hieuluat

Báo cáo 609/BC-BGDĐT tình hình thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên đến ngày 15/11/2008

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo Số công báo: Theo văn bản
    Số hiệu: 609/BC-BGDĐT Ngày đăng công báo: Đang cập nhật
    Loại văn bản: Báo cáo Người ký: Trần Duy Tạo
    Ngày ban hành: 19/11/2008 Hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Áp dụng: 19/11/2008 Tình trạng hiệu lực: Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực: Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Xây dựng, Chính sách
  • BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

     

    Số:  609/BC-BGDĐT

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

     

    Hà nội, ngày 19  tháng 11 năm 2008

     

     

    BÁO CÁO

    Tình hình thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học

    và nhà công vụ giáo viên đến ngày 15 tháng 11 năm 2008

     

     

    Thực hiện Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01-02-2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008 - 2012, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang tích cực tổ chức triển khai. Bộ Giáo dục và Đào tạo xin báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Đề án đến ngày 15-11-2008 như sau:

    I. Tình hình triển khai thực hiện Đề án:

    1. Về khối lượng công trình năm 2008:

    Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình trường học và nhà công vụ giáo viên trong năm 2008 khoảng 10.000 công trình (với hơn 26.000 phòng học và 11.000 phòng (nhà) công vụ giáo viên).

    Để phục vụ cho công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, ngày 08-10-2008 Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn số 9415/BGDĐT-CSVCTBĐCTE gửi Ủy ban nhân dân và Sở Giáo dục Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hướng dẫn các địa phương báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên theo những tiêu chí thống nhất. Đến ngày 18-11-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới nhận được báo cáo của 48 tỉnh/59 tỉnh thuộc đối tượng thực hiện Đề án.

    Theo báo cáo của 48 tỉnh, tình hình triển khai và kết quả thực hiện Đề án đến ngày 15-11-2008 như sau:

    Số công trình đã triển khai là 25.453 phòng học và 11.306 phòng (nhà) công vụ giáo viên. Trong đó:

    + Số công trình đã hoàn thành là 1.151 phòng học và 202 phòng (nhà) công vụ giáo viên,

    + Số công trình đang xây dựng là 4.355 phòng học và 1.165 phòng (nhà) công vụ giáo viên (29.255 m2);

    + Số công trình đã hoàn thành thủ tục đang chuẩn bị khởi công xây dựng là hơn 2.904 phòng học và 2.202 phòng (nhà) công vụ giáo viên;

    + Số công trình đang làm thủ tục phê duyệt đầu tư và đấu thầu là hơn 17.041 phòng học và 7.737 phòng (nhà) công vụ giáo viên.

    2. Về giải ngân nguồn vốn Trung ương hỗ trợ:

    Theo Quyết định 68/2008/QĐ-TTg ngày 28-5-2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ các địa phương thực hiện Đề án năm 2008 là 3.775,6 tỷ đồng; Các địa phương đã phân bổ 3.677 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 97,4 %) cho các chủ đầu tư, các dự án.

    Theo báo cáo của 48 tỉnh/59 tỉnh đến ngày 18-11-2008, số vốn các địa phương đã huy động để thực hiện Đề án là 3.503 tỷ đồng.

    Trong đó:

    +  Số vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ là: 2.606 tỷ đồng /3775,6 tỷ đồng, đạt 69 %;

    + Số vốn ngân sách địa phương (tỉnh, huyện) là: 809 tỷ đồng;

    + Số vốn huy động khác là: 140 tỷ đồng.

    Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố đến ngày 15-11-2008, số vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ đã tạm ứng, thanh toán là 297,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 7,9 % so với kế hoạch (297,5 tỷ đồng/ 3.775,6 tỷ đồng).

    Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước đến tháng 10-2008 các tỉnh, thành phố đã giải ngân được 295 tỷ đồng. Trong đó:

    +  Vốn trái phiếu Chính phủ là 181,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 7,0 % so với kế hoạch;

    + Vốn ngân sách địa phương là: 109 tỷ đồng;

    + Vốn huy động khác là: 4,7 tỷ đồng

    (Có Biểu tổng hợp về tình hình thực hiện Đề án của các địa phương kèm theo)

    II. Một số nhận xét:

    1. Nhận xét chung:

    - Từ sau hội nghị giao ban trực tuyến ngày 08-10-2008 đến nay, để thực hiện  lời cam kết nhiều địa phương đã có nhiều cố gắng đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án (từ việc chuẩn bị thủ tục đến việc khởi công xây dựng và tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư) các tỉnh có tiến độ khá là: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Trị, Ninh Thuận, Binh Thuận, Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang.

    - Một số tỉnh, thành phố việc triển khai vẫn còn chậm, chưa có sự chuyển biến tích cực, gồm các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Gia Lai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ.

    - Việc chỉ đạo, theo dõi tiến độ thực hiện Đề án trên địa bàn ở một số địa phương còn thiếu thường xuyên nên việc cập nhật thông tin về tình hình và kết quả thực hiện để báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương chậm, không kịp thời, thiếu chính xác, không theo những tiêu chí đã hướng dẫn, gây khó khăn cho việc tổng hợp và phục vụ công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương; Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ theo quy định tại Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01-02-2008 của Thủ tướng Chính phủ và công văn hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể là, sau hơn một tháng Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi công văn tới các địa phương cùng với việc nhắc nhở nhiều lần bằng điện thoại, đến nay mới chỉ có 48 tỉnh/ 59 tỉnh, thành phố có báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    - Đến nay còn 11 tỉnh chưa có báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm các tỉnh: Cao Bằng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Trà Vinh, Đồng Tháp.

    2. Nguyên nhân:

    - Về thủ tục đầu tư, các công trình xây dựng trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên thuộc Đề án phải thực hiện theo những quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng. Thủ tục đầu tư xây dựng còn nhiều và phải tuân thủ theo trình tự quy định, mất nhiều thời gian chuẩn bị (thời gian chuẩn bị thủ tục đối với 1 dự án khoảng 60 ngày).

    - Giá cả nguyên vật liệu xây dựng biến động liên tục, gây nhiều khó khăn trong việc lập dự toán, xác định giá dự thầu và quyết định giá trúng thầu, khi thực hiện phải bổ sung, điều chỉnh với nhiều thủ tục phức tạp.

    - Đề án triển khai đồng thời trên phạm vị rộng, với quy mô lớn (hàng chục nghìn công trình trong một năm, nhiều địa phương thiếu đơn vị tư vấn làm các thủ tục đầu tư, thiếu những đơn vị thi công có đủ năng lực về tài chính và cán bộ kỹ thuật (đặc biệt là cán bộ kỹ thuật làm nhiệm vụ giám sát thi công), các đơn vị thi công không tích cực tham gia dự thầu các công trình ở các xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện thi công khó khăn.

    - Trong thời gian qua, thời tiết diễn biến bất thường, mưa lũ xẩy ra liên tiếp (đặc biệt là các tỉnh miền núi và miền Trung) gây nhiều thiệt hại (trong đó có thiệt hại về nguyên vật liệu và thiết bị thi công của nhà thầu), việc thi công các công trình trường học càng thêm khó khăn, nhiều công trình phải tạm dừng thi công.

    Những nguyên nhân khách quan và chủ quan trên đây cũng là những khó khăn, vướng mắc của các địa phương đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện Đề án trong thời gian qua. Trách nhiệm một phần do việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương và các Bộ, ngành Trung ương còn chậm, một phần do việc tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố còn thiếu chủ động và chưa quyết liệt.

    III. Những công việc cần thực hiện trong thời gian tới:

    Để thực hiện được kế hoạch xây dựng năm 2008 các địa phương đã đăng ký với Ban Chỉ đạo Trung ương và cam kết với Chính phủ tại cuộc họp giao ban trực tuyến ngày 08-10-2008, trong thời gian tới, các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần khẩn trương thực hiện một số công việc sau:

    1. Đối với Ban Chỉ đạo Trung ương:

    - Thực hiện chế độ giao ban hàng tháng, hàng quý với đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để nắm tình hình và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Đề án của các địa phương.

    - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo dự kiến phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009 và định hướng đến năm 2012 cho Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên. Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư  phối hợp lập kế hoạch phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ và mức vốn đối ứng của các địa phương cả giai đoạn 2008 - 2012, trình Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho các tỉnh, thành phố biết để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

    - Tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện chỉ định thầu đối với các công trình có tổng mức đầu tư lớn hơn 1 tỷ đồng, xây dựng ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đối với những địa phương có đề nghị (ngày 17-11-2008 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện chỉ định thầu đối với một số công trình thuộc Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên của một số tỉnh).

    - Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện Đề án của các địa phương khó khăn, tiến độ chậm (tập trung vào các vấn đề: tiến độ thực hiện, chất lượng công trình, sử dụng và giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, ..).

    2. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:

    Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần thực hiện các công việc đúng kế hoạch như kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp giao ban ngày 8-10-2008. Cụ thể là:

    - Chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khẩn trương làm các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu đối với các dự án thực hiện trong năm 2008 đã được Hội đồng nhân dân thông qua và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt.

    - Chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý cấp phát vốn, kịp thời làm các thủ tục nghiệm thu, tạm ứng, thanh toán vốn.

    - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cộng đồng về tiến độ, chất lượng công trình, quản lý và sử dụng các nguồn vốn thực hiện Đề án (đặc biệt là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ các địa phương).

    - Báo cáo kịp thời, đầy đủ và chính xác về tình hình và kết quả thực hiện Đề án với Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo (cơ quan quản lý, thường trực Đề án) định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và hàng năm theo quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại công văn số 9415/BGDĐT-CSVCTBĐCTE ngày 8-10-2008 (một số địa phương hiện nay thực hiện chưa nghiêm túc công việc này).

    Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo./.

     

    Nơi nhận:

    - Bộ trưởng (để b/c);

    - Các Thứ trưởng.

    - Lưu:VT. Cục CSVCTBĐCTE.

    * Bộ Giáo dục và Đào tạo nhờ Sở Giáo dục và Đào tạo gửi 01 bản báo cáo này đến Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh.

    TL. BỘ TRƯỞNG

    CỤC TRƯỞNG CỤC CSVCTBĐCTE

     

    (Đã ký)

     

    Trần Duy Tạo

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Báo cáo 609/BC-BGDĐT tình hình thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên đến ngày 15/11/2008

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
    Số hiệu: 609/BC-BGDĐT
    Loại văn bản: Báo cáo
    Ngày ban hành: 19/11/2008
    Hiệu lực: 19/11/2008
    Lĩnh vực: Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Xây dựng, Chính sách
    Ngày công báo: Đang cập nhật
    Số công báo: Theo văn bản
    Người ký: Trần Duy Tạo
    Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X