hieuluat

Công văn 3882/BNN-HTQT các tỉnh tham gia vào dự án "Nguồn lợi ven bờ vì Phát triển bền vững của Ngân hàng Thế giới"

  • BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
    ------------------
    Số: 3882/BNN-HTQT
    V/v: các tỉnh tham gia vào dự án “Nguồn lợi ven bờ vì Phát triển bền vững của WB”
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
    -----------------------
    Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2010

     
     

    Kính gửi:
    - Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa
    - Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An
    - Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi
    - Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định
    - Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên
    - Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa
    - Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận
    - Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận
    - Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng
    - Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu
    - Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau
    - Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang

     
     
    Trong thời gian vừa qua, được sự phối hợp chặt chẽ của các Tỉnh và các bên liên quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng nội dung cho Dự án “Nguồn lợi ven bờ vì sự Phát triển bền vững”. Ngày 8/11/2011 vừa qua Lãnh đạo Ngân hàng Thế giới đã thông qua nội dung Dự án và các tiêu chí ưu tiên chọn lựa các tỉnh tham gia vào Dự án “Nguồn lợi ven bờ vì sự Phát triển bền vững” như sau:
    - Tiêu chí về kinh tế xã hội bao gồm: Tầm quan trọng của nguồn lợi biển và ven biển đối với kinh tế xã hội; Quy mô đội tàu, đặc biệt là số lượng tàu nhỏ; Mức độ nghèo đói ở các tỉnh, dân số của các huyện ven biển (tỷ lệ nghèo đói và số lượng người nghèo ở các huyện ven biển); Tỷ trọng của nghề cá đối với GDP của tỉnh, đặc biệt là nuôi trồng.
    - Tiêu chí về các cụm vùng miền và khả năng nhân rộng mô hình
    - Chất lượng chuẩn bị bản kế hoạch thực hiện dự án (PIP) của các tỉnh và mứcđộ gắn kết với Ý tưởng Dự án.
    Căn cứ vào các tiêu chí trên, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra danh sách các tỉnh theo thứ tự ưu tiên như sau:
    1. Danh sách ưu tiên 1:
    (i) Cụm phía Bắc: Nghệ An và Thanh Hóa: Đây là 2 tỉnh khá nghèo, có số lượng dân số và số lượng tàu thuyền nhỏ hoạt động ven biển lớn. Đây cũng là các tỉnh có nuôi trồng thủy sản lớn nhất vùng bờ biển Miền Trung, và khí hậu đại diện cho các vùng ven biển phía Bắc, với nền nhiệt độ thấp hơn so với 2 cụm còn lại.
    (ii) Cụm Đồng bằng Sông Cửu Long: Nuôi trồng và khai thác hải sản chiếm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của Cà Mau và Sóc Trăng. Hai tỉnh này có tiềm năng sản lượng tôm nuôi, chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng sản lượng nuôi tôm của cả nước. Chuẩn bị PIP của 2 tỉnh rất tốt.
    (ii) Cụm Nam Trung Bộ: Bao gồm Khánh Hòa, Bình Định và Phú Yên vì bên cạnh tầm quan trọng của nghề cá đối với kinh tế xã hội, các tỉnh này còn có đội tàu ven bờ lớn, tiềm năng nuôi và cơ hội tạo sinh kế thay thế lớn góp phần cho công tác dịch chuyển cơ cấu các đội tàu gần bờ. Riêng đối với Khánh Hòa còn có Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 nằm tại tỉnh này.
    2. Danh sách ưu tiên 2: Bao gồm các tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu và Kiên Giang.
    Trong thời gian tới nếu các tỉnh nằm trong danh sách ưu tiên 1 không thực hiện được cam kết đề ra, cũng như chất lượng chuẩn bị nội dung dự án không tốt, các tỉnh trong danh sách ưu tiên 2 sẽ được xem xét thay thế.
    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin gửi kèm theo đây các thông tin và số liệu thống kê liên quan đến các tiêu chí chọn tỉnh.
    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin chân thành cảm ơn sự hợp tác của Quí Ủy ban./.
     

    Nơi nhận:
    - Như trên;
    - Các Sở NN&PTNT; Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
    - Lưu: VT-ĐP.
    KT. BỘ TRƯỞNG
    THỨ TRƯỞNG  




    Vũ Văn Tám

     

Văn bản liên quan

Văn bản mới