hieuluat

Quyết định 869/QĐ-BYT về việc phê duyệt Tài liệu "Chuẩn năng lực cơ bản của Thanh tra Y tế"

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Bộ Y tế Số công báo: Theo văn bản
    Số hiệu: 869/QĐ-BYT Ngày đăng công báo: Đang cập nhật
    Loại văn bản: Quyết định Người ký: Nguyễn Thị Kim Tiến
    Ngày ban hành: 14/03/2017 Hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Áp dụng: 14/03/2017 Tình trạng hiệu lực: Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực: Y tế-Sức khỏe
  • BỘ Y TẾ
    -------
    Số: 869/QĐ-BYT
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2017

     
     
    QUYẾT ĐỊNH
    VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT TÀI LIỆU “CHUẨN NĂNG LỰC CƠ BẢN CỦA THANH TRA Y TẾ”
    ---------------
    BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
     
     
    Căn cứ Luật cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
    Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
    Căn cứ Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành;
    Căn cứ Nghị định số 122/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của thanh tra y tế;
    Căn cứ Thông tư số 22/2013/TT-BYT ngày 09/08/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn đào tạo liên tục cho cán bộ y tế;
    Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế,
     
    QUYẾT ĐỊNH:
     
     
    Điều 1. Phê duyệt tài liệu “Chuẩn năng lực cơ bản của Thanh tra Y tế”
    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
    Điều 3. Các ông, bà: Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Chánh Văn phòng Bộ Y tế; Chánh Thanh tra Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng, Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
     

     Nơi nhận:
    - Như Điều 3;
    - Bộ trưởng;
    - Các đồng chí Thứ trưởng (để biết);
    - Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
    - Lưu: VT, TCCB.
    BỘ TRƯỞNG




    Nguyễn Thị Kim Tiến

     
    CHUẨN NĂNG LỰC CƠ BẢN CỦA THANH TRA Y TẾ
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 869/QĐ-BYT ngày 14/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
     
     
    Phần I
    GIỚI THIỆU CHUNG
     
    1. Mở đầu
    Thanh tra y tế với chức năng giúp thủ trưởng các cơ quan thuộc ngành y tế thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành  thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực: khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, y dược cổ truyền, giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần; bảo hiểm y tế; y tế dự phòng và bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế; dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế; an toàn thực phẩm; dân số - kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản và các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
    Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các đối tượng thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế gia tăng: số lượng cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; dược, mỹ phẩm, vật tư y tế công lập và ngoài công lập ngày càng tăng; chính sách về an sinh xã hội ngày được mở rộng, dự báo đến thời điểm năm 2020 số đối tượng thụ hưởng các dịch vụ y tế sẽ tăng cao so với thời điểm hiện tại; đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách về bảo hiểm y tế cũng tăng nhiều với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân; các hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực y tế đòi hỏi được tăng cường. Mặt khác, trước xu thế hội nhập quốc tế, Việt Nam đã phê chuẩn nhiều Công ước về chăm sóc sức khỏe nhân dân, các lĩnh vực y tế có yếu tố nước ngoài, bảo vệ bà mẹ, trẻ em.... Để đáp ứng được sự gia tăng nói trên cũng như thúc đẩy việc tuân thủ nội dung các công ước nêu trên, cần có đội ngũ thanh tra y tế đạt yêu cầu về năng lực đáp ứng tiến trình hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, năng lực của thanh tra y tế hiện nay đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: thiếu về số lượng cán bộ; chất lượng cán bộ hạn chế về kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức công vụ... Thực trạng này đặt ra yêu cầu cần thiết đối với các cơ sở đào tạo là phải đào tạo được đội ngũ thanh tra y tế đáp ứng được những chuẩn năng lực cơ bản.
    Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng Chuẩn năng lực cơ bản của thanh tra y tế với sự tham gia của nhiều bên liên quan, gồm các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo, tuyển dụng, nhà lãnh đạo, quản lý, nhà chuyên môn và các tổ chức xã hội. Trong quá trình xây dựng, nhóm soạn thảo đã tham khảo chuẩn năng lực thanh tra y tế của các nước trong khu vực và trên thế giới điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế Việt Nam.
    2. Các khái niệm
    2.1. Năng lực: (Competence): là tổng hợp những thuộc tính của cá nhân con người, đáp ứng những yêu cầu của công việc và đảm bảo cho công việc được thực hiện một cách hiệu quả.
    2.2. Chuẩn năng lực (Competency Standard): là những mức trình độ, khả năng đáp ứng được nhu cầu công việc thực tế, được công nhận qua đánh giá, kiểm định theo những chuẩn năng lực nghề nghiệp
    Năng lực nghề nghiệp (professional competency): là sự phù hợp giữa những thuộc tính tâm sinh lý của con người với những yêu cầu do nghề nghiệp đặt ra. Ở mỗi một nghề nghiệp khác nhau sẽ có những yêu cầu cụ thể khác nhau, nhưng tựu trung lại, năng lực nghề nghiệp được cấu thành bởi 3 thành tố: kiến thức chuyên môn, kỹ năng và thái độ hành nghề chuyên nghiệp.
    2.3. Khung năng lực (Competency Framework): là bảng mô tả tổ hợp các kiến thức, kỹ năng, thái độ và đặc điểm một cá nhân cần để hoàn thành tốt công việc. Đây còn gọi là từ điển năng lực. Nó là một trong những công cụ quản lý nhân sự khoa học, giúp định hướng những tố chất, năng lực cần có ở từng người để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của vị trí công việc được giao.
    3. Sự cần thiết của Chuẩn năng lực cơ bản của thanh tra y tế
    Việc xây dựng và ban hành Chuẩn năng lực cơ bản của thanh tra y tế có ý nghĩa rất quan trọng vì các lý do cơ bản sau đây:
    3.1. Đối với xã hội
    - Tăng cường sự giám sát của người dân và cộng đồng về việc thực hiện những cam kết của cơ sở đào tạo với xã hội về chất lượng đào tạo.
    - Góp phần hạn chế và khắc phục tình trạng quản lý kém hiệu quả hay sai lầm do thiếu năng lực trong ngành y tế.
    3.2. Đối với cơ sở đào tạo
    - Là căn cứ để xây dựng chuẩn đầu ra, xác định chương trình, phương pháp và nội dung học phù hợp cho các chương trình đào tạo về thanh tra y tế.
    - Gắn nội dung đào tạo với hoàn cảnh thực tế kinh tế xã hội của đất nước.
    3.3. Đối với cơ sở sử dụng và quản lý cán bộ thanh tra y tế
    Sẽ được sử dụng trong các khâu của quản lý nhân sự:
    - Xây dựng vị trí việc làm: Giúp phân tích, mô tả yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ phẩm chất cho từng vị trí việc làm một cách dễ dàng, khoa học; góp phần tạo nên một bản mô tả vị trí việc làm hoàn chỉnh với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu của vị trí thanh tra y tế.
    - Tuyển dụng: Giúp xác định rõ những yêu cầu cho công chức thanh tra y tế cần tuyển và đánh giá các ứng viên một cách khoa học nhằm đảm bảo tuyển được ứng viên phù hợp.
    - Đánh giá kết quả làm việc dựa trên kết quả, hiệu quả và thành tích đạt được của công chức thanh tra y tế; là căn cứ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp để phát triển năng lực chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp của công chức thanh tra y tế. Từ đó không chỉ góp phần nâng cao được chất lượng và mức độ chuyên nghiệp mà còn thu hút, giữ chân người tài làm công tác thanh tra y tế.
    3.4. Đối với hội nhập quốc tế
    - Là cơ sở để so sánh năng lực cơ bản của thanh tra y tế Việt Nam với các nước, thúc đẩy quá trình hội nhập và công nhận trình độ, năng lực giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.
    3.5. Đối với bản thân công chức thanh tra y tế
    - Làm cơ sở cho đội ngũ thanh tra y tế liên tục phấn đấu học tập và tự đánh giá năng lực của bản thân trong quá trình học tập và công tác.
    - Luật số 56/2010/QH12: Luật Thanh tra, có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2011;
    - Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra;
    - Nghị định 97/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra;
    - Nghị định 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ Quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành;
    - Nghị định 122/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của thanh tra y tế;
    - Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo”;
    - Quyết định số 163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020”;
    - Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 5/3/2010 của Chính phủ về “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức”;
    Chuẩn năng lực cơ bản của thanh tra y tế được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn ở Việt Nam và tham khảo các tài liệu quốc tế. Quá trình xây dựng được tóm tắt như sau:
    - Bộ Y tế đã giao cho Trường Đại học Y tế công cộng làm đầu mối soạn thảo Chuẩn năng lực cơ bản của thanh tra y tế.
    - Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp cùng Thanh tra Bộ Y tế xây dựng Chuẩn năng lực cơ bản của thanh tra y tế. Sau đó, xin ý kiến góp ý của các nhà quản lý ở các cấp (từ Trung ương đến địa phương) và các lĩnh vực (khám chữa bệnh; an toàn thực phẩm; y tế dự phòng; môi trường y tế; dược và trang thiết bị y tế...), thanh tra y tế các cấp (Bộ và Sở y tế), các nhà xây dựng chính sách y tế và các chuyên gia đào tạo để hoàn thiện Chuẩn Năng lực cơ bản này.
    - Bộ trưởng Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng chuyên môn thẩm định tài liệu Chuẩn năng lực cơ bản của Thanh tra Bộ Y tế vào ngày 15/12/2016. Hội đồng đã họp thẩm định tài liệu và có ý kiến góp ý bổ sung về nội dung và thể thức tài liệu. Nhóm biên soạn đã tiếp thu ý kiến của Hội đồng để chỉnh sửa và hoàn thiện bản thảo này.
    6. Tóm tắt nội dung
    Chuẩn năng lực cơ bản của Thanh tra y tế được cấu trúc theo khuôn mẫu chung của các bộ chuẩn năng lực các nước trên thế giới (Anh, Mỹ...) nhằm đáp ứng các yêu cầu hội nhập cũng như để thuận lợi cho việc đối chiếu, so sánh. Tài liệu Chuẩn năng lực cơ bản của thanh tra y tế được cấu trúc thành 3 lĩnh vực bao gồm 10 tiêu chuẩn và 30 tiêu chí.
    Mỗi lĩnh vực thể hiện một chức năng cơ bản của thanh tra y tế, gồm 3 lĩnh vực là:
    1. Năng lực pháp luật và chính sách y tế;
    2. Năng lực hành nghề về thanh tra y tế;
    3. Năng lực hợp tác - giao tiếp.
    Mỗi tiêu chuẩn là một cấu phần của lĩnh vực, bao hàm một số nhiệm vụ của một công chức thanh tra y tế.
    Mỗi tiêu chí là một thành phần của tiêu chuẩn. Một tiêu chí có thể áp dụng chung cho các tiêu chuẩn và các lĩnh vực.
     
    Phần II
    CHUẨN NĂNG LỰC CƠ BẢN CỦA THANH TRA Y TẾ
     
    Công chức thanh tra y tế (thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành) là công chức chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan thanh tra y tế/cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, thực hiện quyết định thanh tra và các nhiệm vụ khác của cơ quan thanh tra y tế/ cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Công chức thanh tra y tế được giao chủ trì thanh tra các vụ việc có quy mô và tính chất phức tạp khác nhau, tùy theo vị trí của thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp hay công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
    LĨNH VỰC 1: PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH Y TẾ
    Công chức thanh tra y tế phải có tác phong hành nghề chuyên nghiệp theo các chuẩn mực đạo đức và pháp lý; khi tiến hành thanh tra phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Người ra quyết định thanh tra về thực hiện nhiệm vụ được giao.
    Tiêu chuẩn 1. Xây dựng, hướng dẫn thực hiện và đánh giá pháp luật về y tế
    Tiêu chí 1: Hiểu biết về pháp luật của Nhà nước nói chung, pháp luật thanh tra và pháp luật trong lĩnh vực y tế nói riêng.
    Tiêu chí 2: Tham gia/góp ý vào quá trình xây dựng Luật/các văn bản dưới Luật phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn thông qua việc phân tích các thông tin thu thập được sau các cuộc thanh tra y tế.
    Tiêu chí 3: Hướng dẫn các cơ quan/tổ chức/cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
    Tiêu chí 4: Phát hiện các sơ hở, bất cập của cơ chế, chính sách pháp luật để đề xuất các kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp trên xử lý theo quy định của pháp luật.
    Tiêu chuẩn 2. Xây dựng, hướng dẫn và vận động thực hiện chính sách
    Tiêu chí 1: Hiểu biết về các chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực y tế.
    Tiêu chí 2: Tham gia/góp ý vào quá trình xây dựng các chính sách y tế phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn thông qua việc phân tích các thông tin thu thập được sau các cuộc thanh tra y tế.
    Tiêu chí 3: Hướng dẫn thực hiện và vận động các cơ quan/tổ chức/cá nhân tham gia vào quá trình thực thi các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực y tế.
    LĨNH VỰC 2: NĂNG LỰC HÀNH NGHỀ VỀ THANH TRA Y TẾ
    Công chức thanh tra y tế phải có tác phong hành nghề chuyên nghiệp theo các chuẩn mực đạo đức và pháp lý; khi tiến hành thanh tra phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Người ra quyết định thanh tra về thực hiện nhiệm vụ được giao.
    Tiêu chuẩn 1: Xây dựng quyết định và kế hoạch thanh tra hiệu quả và khả thi
    Tiêu chí 1: Xác định căn cứ pháp lý, nội dung, mục đích, yêu cầu; tổng hợp và phân tích các thông tin cần thiết làm căn cứ cho quyết định thanh tra.
    Tiêu chí 2: Soạn thảo quyết định thanh tra theo đúng quy định của pháp luật.
    Tiêu chí 3: Xác định các vấn đề ưu tiên cần đưa vào kế hoạch thanh tra.
    Tiêu chí 4: Xây dựng kế hoạch thanh tra phù hợp với nội dung ghi trong quyết định thanh tra, quy định của pháp luật và yêu cầu của thực tế.
    Tiêu chuẩn 2: Thực hiện hoạt động thanh tra theo đúng chuẩn mực đạo đức và quy trình nghiệp vụ
    Tiêu chí 1: Hiểu biết và thực hiện đầy đủ các quy tắc chuẩn mực đạo đức của công chức thanh tra y tế trong quá trình tiến hành trực tiếp thanh tra.
    Tiêu chí 2: Hiểu biết và thực hiện đầy đủ các yêu cầu nghiệp vụ trong quá trình tiến hành trực tiếp thanh tra.
    Tiêu chí 3: Chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật và Người ra quyết định thanh tra về thực hiện nhiệm vụ được giao.
    Tiêu chuẩn 3: Tham mưu xây dựng và tham gia thực hiện Kết luận thanh tra góp phần đảm bảo Kết luận thanh tra được thực thi một cách nghiêm minh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra
    Tiêu chí 1: Trực tiếp xử lý theo thẩm quyền và tham mưu cho Người ra quyết định thanh tra xử lý phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm của đối tượng thanh tra theo đúng quy định của pháp luật.
    Tiêu chí 2: Thực hiện và phối hợp với các bên liên quan thực hiện Kết luận thanh tra, góp phần đảm bảo cho kết luận thanh tra được thực thi một cách nghiêm minh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra.
    Tiêu chuẩn 4: Tham mưu cho thủ trưởng giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực được giao (chỉ áp dụng đối với Thanh tra Bộ Y tế và thanh tra Sở Y tế)
    Tiêu chí 1: Hiểu biết quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực y tế.
    Tiêu chí 2: Thu thập và xác minh tài liệu, thông tin trong các khiếu nại, tố cáo của công dân trong nhiệm vụ được giao.
    Tiêu chí 3: Tổng hợp và phân tích tài liệu, thông tin trong các khiếu nại, tố cáo khách quan, khoa học.
    Tiêu chí 4: Báo cáo đầy đủ, trung thực, chính xác, kịp thời kết quả xác minh các khiếu nại, tố cáo của công dân dân theo đúng quy trình, quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực y tế.
    Tiêu chuẩn 5: Tổ chức thực hiện/ thực hiện công tác tiếp công dân tại đơn vị (chỉ áp dụng đối với Thanh tra Bộ Y tế và thanh tra Sở Y tế)
    Tiêu chí 1: Hiểu biết các quy định của pháp luật về tiếp công dân.
    Tiêu chí 2: Tổ chức thực hiện và thực hiện công tác tiếp công dân tại đơn vị theo đúng các quy định của pháp luật về tiếp công dân.
    Tiêu chí 3: Tổng hợp, phân tích tài liệu, thông tin thu được từ công tác tiếp công dân từ đó đề xuất hướng xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.
    LĨNH VỰC 3: NĂNG LỰC HỢP TÁC - GIAO TIẾP
    Công chức thanh tra y tế phải có khả năng hợp tác, phối hợp với đồng nghiệp, các cơ quan/tổ chức trong và liên ngành trong quá trình thực hiện công tác thanh tra và phải biết cách giao tiếp một cách phù hợp với đối tượng thanh tra và các bên liên quan.
    Tiêu chuẩn 1. Tạo dựng được mối quan hệ hợp tác, tin tưởng với cá nhân/tổ chức trong phạm vi thanh tra và cộng đồng.
    Tiêu chí 1. Lắng nghe, chia sẻ và giải quyết những băn khoăn, lo lắng của các cá nhân/tổ chức/cộng đồng.
    Tiêu chí 2. Thiết lập mối quan hệ hợp tác với cộng đồng và các tổ chức, cá nhân liên quan tới lĩnh vực thanh tra.
    Tiêu chuẩn 2. Hợp tác có hiệu quả với đồng nghiệp và các cơ quan/tổ chức trong đơn vị và liên ngành trong quá trình thực hiện công tác thanh tra
    Tiêu chí 1. Đảm bảo các nguyên tắc: đúng chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quyền hạn của từng cá nhân/tổ chức, tôn trọng lĩnh vực chuyên môn, bàn bạc, thống nhất, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ kịp thời, giải quyết xung đột (nếu có).
    Tiêu chí 2. Xác định được vai trò và mối quan hệ của các thành viên trong đoàn thanh tra; tổ chức, điều phối nhiệm vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của các thành viên và tổ chức.
    Tiêu chí 3. Lắng nghe, chia sẻ các thông tin chính xác trong quá trình thanh tra, phối hợp hiệu quả nhưng không vi phạm chế độ bảo mật trong hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật.
    Tiêu chuẩn 3. Giao tiếp hiệu quả
    Tiêu chí 1. Thực hiện giao tiếp đúng mực với lãnh đạo cũng như cán bộ/công nhân viên tại tổ chức, cơ sở, địa phương tiến hành thanh tra.
    Tiêu chí 2. Thực hiện giao tiếp một cách phù hợp với đối tượng thanh tra, nghiêm túc, lấy nguyên tắc, pháp luật làm gốc, làm cơ sở để giải quyết vấn đề một cách khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để sách nhiễu gây khó khăn hay phiền hà cho đối tượng thanh tra.
     
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 của Quốc hội
    Ban hành: 13/11/2008 Hiệu lực: 01/01/2010 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    02
    Nghị định 07/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành
    Ban hành: 09/02/2012 Hiệu lực: 05/04/2012 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Nghị định 63/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế
    Ban hành: 31/08/2012 Hiệu lực: 20/10/2012 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    04
    Thông tư 22/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn đào tạo liên tục trong lĩnh vực y tế
    Ban hành: 09/08/2013 Hiệu lực: 01/10/2013 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    05
    Nghị định 122/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức hoạt động của Thanh tra y tế
    Ban hành: 25/12/2014 Hiệu lực: 27/02/2015 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 869/QĐ-BYT về việc phê duyệt Tài liệu "Chuẩn năng lực cơ bản của Thanh tra Y tế"

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
    Số hiệu: 869/QĐ-BYT
    Loại văn bản: Quyết định
    Ngày ban hành: 14/03/2017
    Hiệu lực: 14/03/2017
    Lĩnh vực: Y tế-Sức khỏe
    Ngày công báo: Đang cập nhật
    Số công báo: Theo văn bản
    Người ký: Nguyễn Thị Kim Tiến
    Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X