 25/10/2006 Tình trạng hiệu lực: Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực: Công nghiệp, Chính sách
  • CHỈ THỊ

     

     

    CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 15/CT-BCN NGÀY 25 THÁNG 10 NĂM 2006

    VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT KINH DOANH TRONG QUÝ IV NĂM 2006

     

     

    Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm 2006 giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn kế hoạch đề ra cho toàn ngành (15,5%). Tuy nhiên, còn 21/64 tỉnh, thành phố sản xuất công nghiệp có mức tăng thấp hơn mức tăng trưởng chung. Đặc biệt là tính chung 9 tháng, mức tăng GDP khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ đạt 9,8% (kế hoạch đề ra cho cả năm là 10,5%). Như vậy, trong 3 tháng còn lại toàn ngành phải phấn đấu tăng trưởng bình quân trên 11,2%/tháng về giá trị gia tăng.

    Nhằm hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2006, đồng thời chuẩn bị các điều kiện bước vào kế hoạch năm 2007, thực hiện Công điện số 1559/CĐ-TTg ngày 2/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Công nghiệp yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty, Công ty, Thủ trưởng các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ và Giám đốc Sở Công nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là đơn vị và Thủ trưởng các đơn vị) tập trung chỉ đạo một số giải pháp cụ thể sau:

    1. Về sản xuất kinh doanh

    1.1. Các doanh nghiệp, địa phương, đặc biệt là những doanh nghiệp, địa phương có kết quả thực hiện 9 tháng đạt thấp hơn mức tăng trưởng chung và kế hoạch giao cần nghiêm túc đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch của đơn vị, địa phương mình; làm rõ những mặt được, chưa được và những khó khăn, vướng mắc để tập trung chỉ đạo quyết liệt, tìm mọi biện pháp tháp gỡ, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng nhằm hoàn thành ở mức cao nhất KH năm 2006 và tạo tiền đề cho thực hiện kế hoạch năm 2007.

    1.2. Đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm đang có khả năng cạnh tranh và có thị trường như: sản phẩm điện, than, dầu khí, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và lâm sản, hàng may mặc, giầy dép, chế tạo cơ khí, hoá chất cơ bản và phân bón, khai khoáng và chế biến khoáng sản, hàng thủ công mỹ nghệ... chuẩn bị hàng tết và hàng gối đầu cho năm 2007. Tập đoàn Điện lực Việt nam phấn đấu cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng. Tập đoàn Dầu khí Việt nam phấn đấu đảm bảo sản lượng dầu thô và nâng công suất sản xuất phân đạm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1559/CĐ-TTg.

    1.3. Tiếp tục rà soát các yếu tố giá thành, định mức nguyên liệu, vật tư trong sản xuất để có giải pháp tiết giảm chi phí, trước hết là những sản phẩm thực hiện cơ chế AFTA và các sản phẩm liên quan đến các cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO. Đồng thời, xây dựng và củng cố hệ thống phân phối sản phẩm hợp lý, từng bước tham gia vào các kênh phân phối của các tập đoàn xuyên quốc gia. Đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới, phát hiện cơ hội kinh doanh và tăng cường quảng bá sản phẩm.

    1.4. Tăng cường công tác quản lý tài chính doanh nghiệp để kịp thời có giải pháp xử lý những bất hợp lý trong chi tiêu, những sản phẩm bị lỗ, tình trạng tồn đọng về vốn, công nợ... làm lành mạnh tình hình tài chính doanh nghiệp, giảm dần số doanh nghiệp bị lỗ trong 3 tháng cuối năm.

    1.5. Khai thác tối đa thị trường trong nước, chú ý đến đối tượng là người tiêu dùng có thu nhập thấp. Tăng cường xúc tiến thương mại, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, tập trung cho những mặt hàng có tỷ trọng lớn là dệt may, giày dép và những mặt hàng tiềm năng như hàng điện tử và linh kiện, đồ gỗ, dây và cáp điện, động cơ, thủ công mỹ nghệ...

    2. Về đầu tư xây dựng

    2.1. Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tăng cường công tác quản lý đầu tư rút ngắn tiến độ giải quyết các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các công trình quan trọng nhằm sớm tạo ra năng lực sản xuất mới, sản phẩm mới, gia tăng sản lượng công nghiệp ngay từ quý IV năm 2006. Cơ quan quản lý cấp trên cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ các dự án trọng điểm của từng ngành, cùng các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm chất lượng công trình và chống thất thoát, lãng phí.

    2.2. Các cơ quan của Bộ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ các dự án nhóm A, các dự án trọng điểm của từng ngành, cùng các chủ đầu tư tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, nhất là các dự án nguồn điện cấp bách, các dự án quan trọng quốc gia như Lọc dầu Dung Quất, Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Thuỷ điện Sơn La, các dự án thép Thạch Khê, Gang thép Thái Nguyên (giai đoạn 2), đồng Sin Quyền, các dự án khai thác chế biến bauxit ở Lâm Đồng, Đăk Nông, Xi măng Thái Nguyên, Đạm than Ninh Bình, DAP Đình Vũ, Ô tô Thanh Hoá, Giấy Thanh Hoá, Bia Củ Chi, Bia Hà Nội tại Vĩnh Phúc...

    3. Về công tác quản lý nhà nước

    3.1. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình duyệt các dự án quy hoạch, các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo hoàn thành chương trình đã được phê duyệt; đồng thời tiếp tục nghiên cứu bổ sung, xây dựng mới những cơ chế, chính sách cho ngành công nghiệp phù hợp với yêu cầu hội nhập sâu và toàn diện của nước ta với kinh tế thế giới tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường, chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái nhãn mác... Xây dựng các biện pháp phòng vệ chính đáng cho sản phẩm sản xuất trong nước.

    3.2. Đẩy nhanh việc triển khai công tác khuyến công ở các địa phương để thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, các nghề tiểu thủ công nghiệp.

    3.3. Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đề ra; tăng cường theo dõi, hỗ trợ xử lý, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cổ phần hoạt động có hiệu quả, phát huy được vai trò làm chủ của người lao động trong doanh nghiệp.

    3.4. Đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính từ cơ quan Bộ, Sở Công nghiệp tới các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, các doanh nghiệp và các đơn vị. Tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp và Sở Công nghiệp trong các hoạt động quản lý. Tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp về mọi lĩnh vực liên quan tới sản xuất công nghiệp.

    3.5 Các doanh nghiệp phải thường xuyên quan tâm đến điều kiện làm việc và thu nhập của đội ngũ lao động trong doanh nghiệp; phối hợp với công đoàn kịp thời phát hiện và có giải pháp khắc phục những kiến nghị của lực lượng lao động, bảo đảm ổn định sản xuất và nâng cao năng suất lao động.

    Thủ trưởng các đơn vị phải đặt công tác chỉ đạo thúc đẩy sản xuất, kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm, với quyết tâm phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch được giao cả năm 2006, kịp thời báo cáo Bộ những vấn đề vượt thẩm quyền để giải quyết, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển./.

     

    BỘ TRƯỞNG

    Hoàng Trung Hải

     

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X