hieuluat

Nghị quyết liên tịch 12/2008/NQLT-BGDĐT-TWĐTN tăng cường công tác giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Số công báo: 221&222 - 4/2008
    Số hiệu: 12/2008/NQLT-BGDĐT-TWĐTN Ngày đăng công báo: 10/04/2008
    Loại văn bản: Nghị quyết liên tịch Người ký: Phạm Vũ Luận, Lâm Phương Thanh
    Ngày ban hành: 28/03/2008 Hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Áp dụng: 25/04/2008 Tình trạng hiệu lực: Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực: Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Chính sách
  • BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO -

    TRUNG ƯƠNG ĐOÀN

    TNCS HỒ CHÍ MINH

    Số: 12/2008/NQLT-BGDĐT-TWĐTN

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

                

     Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm  2008

     

     

    NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH

    Về tăng cường công tác giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên và xây dựng

    tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường giai đoạn 2008 - 2012

     

     

    Căn cứ Điều 97 của Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010 và Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2007 - 2012; trên cơ sở những kinh nghiệm và kết quả phối hợp hoạt động giữa ngành giáo dục  với các cấp bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2003 - 2007, nhằm phát huy những kết quả đạt được, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết Liên tịch về “Tăng cường công tác giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên và xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường  giai đoạn 2008 - 2012. Nội dung cụ thể như sau:

    I. MỤC TIÊU

    1. Phát huy vai trò, trách nhiệm của ngành giáo dục và các cấp bộ Đoàn trong công tác giáo dục nhằm xây dựng thế hệ học sinh, sinh viên phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và kỹ năng nghề nghiệp, giàu lòng yêu nước, có lối sống đẹp, có lý tưởng cách mạng và bản lĩnh văn hoá con người Việt Nam.

    2. Phát huy tính tiên phong, xung kích, năng động, sáng tạo của học sinh, sinh viên trong tổ chức các hoạt động học tập, rèn luyện trong nhà trường và cộng đồng, đáp ứng nhu cầu xã hội.

    3. Phối hợp nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện tốt chế độ chính sách của Nhà nước, những quy định của ngành giáo dục và các cấp bộ Đoàn đối với học sinh, sinh viên, cán bộ, giảng viên, giáo viên trẻ và cán bộ Đoàn, Hội, Đội, xây dựng, củng cố nhà trường và tổ chức Đoàn, Hội, Đội ngày càng vững mạnh.

    II. NỘI DUNG VÀ BIỆN PHÁP

    1. Tăng cường công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên

    a) Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bồi dưỡng lý luận chính trị, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền phổ biến Luật Giáo dục, Luật Thanh niên và các quy định của  ngành giáo dục và Đoàn Thanh niên;

    b) Tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với các nội dung cụ thể, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng học sinh, sinh viên. Định kỳ phối hợp tổ chức tuyên dương học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Phối hợp chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam” trong học sinh, sinh viên;

    c) Đẩy mạnh và đổi mới công tác giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục ý thức pháp luật, ý thức công dân thông qua các hình thức như: đi thăm bảo tàng và các địa danh lịch sử của dân tộc, các diễn đàn, hội thảo về lối sống, nếp sống trong học sinh, sinh viên. Tổ chức tốt “Tuần sinh hoạt công dân học sinh, sinh viên” đầu khoá, cuối khóa  và đầu năm học và cuộc vận động "Học sinh, sinh viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc luật giao thông" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động; tổ chức các hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội, như: ma tuý, mại dâm, cờ bạc, lô đề trong học sinh, sinh viên; xây dựng tiêu chí đánh giá về đạo đức, tác phong của học sinh, sinh viên;

    d) Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tinh thần cảnh giác cách mạng phòng chống âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chiến lược “Diễn biến hoà bình”, lợi dụng vấn đề tôn giáo của các thế lực thù địch cho học sinh, sinh viên. Các nhà trường định kỳ tổ chức các buổi nói chuyện thời sự, gặp gỡ, đối thoại với học sinh, sinh viên về tình hình trong nước, quốc tế và các vấn đề liên quan đến người học. Định hướng và vận động học sinh, sinh viên khai thác, sử dụng internet lành mạnh. Chỉ đạo củng cố và phát huy vai trò của các tổ thăm dò dư luận, các đội an ninh xung kích của học sinh, sinh viên trong  nhà trường;

    đ) Tổ chức, hướng dẫn và vận động học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao. Định kỳ tổ chức các hội diễn, hội thi, các giải thi đấu ở cấp trường, cấp khu vực và toàn quốc. Tăng cường giáo dục chuyển đổi hành vi, phòng chống bệnh tật học đường, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh, sinh viên.

    2. Chỉ đạo phong trào học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện tay nghề, nghiệp vụ trong học sinh, sinh viên

    a) Giáo dục, tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên tích cực thực hiện cuộc vận động: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực trong học tập của học sinh, sinh viên. Nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên trong việc xác định động cơ học tập, phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh, sinh viên; định hướng cho học sinh, sinh viên mục tiêu học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học theo nhu cầu xã hội; phát động phong trào tự học, tự rèn luyện trong học sinh, sinh viên. Thực hiện tốt mục tiêu giáo dục, Chỉ thị về nhiệm vụ năm học hằng năm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các chương trình, kế hoạch của Trung ương Đoàn;

    b) Phát động phong trào thi đua học tập, nghiên cứu khoa học; đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên; khuyến khích và động viên học sinh, sinh viên học tập ngoại ngữ, tin học; đẩy mạnh phong trào “Sáng tạo trẻ” trong học sinh, sinh viên. Các nhà trường có trách nhiệm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phối hợp với  Đoàn Thanh niên tổ chức cho học sinh, sinh viên tự học, tham gia các câu lạc bộ học thuật, nghiên cứu khoa học, rèn luyện tay nghề, nghiệp vụ, gắn nghiên cứu khoa học với việc giải quyết các yêu cầu của thực tiễn;

    c) Tổ chức các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích học sinh, sinh viên thi đua học tập, tôn vinh các tấm gương học sinh, sinh viên tiêu biểu; tổ chức các hội nghị khoa học chuyên ngành theo khối, đối tượng, các hội thi tay nghề, nghiệp vụ; khuyến khích và tăng cường quản lý để nâng cao hiệu quả các hình thức hỗ trợ học sinh, sinh viên học tập, rèn luyện trong các nhà trường như: thành lập các Quỹ, các giải thưởng, học bổng.

    3. Tổ chức các hoạt động đồng hành, hỗ trợ học sinh, sinh viên

    a) Đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chiến lược truyền thông quốc gia về nâng cao nhận thức nghề nghiệp và việc làm cho học sinh, sinh viên; phối hợp sản xuất các chương trình trên sóng phát thanh và truyền hình;

    b) Chỉ đạo xây dựng chương  trình, tài liệu học tập, bồi dưỡng về phát triển kỹ năng xã hội trong sinh hoạt, học tập, lao động và công tác cho học sinh, sinh viên; xây dựng mô hình hỗ trợ, tư vấn về tâm lý, tình cảm, các vấn đề xã hội cho học sinh, sinh viên; phối hợp tổ chức các khoá huấn luyện kỹ năng, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ Đoàn, Hội, Đội và cán bộ phụ trách công tác học sinh, sinh viên của các nhà trường;

    c) Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn việc làm cho học sinh, sinh viên; tổ chức các hoạt động giao lưu, đối thoại giữa học sinh, sinh viên với doanh nghiệp nhằm gắn kết việc đào tạo với nhu cầu  xã hội; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của ngành giáo dục và các cấp bộ Đoàn định kỳ tổ chức cho sinh viên, học sinh tham quan thực tế các doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp; đảm bảo mỗi học sinh, sinh viên trong khoá học ít nhất một lần được tham quan thực tế; tổ chức các ngày hội, hội chợ việc làm.

    4. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội, nhân đạo, phong trào tình nguyện trong học sinh, sinh viên

    a) Tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia phổ cập giáo dục, chống mù chữ và tái mù chữ, dạy bổ sung kiến thức cho học sinh;

    b) Tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn đến trường; tuyên truyền, vận động, và có giải pháp hỗ trợ học sinh bỏ học trở lại trường;

    c) Nhà trường phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tổ chức tốt Tháng Thanh niên, các Chiến dịch Thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện hè, các hoạt động phòng chống, khắc phục thiên tai, hoả hoạn và các hoạt động xã hội, nhân đạo khác;

    d) Chỉ đạo, tổ chức hoạt động tình nguyện trong học sinh, sinh viên theo hướng phát triển mạnh các hoạt động tình nguyện thường xuyên, chuyên môn và chuyên nghiệp trong năm học với mục tiêu rèn luyện và bổ sung kiến thức thực tiễn cho học sinh, sinh viên.

    5. Tăng cường xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường 

    a) Lãnh đạo nhà trường tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác Đoàn, Hội, Đội và phong trào học sinh, sinh viên; bố trí đủ cán bộ chuyên trách làm công tác Đoàn, Hội, Đội; định kỳ mỗi học kỳ một lần, làm việc với tổ chức Đoàn, Hội, Đội của trường;

    b) Cán bộ Đoàn, Hội, Đội là cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên có thành tích được tổ chức Đoàn, Hội, Đội và nhà trường khen thưởng;

    c) Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý học sinh, sinh viên; tổ chức các hoạt động phù hợp cho sinh viên tại các cơ sở đào tạo theo hệ thống tín chỉ;

    d) Thực hiện tốt công tác phát triển Đảng trong cán bộ, giảng viên, giáo viên trẻ, học sinh, sinh viên;

    e) Tiếp tục chỉ đạo thực hiện và hoàn thiện các chính sách cho học sinh, sinh viên, cán bộ giáo viên trẻ và cán bộ Đoàn, Hội, Đội trong các nhà trường;

    f) Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu và kinh phí cho tổ chức các hoạt động của Đoàn, Hội, Đội.

    III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

    1. Thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương gồm đồng chí Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan của hai cơ quan để chỉ đạo việc tổ chức thực hiện Nghị quyết liên tịch:

    a) Ban Chỉ đạo Trung ương thành lập các tổ công tác kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết ở cơ sở;

    b) Vào tháng 7 hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết và ban hành Kế hoạch hoạt động năm học với một số trọng tâm và hoạt động cụ thể;

    c) Vụ Công tác học sinh, sinh viên thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Thanh niên trường học thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là bộ phận thường trực giúp cho Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.

    2. Các sở giáo dục và đào tạo, các tỉnh, thành Đoàn và các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp căn cứ Nghị quyết này xây dựng chương trình phối hợp cụ thể; phân công bộ phận thường trực để giúp cho lãnh đạo hai cơ quan theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết; Định kỳ hàng năm, tiến hành kiểm tra, đánh giá, sơ kết, đưa ra nội dung và biện pháp thực hiện cụ thể trong năm học tiếp theo; thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết và đề xuất các sáng kiến, giải pháp về Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn trước ngày 30 tháng 6 hàng năm.

    3. Các cơ quan báo chí, xuất bản của ngành giáo dục và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các sở giáo dục và đào tạo, nhà trường và các cấp bộ Đoàn có kế hoạch phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết và hoạt động triển khai thực hiện Nghị quyết ở cơ sở; biểu dương người tốt, việc tốt, mô hình hay, cách làm tốt.

    4. Nghị quyết này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

     Hai bên có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch này. Bộ phận thường trực của hai cơ quan thường xuyên phối hợp, đề xuất các nội dung cụ thể, kiểm tra, rút kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện./.

     

    TM. BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐOÀN

    BÍ THƯ

    Lâm Phương Thanh

    KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

    THỨ TRƯỞNG

    Phạm Vũ Luận

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 14/06/2005 Hiệu lực: 01/01/2006 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật Thanh niên số 53/2005/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 29/11/2005 Hiệu lực: 01/07/2006 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Công văn 5500/BGDĐT-CTHSSV của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn công tác học sinh, sinh viên, ngoại khóa và y tế trường học năm học 2012 - 2013
    Ban hành: 23/08/2012 Hiệu lực: 23/08/2012 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    04
    Công văn 6519/BGDĐT-CTHSSV của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tổng kết Nghị quyết liên tịch 12/2008/NQLT-BGDĐT-TWĐTN
    Ban hành: 02/10/2012 Hiệu lực: 02/10/2012 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Nghị quyết liên tịch 12/2008/NQLT-BGDĐT-TWĐTN tăng cường công tác giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
    Số hiệu: 12/2008/NQLT-BGDĐT-TWĐTN
    Loại văn bản: Nghị quyết liên tịch
    Ngày ban hành: 28/03/2008
    Hiệu lực: 25/04/2008
    Lĩnh vực: Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Chính sách
    Ngày công báo: 10/04/2008
    Số công báo: 221&222 - 4/2008
    Người ký: Phạm Vũ Luận, Lâm Phương Thanh
    Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X