hieuluat

Quyết định ban hành Quy chế Nuôi dạy trẻ trong nhà trẻ

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em Số công báo: Theo văn bản
    Số hiệu: 39/QĐUB Ngày đăng công báo: Đang cập nhật
    Loại văn bản: Quyết định Người ký: Đinh Thị Cẩn
    Ngày ban hành: 22/04/1984 Hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Áp dụng: 22/04/1984 Tình trạng hiệu lực: Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực: Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Y tế-Sức khỏe
  • UỶ BAN BẢO VỆ BÀ MẸ

    VÀ TRẺ EM TRUNG ƯƠNG

    Số: 39/QĐUB

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

     

    Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 1984

     

     

    QUYẾT ĐỊNH

    Về việc ban hành Quy chế Nuôi dạy trẻ trong nhà trẻ

     

     

    CHỦ NHIỆM UỶ BAN BẢO VỆ BÀ MẸ VÀ TRẺ EM TRUNG ƯƠNG

     

     

    Căn cứ Nghị định số 145-CP ngày 21 tháng 7 năm 1971 của Hội đồng Chính phủ quy định quyền hạn, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của Uỷ ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Trung ương;

    Căn cứ Nghị quyết số 140-CP ngày 15 tháng 7 năm 1971 của Hội đồng Chính phủ về tăng cường tổ chức và quản lý công tác nhà trẻ;

    Theo đề nghị của các đồng chí Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ và Trưởng phòng Nghiên cứu nuôi dạy trẻ,

     

     

    QUYẾT ĐỊNH:

     

     

    Điều 1. Ban hành bản quy chế nuôi dạy trẻ kèm theo quyết định này để thống nhất thi hành tại các nhà trẻ trong cả nước.

    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

    Điều 3. Các đồng chí Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ, Trưởng phòng Nghiên cứu nuôi dạy trẻ và Chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Đặc khu có trách nhiệm thi hành quyết định này.

     

    CHỦ NHIỆM

    (Đã ký)

    Đinh Thị Cần

     

     

     

    QUY CHẾ

    Nuôi dạy trẻ trong nhà trẻ

    (Ban hành kèm theo Quyết định số 39/QĐUB

    ngày 22 tháng 04 năm 1984 của Uỷ ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em)

     

    Chương I

    NGUYÊN TẮC CHUNG

    Hiện nay, mạng lưới nhà trẻ đã phát triển rộng khắp từ thành thị tới nông thôn. Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục đã đặt công tác nuôi dạy trẻ trong nhà trẻ vào hệ thống giáo dục mầm non, một bộ phận rất quan trọng của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm nuôi dưỡng và giáo dục một cách toàn diện trẻ em trong độ tuổi, tạo ra ở các cháu những mầm mống về phẩm chất và năng lực của con người mới, chuẩn bị tốt cho các cháu vào trường phổ thông.

    Để đưa công tác nuôi dạy trẻ vào nền nếp khoa học, Uỷ ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Trung ương ban hành quy chế nuôi dạy trẻ, bao gồm những Điều cơ bản, cần thiết phải được các cô nuôi dạy trẻ, cán bộ, nhân viên nhà trẻ thống nhất thực hiện trong hệ thống nhà trẻ trên phạm vi cả nước.

    Chương II

    NỘI DUNG CỦA QUY CHẾ NUÔI DẠY TRẺ

    MỤC 1

    Chế độ nhận, đón, trả, chuyển trẻ

    A) Chế độ nhận trẻ

    Điều 1. Nhà trẻ phải có sổ sách ghi rõ tên, ngày sinh của trẻ, tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ của bố mẹ, ngày vào và ra nhà trẻ.

    Điều 2. Mỗi nhóm phải có danh sách trẻ của nhóm, với đầy đủ tên, tuổi, ngày sinh, ngày vào nhóm và chuyển nhóm.

    B) Chế độ đón trẻ

    Điều 3. Cô trực phải đến sớm 30 phút.

    - Mở cửa cho thông thoáng.

    - Làm vệ sinh trong phòng.

    - Sắp xếp giường, chiếu để đón trẻ.

    - Chuẩn bị sẵn nước, một số tã lót (nhóm bé), đồ chơi (nếu có).

    Điều 4. Đón trẻ ở phòng đợi hoặc ở cửa phòng trẻ, thái độ niềm nở, ân cần đối với gia đình, nhẹ nhàng âu yếm đối với trẻ và cô cần biết tình hình sức khoẻ của trẻ khi trẻ đến nhà trẻ.

    Điều 5. Trẻ sức khoẻ bình thường mới được nhận vào nhóm.

    Điều 6. Trẻ bị bệnh dịch (sởi, thuỷ đậu, quai bị, ho gà...) sốt cao hoặc có triệu chứng bất thường cần được trả lại gia đình chăm sóc và kịp thời đưa trẻ đi khám bệnh.

    Điều 7. Trẻ bị mệt hoặc mới khỏi bệnh phải để ở riêng một góc quy định trong phòng (hoặc ở phòng trẻ mệt, nếu có), phân công cô theo dõi và báo cho y tế hoặc phụ trách nhà trẻ lưu ý.

    Điều 8. Không để trẻ đưa vào nhóm các thứ bánh kẹo, quà vặt... các đồ chơi có thể gây tai nạn (kim băng, ngòi bút, đinh, hạt...).

    Điều 9. Đồ dùng của trẻ cần được cô kiểm tra khi nhận để giao lại đủ khi trả trẻ, tránh nhầm lẫn.

    Điều 10. Sau giờ đón: ghi số trẻ có mặt vào bảng theo dõi báo ăn.

    C) Chế độ trả trẻ

    Điều 11. Trả trẻ theo giờ giấc đã quy định của nhà trẻ. Trường hợp ngoại lệ phải có ý kiến của Chủ nhiệm hoặc phụ trách nhà trẻ.

    Điều 12. Không giao trẻ cho người lạ và trẻ em chưa đủ trách nhiệm và khả năng bảo vệ trẻ khi đón về.

    Điều 13. Chỉ trả sau khi trẻ đã ăn uống và làm vệ sinh cá nhân đầy đủ.

    Điều 14. Cần phản ảnh rõ cho gia đình tình hình của trẻ khi có gì bất thường xảy ra cho trẻ trong ngày ở nhà trẻ để gia đình tiếp tục chăm sóc ở nhà.

    Điều 15. Trường hợp gia đình đến đón quá muộn, nhà trẻ cần phân công người ở lại đảm nhiệm giao trả chu đáo.

    D) Chế độ chuyển trẻ

    Điều 16. Trẻ đủ tháng phải được chuyển lên nhóm trên theo quy định về chia nhóm và theo định kỳ của nhà trẻ.

    Trường hợp trẻ yếu kém so với tuổi, có thể tiếp tục để trẻ ở nhóm cũ một thời gian.

    Điều 17. Phải có kế hoạch sắp xếp cho ra nhà trẻ để chuyển lên mẫu giáo những trẻ đã hết tuổi nhà trẻ. Những trẻ hết tuổi nhà trẻ vào thời điểm trường lớp mẫu giáo chưa khai giảng chỉ có thể được ở lại nhà trẻ đến khi mẫu giáo tựu trường nếu không ảnh hưởng đến việc thu nhận trẻ thuộc độ tuổi nhà trẻ.

    MỤC 2

    Chế độ bảo đảm an toàn cho trẻ

    Điều 18. Chủ nhiệm, phụ trách nhà trẻ và cô nuôi dạy trẻ phải chịu trách nhiệm về mọi trường hợp trẻ ở nhà trẻ bị thất lạc hoặc bị các tai nạn có ảnh hưởng đến sức khoẻ và tình trạng của trẻ.

    Điều 19. Khi xảy ra những sự việc trên, Chủ nhiệm (hay phụ trách) nhà trẻ phải kịp thởi xử lý, báo cáo ngay cho cấp quản lý trực tiếp và gởi tiếp văn bản báo cáo cụ thể.

    A. Phòng tránh hóc, sặc

    Điều 20.  Thức ăn chế biến cho trẻ phải nhặt bỏ hết vỏ, xương và có chế độ loãng, đặc, nhỏ, nhừ theo chế độ ăn của từng lứa tuổi.

    - Cho trẻ ăn các loại trái cây có hạt phải tách bỏ hạt trước và theo dõi khi cháu ăn.

    - Thuốc viên phải nghiền nát, hoà nước cho uống.

    - Tập cho trẻ ăn thong thả, không để trẻ nói chuyện, cười đùa trong khi ăn.

    Điều 21. Không cho trẻ ăn uống khi trẻ nằm, đang khóc, đang buồn ngủ, đang ho.

    Điều 22. Cấm hít mũi trẻ, cấm dùng đũa, thìa ngáng miệng trẻ để đổ thức ăn, ép trẻ nuốt.

    Điều 23. Không cho trẻ mang theo những đồ vật nhỏ, những hạt dễ nuốt. Khi trẻ chơi những đồ vật nhỏ phải có cô theo dõi, chơi xong cô phải kiểm tra đủ số lượng mới cất đi.

    B. Phòng ngộ độc (thức ăn, thuốc)

    Điều 24. Nhà trẻ phải nghiêm chỉnh thực hiện quy định phòng ngộ độc cho trẻ sau đây:

    1. Thức ăn phải cất, đậy cẩn thận, hợp vệ sinh.

    2. Không cho trẻ ăn thức ăn sống, kém phẩm chất, ôi thiu.

    3. Không dùng đồ chơi, dụng cụ đựng thức ăn làm bằng nguyên liệu có thể gây độc cho trẻ.

    4. Cho trẻ dùng thuốc phải đúng hướng dẫn của y tế về liều lượng, thời gian và cách cho uống.

    5. Tủ thuốc nhà trẻ phải đặt ở cao, ngoài tầm với của trẻ.

    6. Các dụng cụ đựng thuốc trong tủ thuốc của nhóm đều phải dán nhãn.

    7. Thuốc uống không được để chung ngăn với thuốc dùng ngoài.

    8. Diêm, xà phòng, thuốc sát trùng chỉ được để ở nơi quy định trẻ không lấy được.

    Điều 25. Cán bộ, nhân viên không được đưa thuốc của mình dùng hoặc các loại thuốc khác như thuốc bả chuột đến nhóm trẻ.

    C. Phòng tai nạn gây chấn thương

    Điều 26. Thường xuyên kiểm tra nhà cửa, đồ dùng, đồ chơi của trẻ, chỗ nào hỏng phải được sửa chữa ngay. Có bảo đảm an toàn mới được sử dụng cho trẻ. Cửa phải có móc cố định; cửa sổ, hành lang trên cao phải có chấn song, bao lơn.

    Điều 27. Không cho trẻ chơi những đồ dùng có thể gây chấn thương như dao, kéo, thuỷ tinh, đồ vật nhọn.

    Điều 28. Tổ chức cho trẻ chơi trật tự, không leo trèo, không xô đẩy, cắn cấu nhau.

    D. Phòng điện giật

    Điều 29. Cầu dao, phích cắm, công tắc và dây điện phải đặt cao ngoài tầm với của trẻ. Thường xuyên kiểm tra các dây điện cũ, thấy những chỗ không đảm bảo an toàn phải thay ngay.

    Điều 30. Lò sưởi điện, quạt điện, phải đặt nơi cao hoặc có phương tiện bảo hiểm. Cấm vắt quần áo ướt trên lò sưởi điện, bàn là điện để sấy khô.

    Đ. Phòng bỏng

    Điều 31. Trước khi cho trẻ ăn uống phải kiểm tra độ nóng của thức ăn, nước uống, vừa ấm mới cho ăn.

    Điều 32. Không cho trẻ chơi gần bếp, gần nơi chia cơm, nơi để nước uống. Không đem soong cơm, canh, thức ăn nóng đến chia tại bàn trẻ. Đèn dầu, phích nước sôi phải để quá tầm với tay của trẻ.

    Điều 33. Không được đun nấu trong phòng của trẻ. Phòng trẻ em ở gần bếp phải có chắn ngăn cách.

    E. Phòng cháy nhà

    Điều 34. Những chất dễ cháy (như thùng xăng, thùng dầu...) không được để gần nhà trẻ và gần nơi đun nấu.

    Điều 35. Khi cháy nhà trẻ hoặc cháy gần nhà trẻ, tất cả nhân viên nhà trẻ phải tập trung chuyển ngay hết trẻ ra ngoài (trước hết là trẻ ở gần khu vực bị cháy, trẻ bé, trẻ đang ngủ, sau đến trẻ lớn) rồi mới được chạy đồ đạc.

    G. Đề phòng trẻ chết đuối, chết ngạt

    Điều 36. Nhà trẻ phải có tường rào chắc chắn. Sau giờ nhận trẻ phải đóng kín cổng ra vào. Cửa ra vào phòng trẻ, hiên chơi phải có lan can.

    Điều 37. Giếng, bể nước phải có thành cao và có nắp đậy chắc chắn. Các đường ra ao, giếng, hố vôi, hầm, cửa cổng đều phải có rào chắn. Cấm cô đưa trẻ ra ao, ra giếng.

    Điều 38. Dẫn nhiều trẻ đi chơi ngoài trời hoặc từ nơi này sang nơi khác phải có 2 cô đi theo, một cô đi trước, một cô đi sau.

    - Phải quản lý chặt chẽ vào các giờ đón và trả, giờ đi chơi.

    - Không cho trẻ tự do ra ngoài chờ bố mẹ ở phòng đợi, ở cửa.

    MỤC 3

    Chế độ chăm sóc trẻ

    a) Chế độ giờ giấc

    Điều 39. Cô nuôi dạy trẻ phải thực hiện nghiêm túc chế độ giờ giấc của từng nhóm trẻ đã được Uỷ ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Trung ương hướng dẫn (xem phụ lục)

    b) Chế độ ăn uống

    Điều 40. Nhà trẻ phải tổ chức ăn theo chế độ của lứa tuổi: bú mẹ, ăn sữa bò, bột, cháo, cơm. Trẻ gởi cả ngày phải được ăn 2 bữa chính tại nhà trẻ và nếu có Điều kiện cho ăn thêm một bữa phụ.

    1. Trẻ từ 2-6 tháng: bú mẹ hoặc ăn sữa bò. Tập và cho ăn bột loãng, từ 5-6 tháng.

    Trẻ từ 7-10 tháng: ăn bột đặc.

    Trẻ từ 11-18 tháng: ăn cháo. Từ trên 15 tháng ăn cháo thật đặc. Tập cho ăn cơm nát.

    Trẻ từ 19-24 tháng: ăn cơm nát.

    Trẻ từ 25-36 tháng: ăn cơm thường.

    2. Bảo đảm khoảng cách giữa 2 bữa chính là 3 giờ đến 3 giờ 30 ở nhóm sữa; 4 giờ ở nhóm bột và cháo. Không quá 4 giờ 30 ở nhóm cơm nếu không có bữa phụ giữa 2 bữa chính.

    Điều 41. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, nhà trẻ cần tổ chức chỗ cho bà mẹ ngồi cho con bú, có nước cho mẹ rửa tay, lau vú trước khi cho con bú. Không cho các bà mẹ cho con bú vào trong phòng trẻ, ngồi lên giường trẻ.

    Điều 42. Phải có đủ nước chín cho trẻ uống, nhất là trong mùa hè.

    Điều 43. Phải xây dựng thực đơn hàng tuần, theo mùa và theo tình hình thực phẩm ở địa phương.

    Điều 44. Phải bảo đảm kỹ thuật chế biến và vệ sinh thực phẩm, thực hiện đúng đắn các thao tác kỹ thuật cho trẻ ăn (xem phụ lục).

    c) Chế độ chăm sóc trẻ ngủ

    Điều 45. Phải bảo đảm cho trẻ ban ngày được ngủ đủ giấc và đủ giờ.

    1. Trẻ 3-6 tháng mỗi ngày ở nhà trẻ ngủ 3 lần

    Trẻ 7-12 tháng mỗi ngày ở nhà trẻ ngủ 2-3 lần

    Trẻ 13-18 tháng mỗi ngày ở nhà trẻ ngủ 2 lần

    Trẻ 19-36 tháng mỗi ngày ở nhà trẻ ngủ 1 lần sau ăn trưa.

    2. Phòng ngủ phải thoáng mát (mùa đông phải ấm), yên tĩnh, bớt ánh sáng khi trẻ ngủ.

    3. Tập cho trẻ thói quen ngủ đúng giờ.

    4. Đặt trẻ dễ ngủ nằm trước. Trẻ nào dậy trước nên đưa ra khỏi phòng ngủ để trẻ khác tiếp tục ngủ.

    d) Chế độ chăm sóc trẻ mệt

    Điều 46. Những trẻ mệt hoặc có triệu chứng sức khoẻ không bình thường phải được theo dõi và chăm sóc chu đáo. Nếu sốt cao thì chườm khăn ướt lên trán, cho uống nước mát, ăn nhẹ và uống thuốc theo sự hướng dẫn của y tế.

    Điều 47. Nhà trẻ phải định kỳ cân cho trẻ và ghi vào phiếu theo dõi (nếu có Điều kiện)

    - Trẻ dưới 1 năm: cân hàng tháng.

    - Trẻ trên 1 năm: cân hàng quý.

    Điều 48. Định kỳ kiểm tra sức khoẻ cho trẻ và tiêm chủng theo quy định của y tế.

    Điều 49. Cô chăm sóc trẻ bị bệnh, trước khi chuyển sang chăm sóc trẻ lành phải rửa tay bằng xà phòng.

    MỤC 4

    Chế độ vệ sinh

    a. Chế độ vệ sinh trong, ngoài nhà trẻ

    Vệ sinh phòng trẻ

    Điều 50. Hàng ngày phải thực hiện vệ sinh:

    1. Quét và lau nhà 3 lần (trước giờ đón, sau 2 bữa ăn). Lau bàn ghế bằng khăn ẩm. Thông thoáng phòng trước giờ đón, giờ ngủ của trẻ.

    2. Giặt sạch khăn mặt của trẻ và mỗi tuần phải luộc sôi 2-3 lần.

    3. Chăn, chiếu, màn, giường dính phân, nước tiểu phải thay giặt ngay, rửa ngay. Sàn nhà phải lau ngay.

    4. Đồ đạc trong phòng vệ sinh như chổi, tải (khăn) lau nhà, xẻng, bàn chải phải dùng riêng.

    - Bô rửa sạch úp khô sau mỗi lần cháu ỉa.

    - Bô, xô đựng quần áo, tã bẩn phải có nắp đậy.

    Điều 51. Hàng tuần phải tổng vệ sinh nhà trẻ:

    - Khơi thông cống rãnh.

    - Rửa nhà.

    - Quét, lau mạng nhện, bụi cánh cửa, nóc tủ, quạt điện.

    - Giặt chiếu, áo gối, phơi chăn.

    - Rửa đồ chơi và phơi nắng...

     Vệ sinh nhà bếp

    Điều 52. Phải thực hiện bếp một chiều:

    1. Làm và để thực phẩm sống xa nơi thức ăn đã nấu chín.

    2. Dụng cụ để pha chế, rửa, đựng thức ăn sống không cất chung với dụng cụ dùng cho thức ăn đã chín.

    3. Không cất đồ đạc cá nhân, không thay quần áo ở bếp, nhất là nơi để và chia thức ăn chín.

    Điều 53. Người không có trách nhiệm không được vào bếp.

    Điều 54. Hàng ngày quét lau bếp sạch sẽ trước và sau khi nấu.

    - Luộc hoặc tráng nước sôi bát, thìa của trẻ.

    - Sau khi nấu phải rửa sạch soong, nồi. Dụng cụ khác như sơ mướp, khăn rửa bát dĩa, hàng ngày sau khi dùng phải treo cất.

    - Thùng đựng rác, nước vo gạo phải đậy nắp kín, xung quanh quét dọn sạch sẽ.

    Điều 55. Cối xay thịt sau mỗi lần dùng phải tháo ra rửa sạch rồi phơi nắng thật khô. Tủ lạnh phải sạch và xả đá hàng tuần, thực phẩm chín hoặc tươi sống đều phải để sạch sẽ, gọn gàng, đậy nắp và nguội rổi mới cất vào tủ, vào ngăn quy định.

    Điều 56. Hàng tháng diệt chuột, dán, ruồi (nếu có).

    Điều 57. Các buồng y tế, phòng làm việc, hành lang, phòng họp chung làm vệ sinh hàng ngày và hàng tuần theo quy định.

    b) Chế độ vệ sinh đối với trẻ

    Điều 58. Mỗi trẻ có một đồ dùng riêng như khăn mặt, mùi soa, lược, túi đựng quần áo, giường, chăn, gối... có đánh dấu riêng (nơi có Điều kiện).

    Điều 59. Hàng ngày lau mặt cho trẻ sau khi chơi, sau khi ăn. Rửa tay ở vòi nước chảy hoặc lau tay cho trẻ bằng khăn ướt sau khi chơi bẩn, sau khi ăn. Nơi có Điều kiện tắm cho trẻ hàng ngày vào mùa hè. Trẻ đại tiện xong phải được rửa hậu môn ngay và lau khô.

    Điều 60. Đối với trẻ biết ngồi, biết đi, biết nói, tập cho biết ngồi bô, biết vào nhà vệ sinh để tiêu, tiểu, biết gọi cô khi cần đi vệ sinh.

    Điều 61. Quần áo trẻ phải sạch sẽ, khô ráo, không để trẻ ở truồng hoặc mặc quần áo hở hậu môn. Quần áo tã bẩn phải thay giặt ngay. Cho trẻ đi dép. Mùa rét đi tất, dép, giày để giữ ấm chân cho trẻ.

    Điều 62. Hàng tuần cắt móng tay cho trẻ. Không để trẻ ngậm tay, mút tay.

    c) Chế độ vệ sinh đối với cô nuôi dạy trẻ.

    Điều 63. Trong giờ làm việc cô phải mặc quần áo và đi dép lao động (nếu có). Không mặc quần áo lao động đi ra khỏi nhà trẻ. Mặc quần áo thường cũng phải sạch sẽ, gọn gàng.

    Điều 64. Cô phải mặc quần áo gọn gàng, móng tay cắt ngắn, rửa tay trước khi chia thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi rửa hậu môn cho trẻ.

    Điều 65. Không hút thuốc, ăn uống trong phòng của trẻ. Nếm thức ăn của trẻ phải có thìa, đũa riêng, nếm thừa không đổ lại vào nồi.

    - Không dùng chung đồ dùng cá nhân của trẻ, không ngồi, nằm lên giường chiếu của trẻ. Không tắm gội, giặt trong phòng vệ sinh của trẻ.

    - Không đưa người ngoài (kể cả con cháu) vào phòng trẻ.

    Điều 66. Tiêm chủng và khám sức khoẻ theo quy định của y tế. Khi nghỉ đau ốm phải đi khám bệnh và khi ốm nghỉ theo hướng dẫn của y tế.

    MỤC 5

    Chế độ dạy trẻ

    Điều 67. Nhà trẻ phải tạo Điều kiện tổ chức, đôn đốc thực hiện và kiểm tra việc dạy trẻ theo chương trình cho tất cả các nhóm lứa tuổi. Không để trẻ chơi mà hoàn toàn không được hướng dẫn.

    Điều 68. Các cô nuôi dạy trẻ phải nắm vững kỹ thuật, nội dung và phương pháp thống nhất về dạy (hay tập) cho trẻ. Hàng ngày, phải chuẩn bị bài và dụng cụ học tập, chú ý tận dụng các yếu tố thiên nhiên (sân vườn, ánh nắng, cây cối, súc vật...) và tự làm thêm đồ chơi cho trẻ.

    Điều 69. Nhà trẻ phải có chương trình dạy cả năm, từng nhóm có chương trình dạy hàng tháng, hàng tuần. Cô phụ trách từng nhóm chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, hàng ngày có theo dõi kết quả trong toàn nhóm trẻ. Cô phụ trách về dạy của nhà trẻ chịu trách nhiệm trong toàn nhà trẻ.

    Điều 70. Thực hiện đúng lịch sinh hoạt hàng ngày của các nhóm để đảm bảo chất lượng giờ học. Không tự động chuyển giờ, bớt giờ học, có hướng dẫn để tăng giờ chơi tự do.

    Điều 71. Bảo vệ sức khoẻ cho trẻ trong giờ học. Không cho trẻ chơi quá sức, hát to quá nhiều, không để lâu ở một tư thế (như đứng lâu ở giường, ngồi lâu ở ghế).

    - Cho chơi ngoài trời phải đội mũ cho trẻ.

    - Không cho đi bộ quá 1 km.

    - Không cho đi chơi quá giờ ăn, giờ ngủ của trẻ.

    - Không kể chuyện gây sợ hãi cho trẻ.

    Điều 72. Cấm doạ nạt, quát mắng, phạt trẻ.

    Điều 73. Bảo vệ an toàn và vệ sinh khi dạy cho trẻ, nhất là khi tập thể dục cho trẻ nhỏ, khi chơi các trò chơi hoạt động, các trò chơi ngoài sân vườn, các trò chơi với nước, cát, với vật thật, đối với đồ chơi nhỏ, vụn, với đu, cầu trượt, bập bênh, thang trèo, xe đạp. Không cho dùng các đồ vật, đồ chơi đã hư hỏng dễ gây tai nạn cho trẻ.

    Điều 74. Bảo đảm nội dung, mục đích giáo dục trẻ, không dạy trẻ những trò chơi, bài hát, câu nói, động từ không hợp lứa tuổi, không có nội dung giáo dục tốt cho trẻ.

    Chương III

    ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

    Điều 75. Quy chế nuôi dạy trẻ thống nhất thi hành tại các nhà trẻ trong cả nước. Kèm theo phụ lục hướng dẫn một số thao tác vệ sinh chăm sóc trẻ trong nhà trẻ.

    Điều 76. Những Điều khoản, nội dung của bản quy chế tạm thời về tổ chức nuôi dạy trẻ và phụ lục kèm theo ban hành trước đây, không còn hiệu lực để áp dụng nữa.

    Điều 77. Việc thực hiện đầy đủ quy chế nuôi dạy trẻ của cô nuôi dạy trẻ và cán bộ, nhân viên nhà trẻ được xét là một tiêu chuẩn chủ yếu để khen thưởng theo chế độ hiện hành.

    Trường hợp vi phạm quy chế nuôi dạy trẻ, tuỳ theo mức độ có thể phê bình hoặc thi hành kỷ luật theo Nhị định số 195-CP ngày 31 tháng 12 năm 1964 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ về kỷ luật lao động.

    Điều 78. Quy chế này không được tuỳ tiện thay đổi. Mọi Điều sửa đổi do Uỷ ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Trung ương quyết định.

     

     

     

    Phụ lục

    HƯỚNG DẪN MỘT SỐ THAO TÁC VỆ SINH CHĂM SÓC TRẺ TRONG NHÀ TRẺ

     

    THAO TÁC VỆ SINH

    I. LAU MẶT, LAU MẮT

    1. Yêu cầu:

    - Mỗi trẻ có một khăn sạch, giặt, phơi nắng, mỗi tuần luộc 2-3 lần.

    - Lau sạch theo trình tự, mỗi chỗ lau theo một góc khăn sạch khác nhau.

    - Mùa đông lau khăn ấm.

    2. Chuẩn bị:

    - Khăn mặt sạch đã vắt hết nước.

    - Chậu hay xô 2 cái: một đựng khăn sạch chưa lau, một đựng khăn bẩn.

    - Ghế cô ngồi.

    - Cô rửa taysạch.

    3. Cách lau:

    Trẻ đứng hơi nghiêng người, tựa lưng vào đùi cô. Một tay cô nhẹ nhàng đỡ phía sau đầu trẻ, tay kia cô trải khăn vào lòng bàn tay, dùng ngón cái và ngón giữa lau từng mắt trẻ trước, dịch khăn, lau tiếp mũi mồm, gấp khăn, lau lại trán, má, cằm, cổ.

    - Bỏ khăn bẩn vào chậu đựng khăn bẩn, lấy khăn sạch khác lau cho trẻ khác. Chú ý: Lau mặt trước và rửa tay sau.

    - Trẻ có chốc, chàm, mụn lở phải lau sau cùng và giặt khăn riêng.

    II. RỬA TAY

     1. Yêu cầu:

    - Rửa tay trẻ trước khi ăn, sau khi chơi có tiếp xúc với đất cát.

    - Rửa dưới dòng nước chảy, không rửa tay nhiều trẻ vào chung một chậu nước.

    - Mùa đông rửa bằng nước ấm.

    2. Chuẩn bị:

    - Thùng có vòi đựng nước sạch để trên giá cao vừa tầm tay trẻ (50-55cm). Nếu đựng nước vào xô hay chậu phải có gáo múc.

    - Xô hay chậu hứng nước bẩn.

    - Khăn lau tay khô, treo gần thùng nước rửa tay.

    - Tải khô trải dưới chân, chỗ trẻ đứng rửa.

    - Xà phòng.

    - Ghế cô ngồi.

    - Cô rửa sạch tay trước khi rửa cho trẻ,

    3. Cách rửa:

    - Cô ngồi ghế, dụng cụ (giá, thùng nước) để phía trước hơi chếch về bên phải cô. Tay áo trẻ được xắn cao.

    - Trẻ đứng bên trái cô, tư thế thoải mái. Tay trái cô đỡ phía dưới cổ tay trẻ, tay phải cô rửa từng tay cho trẻ. Bàn tay trẻ để xuôi sấp dưới dòng nước chảy. Lần lượt rửa từ mu bàn tay đến kẽ và đầu ngón tay. Lật ngửa tay lại rửa nốt lòng bàn tay và ngón tay.

    - Nếu tay trẻ dây mỡ, nước mắm phải được rửa bằng xà phòng.

    - Trẻ dưới 24 tháng, rửa xong cô lau tay cho trẻ. Trẻ trên 24 tháng, cô hướng dẫn trẻ tự lau.

    III. RỬA HẬU MÔN

    1. Yêu cầu:

    - Rửa nhẹ nhàng bằng tay (tuyệt đối không được rửa bằng chân hoặc bằng một vật khác).

    - Rửa bằng vòi nước (hoặc dùng gáo múc nước dội không rửa chung trong cùng một chậu).

    - Rửa xong lau khô cho trẻ.

    - Mùa đông rửa bằng nước ấm.

    2. Chuẩn bị:

    - Ghế cô ngồi, ghế hoặc bậc cho trẻ ngồi.

    - Thùng nước có vòi hoặc gáo múc nước.

    - Xô, chậu đựng tã, quần bẩn.

    - Xà phòng.

    3. Cách rửa:

    a. Trẻ dưới 19 tháng: bế để rửa

    - Một tay cô bế, cổ, vai và phần trên lưng của trẻ đặt trên cánh tay cô, bàn tay cô cầm đùi, đầu gối trẻ, tay kia cô để dưới đùi, chân kia của trẻ và rửa: dùng ngón tay cái và rửa trước bộ phận sinh dục và 2 bên, dùng tiếp 2,3 ngón giữa rửa hậu môn rồi đến mông.

    - Nếu rửa cho trẻ gái: ngón cái để ngang bộ phận sinh dục và rửa từ trên xuống.

    - Nếu cô ngồi rửa cho trẻ trên 12 tháng, cô không để tay dưới đùi trẻ mà chân kia trẻ gác lên đùi cô và cô dùng tay kia để rửa.

    b. Trẻ trên 19 tháng:

    - Cho trẻ ngồi trên bậc, vững, cao 12-15cm quay lưng lại phía thùng nước, cô ngồi ghế, một tay dùng gáo dội, một tay rửa, dùng ngón tay rửa hậu môn và hai bên hông. Dùng gáo dội lại phía trước.

    - Rửa xong lau khô cho trẻ ngay. Chú ý: Nếu trẻ ỉa ra tã, ra quần, cô có thể dùng tã, quần đó chùi đỡ phân rồi rửa cho trẻ.

    - Nếu có Điều kiện, dùng giấy mềm lau sạch hậu môn trẻ trước khi rửa hoặc thay rửa.

    - Không được dùng giẻ chùi chung cho trẻ.

    IV. CHO TRẺ NGỒI BÔ

    1.Yêu cầu:

    - Khi trẻ ngồi vững mới bắt đầu tập cho trẻ ngồi bô.

    - Chỉ cho trẻ ngồi bô khi cần cho tiêu hoặc tiểu.

    - Tư thể trẻ ngồi phải thoải mái, không cho trẻ ngồi lâu quá 10-15 phút.

    - Khi đặt trẻ ngồi, cô phải nhẹ nhàng, không quát mắng trẻ.

    2. Chuẩn bị:

    - Bô và ghế bô.

    - Dụng cụ rửa (xem phần rửa hậu môn).

    - Xô hoặc chậu đựng quần, tã bẩn.

    3. Cho trẻ ngồi bô:

    - Trẻ lớn đặt ngồi trực tiếp trên miệng bô, nên để bô gần nhưng không sát hẳn tường để trẻ khỏi bị lạnh nếu tường ẩm. Cho trẻ ngồi cách nhau khoảng 20cm (nếu có Điều kiện).

    - Trẻ nhỏ đã ngồi vững cho ngồi ghế bô.

    - Trẻ chưa ngồi vững cô bế cho trẻ tiêu tiểu. Không được buộc trẻ vào ghế bô.

    - Mùa đông: không để chân trẻ trực tiếp dưới đất, phải cho trẻ đi dép, hoặc kê gỗ, trải tải. Cho trẻ ngồi chỗ kín gió và quần chỉ kéo đến đùi trẻ.

    - Cô cần có mặt khi trẻ ngồi bô, không để trẻ trêu bạn, nghịch bô bên cạnh; không để trẻ ngủ gật và ngồi quá lâu.

    - Trẻ đi vệ sinh xong, cô rửa cho trẻ và kiểm tra phân, nước tiểu.

    V. LAU NHÀ

    1. Yêu cầu:

    a. Lau hàng ngày

    Buổi sáng 1 lần toàn khu vực sinh hoạt của trẻ, 2 lần sau giờ ăn (sáng và chiều) ở nơi trẻ ăn.

    b. Lau phân và nước tiểu.

    Lau sạch, trong nhóm trẻ không có mùi hôi, khai.

    - Tải (khăn) nhà phải sạch. Tải lau nhà vệ sinh không được lau sang phòng khác.

    - Không dùng quần áo, tã của trẻ để lau.

    2. Chuẩn bị:

    Chổi quét nhà, tải (khăn) lau nhà, cán lau, xẻng hốt rác.

    3. Cách lau:

    a. Lau nhà hàng ngày: bằng tải ẩm có cán đẩy.

    - Lau theo hướng đi giật lùi.

    - Lau chỗ sạch trước, chỗ bẩn lau sau cùng.

    - Lau sau bữa ăn: sau khi quét sạch cơm rồi dùng tải ẩm để lau; sau đó, lau lại bằng tải khô.

    b. Lau phân, nước tiểu:

    - Lau nước tiểu: dùng tải khô thấm nước tiểu rồi lau lại bằng tải ẩm.

    - Lau phân: dùng xẻng hốt phân rồi lau 2 lần bằng tải ẩm, cuối cùng lau khô.

    TỔ CHỨC VÀ THAO TÁC CHO TRẺ ĂN Ở CÁC NHÓM

    NGUYÊN TẮC CHUNG

    - Trẻ ngồi ăn phải có bàn ghế hoặc đồ dùng thay thế bàn ghế. Tuyệt đối không để trẻ ngồi ăn ở dưới đất.

    - Bàn được lau sạch trước bữa ăn.

    - Cô phải rửa tay sạch trước khi pha sữa, chia thức ăn và cho trẻ ăn.

    - Trẻ vào ăn sau khi đã đi tiểu.

    - Trước khi ăn: mặt, mũi, chân tay trẻ phải sạch sẽ.

    - Các dụng cụ chứa thức ăn và bát thìa... đã được nhúng nước sôi trước khi ăn.

    - Các soong thức ăn phải đặt trên bàn hoặc ghế.

    - Chia cơm, cháo ở bàn khác rồi mới đem ra bàn ăn cho trẻ ăn.

    I. NHÓM SỮA

    1. Chuẩn bị:

    - Kê bàn, lau bàn.

    - Ghế cô ngồi.

    - Đặt trên bàn:

    + Chai sữa đã pha (có nắp đậy).

    + Cốc đựng nước (bằng số trẻ có mặt).

    + Khăn mặt sạch, thìa uống nước (bằng số trẻ)

    + Khăn sô khô hoặc yếm ăn.

    + Ít tã sạch.

    2. Cho trẻ ăn:

    - Thử sữa: cô lắc đều chai sữa rồi úp vào má hoặc nhỏ một giọt sữa trên mu bàn tay để kiểm tra độ nóng, sữa vừa ấm là trẻ ăn được.

    - Quàng khăn khô hoặc yếm ăn vào cổ trẻ.

    - Cô ngồi ghế, bế trẻ tay trái, đầu hơi cao, đít trẻ đặt trong lòng cô có lót tã và nên lót thêm miếng nylon mỏng. Tay phải cô cầm chai sữa, dốc cho sữa ngập đầu vú, cho ăn độ 1/3 hay 1/2 sữa nên rút vú ra cho trẻ nghỉ một lát lại cho bú tiếp. Chú ý: Khi cho trẻ bú, phải đưa từ từ đầu vú vào bên miệng trẻ, không đưa thẳng vào giữa miệng và đưa sâu quá đề phòng trẻ sặc, nôn trớ.

    - Trẻ đang ăn mà ngủ hoặc khóc, cô phải làm trẻ tỉnh ngủ và nín khóc mới cho ăn tiếp.

    - Cho trẻ bú, nhất thiết cô phải bế, không được để trẻ nằm mà cho bú.

    - Lỗ đầu vú cao su phải vừa, không to hay nhỏ quá (dốc chai sữa xuống, sữa chảy từng giọt là vừa).

    - Nếu trẻ chưa bú hết ngay, muốn cho bú tiếp phải ngâm nước nóng cho ấm lại sữa (sữa để quá 1 giờ không nên sử dụng lại).

    3. Ăn xong:

    - Lau miệng, lau tay và cho trẻ uống nước.

    - Bế đứng trẻ 3-5 phút rồi nhẹ nhàng đặt trẻ nằm nghiêng.

    - Súc rửa sạch ngay bình sữa và vú cao su.

    4. Khi trẻ sặc sữa

    (Xem phần xử trí trẻ bị sặc bột)

    II. NHÓM BỘT

    1. Chuẩn bị:

    - Kê bàn ghế. Mỗi bàn 2-3 ghế có tay vịn và 1 ghế cho cô. Lau bàn.

    - Bát, thìa.

    - Đặt giữa bàn: một đĩa để khăn mặt sạch (bằng số trẻ), trời rét dùng khăn ấm.

    - Trẻ được mặc yếm, mùa hè lau mặt cho trẻ.

    2. Chia bột:

    - Bày bát ra bàn chia.

    - Múc bột ra bát. Nên để lại soong một ít hoặc múc dư ra một bát để dành cho trẻ nào muốn ăn thêm.

    3. Cho trẻ ăn:

    a. Trẻ đã ngồi vững:

    - Cho trẻ ngồi ghế kê sát bàn. Bát của trẻ nào để trước mặt trẻ đó. Cô ngồi đối diện trước mặt trẻ xúc cho 2-3 trẻ ăn.

    - Trước khi cho trẻ ăn, cô thử bột vừa ăn bằng cách áp bột vào lòng bàn tay cô, thấy âm ấm thì cho trẻ ăn. Cô xúc thìa vơi, gọn miếng, trẻ nuốt hết mới xúc tiếp. Nếu bột còn nóng phải xúc trên mặt và xung quanh bát bột trước, cho trẻ ăn thìa trước rồi xúc tiếp thìa khác để sẵn.

    b. Trẻ chưa ngồi vững:

    - Cô bế trẻ cho ăn (cách bế như ở nhóm sữa). Tay phải cô xúc từng thìa bột vơi cho trẻ ăn từ từ. Cô chú ý hướng ngồi không cho tay chân trẻ đập phải bát bột.

    - Bột dính ra ngoài miệng trẻ không được lau bằng khăn mùi soa, mà phải lau bằng khăn mặt sạch, ẩm để ở dĩa trên bàn ăn.

    - Trẻ đang ăn mà khóc, buồn ngủ, cô phải tạm ngừng cho trẻ ăn, để trẻ nín và tỉnh ngủ mới cho ăn tiếp.

    - Những trẻ hay bị trớ, cô chú ý cho trẻ ăn từ từ ít bột, xúc thìa vơi và không đưa sâu thìa vào miệng.

    4. Ăn xong:

    - Lau mặt, lau tay, cho uống nước bằng thìa sạch (trẻ sắp chuyển lên nhóm cháo, tập cho trẻ uống bằng ca, cốc). Không dùng thìa vừa ăn bột cho uống nước.

    - Cho trẻ đi vệ sinh.

    5. Xử trí trẻ bị sặc bột:

    Báo ngay cho y tế, nếu có cơ sở y tế gần thì đưa trẻ đến cấp cứu.

    Cách xử trí:

    - Để trẻ nằm nghiêng. Dốc đầu xuống, cô dùng ngón tay có lót gạc móc hết bột ở miệng trẻ. Đồng thời dùng miệng hút thật mạnh đờm dãi, bột còn lại ở mũi miệng trẻ ra.

    - Nếu trẻ vẫn không khóc và tím tái thì cấp cứu do 2 người phối hợp làm hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Đặt trẻ nằm ngửa cổ ra đằng sau, vai kê cao. Người thứ nhất dùng tay bóp mũi của trẻ, một tay mở miệng bằng cách kéo hàm dưới trẻ xuống, phủ một lớp gạc vào miệng trẻ và thổi từng hơi dài nhưng phải nhẹ nhàng và làm liên tục cho tới khi trẻ thở được. Số lần thổi là 30 lần/phút. Người thứ hai một tay đặt vào 1/3 dưới của xương mỏ ác bên trái ngực trẻ, bóp ép nhẹ nhàng cứ 4 lần bóp ép ngực thì một lần thổi ngạt cho tới khi trẻ hết tím tái và khóc được.

    Chú ý: Đối với trẻ bị sặc sữa thì xử trí như trẻ bị sặc bột nhưng khi hút sữa thì hút trực tiếp đường mũi của trẻ.

    III. NHÓM CHÁO

    1. Chuẩn bị:

    - Kê và lau bàn ăn. Mỗi bàn 4-5 ghế có tay vịn và 1 ghế cho cô ngồi.

    - Bát thìa (bằng số cháu có mặt), muôi, ca, ấm đựng nước uống.

    - Đặt giữa bàn ăn, hướng về phía cô:

    + 1 khay để khăn mặt sạch, ẩm (bằng số cháu).

    + 1 khay để ca uống nước có rót sẵn nước

    - Trẻ được mặt yếm, lau mặt, lau tay (nếu có Điều kiện thì rửa tay)

    2. Chia cháo:

    - Cô bày bát ra bàn chia.

    - Múc cháo ra bát. Nên múc dư ra một ít để dành trẻ nào muốn ăn thêm.

    3. Cho trẻ ăn:

    - Cho trẻ vào bàn ăn, bát của trẻ nào để trước mặt trẻ đó. Cô ngồi đối diện trẻ, môi cô xúc cho từ 4 đến 5 trẻ ăn.

    - Cô thử cháo nguội vừa tới thì cho trẻ ăn (cách thử và cách cho ăn như nhóm bột).

    Chú ý: Không xúc thìa đầy quá, không bắt trẻ ngửa cổ để xúc cho nhanh cho dễ.

    4. Ăn xong:

    Trẻ ngồi tại chỗ, cô lau miệng, lau tay, cho uống nước, cởi yếm và sau đó cho trẻ ngồi bô.

    IV. NHÓM CƠM

    1. Chuẩn bị:

    - Kê và lau bàn trẻ ngồi ăn cơm. Mỗi bàn 4-5 trẻ.

    - Bát, thìa, khăn (bằng số trẻ).

    - Khăn mặt sạch, ướt.

    - Đĩa, khăn ẩm (để nhặt cơm rơi và cho trẻ lau tay)

    - Một khăn lau bàn (cô lau) để gần nơi ăn. Lau mặt, rửa tay, mặc yếm, nhắc trẻ đi tiểu. Sau đó, chuẩn bị tiếp khăn, nước để lau, rửa cho trẻ sau khi ăn xong.

    - Nước uống.

    2. Chia cơm:

    - Bày bát ra bàn chia cơm.

    - Chia hết thức ăn mặn vào bát trước, xới cơm bằng muôi non nữa bát cơm rồi trộn đều thức ăn và cơm.

    - Bát cơm thứ hai chia tại bàn chia cơm, trộn đều rồi đem lại bàn ăn cho từng trẻ.

    3. Cho trẻ vào bàn:

    - Cho trẻ ngồi vào chỗ quy định, sắp xếp trẻ xúc ăn thạo và trẻ xúc ăn chưa thạo ngồi riêng.

    - Đặt giữa bàn một đĩa đựng thức ăn rơi và một dĩa đựng khăn mặt sạch, ẩm.

    - Không để trẻ chờ lâu quá 10 phút.

    - Cô đem cơm ra bàn, nhắc trẻ mời và cầm thìa bằng tay phải.

    4. Cho trẻ ăn:

    Cô không ngồi mà đi lại quan sát, nhắc nhở trẻ.

    a. Bàn trẻ xúc ăn thạo:

    Nhắc trẻ ngồi ngay ngắn, nhai kỹ, không nói chuyện, không bốc thức ăn, không đánh rơi vãi, không xúc cơm bỏ sang bát bạn.

    b. Bàn trẻ ăn yếu và xúc chưa thạo:

    Cô hướng dẫn trẻ tự xúc ăn (cầm thìa tay phải, cầm 1/3 cán thìa, xúc thìa vơi, đưa từ từ vào miệng...) Cô chú ý đến trẻ ăn chậm, thỉnh thoảng xúc cho trẻ.

    5. Ăn xong:

    - Trẻ bé, cô cởi yếm.

    - Cô nhắc trẻ lớn đem bát, thìa, ghế, yếm ăn để vào nơi quy định. Cô lau miệng, lau tay, cho uống nước và cho trẻ ngồi bô.

    CHĂM SÓC CHO TRẺ NGỦ

    1. Chuẩn bị:

    - Kê và kiểm tra lại giường chiếu, chăn, gối.

    - Nếu nhà trẻ có Điều kiện:

    + Mùa hè: mở quạt (cháu ngủ vặn nhẹ dần, không có quạt điện. Cô quạt tay cho trẻ hoặc dùng quạt kéo).

    + Mùa đông: cắm lò sưởi điện.

    - Bô, ghế bô.

    - Cho trẻ đi vệ sinh, rửa tay chân sạch sẽ.

    - Nhắc trẻ kéo quần cho kín bụng.

    - Mùa đông: cởi bớt áo, nới dây mũ, khuy cổ áo, cởi giày dép để dưới chân giường.

    2. Cho trẻ ngủ:

    - Khép cửa ra vào, cửa sổ (khép cửa chớp) hoặc buông màn.

    - Cho trẻ nằm đúng chỗ của mình, nằm ngay ngắn, không quay mặt vào nhau (tốt nhất, mỗi trẻ một giường), không cho trẻ hát, nói chuyện, đùa nghịch.

    - Không để trẻ nằm ngay dưới quạt trần. Mùa đông, không để trẻ nằm trên chiếu trải dưới nền nhà.

    3. Trong giờ trẻ ngủ:

    - Cô không được ngủ mà phải trực tại chỗ khi trẻ ngủ.

    - Cô không được làm việc riêng.

    - Sửa tư thế nằm cho trẻ, kéo chăn hoặc kéo quần áo khi trẻ bị hở bụng, hở lưng.

    - Nếu có trẻ tiêu tiểu, cô phải thay ngay rồi cho trẻ ngủ tiếp.

    - Trẻ chưa chịu ngủ hoặc khóc, cô phải dỗ trẻ ngủ; không được để trẻ khóc mệt và ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ khác.

    - Trẻ bé có thể vỗ nhẹ cho trẻ ngủ, không lắc, đun đẩy giường để ru ngủ.

    4. Trẻ ngủ dậy:

    - Cho trẻ đi vệ sinh.

    - Cho uống nước (mùa hè) và ăn bữa phụ (nếu có).

    - Cô thu dọn giường chiếu.

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X