hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Ba, 25/01/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bà Phương Hằng phải chịu trách nhiệm gì khi "tố" vụ ăn chặn từ thiện?

Vừa qua, Bộ Công an đã thông báo kết luận một số nghệ sỹ bị "tố" ăn chặn tiền từ thiện là không có dấu hiệu tội phạm. Vậy, bà Nguyễn Phương Hằng - người tố cáo nghệ sỹ ăn chặn từ thiện có thể bị khởi tố hình sự tội vu khống không?

Trường hợp nào bị khởi tố tội vu khống?

Theo Bộ luật Hình sự 2015, Tội vu khống được xác định như sau:
Điều 156. Tội vu khống

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

...

Như vậy, muốn khởi tố một người tội vu khống, cần chứng minh được người đó:

- Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật;

- Mục đích  xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc tố cáo trước cơ quan có thẩm quyền.

Cơ quan có thẩm quyền muốn khởi tố được bà Phương Hằng Tội vu khống cần chứng minh được rõ hành vi và mục đích nêu trên. 

Nếu không chứng minh được thì không có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự đối với tội danh này.

tai sao khong xu ly ba nguyen phuong hang
Bà Hằng phải chịu trách nhiệm thế nào xung quanh những ồn ào từ thiện vừa qua?
 

Bà Hằng phải bồi thường thiệt hại không?

Trong trường hợp bà Hằng không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng nếu gây ra thiệt hại thì cũng có thể phải bồi thường.

Điều 13 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ:

Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Do đó, nếu một người bị xâm phạm quyền dân sự như quyền được bảo vệ hình ảnh, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản… thì có quyền yêu cầu người gây ra thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Theo quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015, việc bồi thường thiệt hại dựa trên nguyên tắc sau:

- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Đồng thời, Bộ luật Dân sự cũng quy định cách xác định mức bồi thường do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như sau (người có thiệt hại phải chứng minh được thiệt hại)

- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (hiện nay là 1,49 triệu x 10 = 14,9 triệu đồng).

Trên đây là một số thông tin về trách nhiệm của bà Phương Hằng trong việc tố ăn chặn từ thiện và tại sao không xử lý bà Nguyễn Phương Hằng? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X