Cơ quan ban hành: | Bộ Giáo dục và Đào tạo | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 39/1999/TT-BGD&ĐT | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Nguyễn Minh Hiển |
Ngày ban hành: | 01/11/1999 | Hết hiệu lực: | 29/01/2021 |
Áp dụng: | 01/11/1999 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 39/1999/TT-BGD&ĐT
NGÀY 01 THÁNG 11 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN VẬN DỤNG THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 38/1999/QĐ-TTG VỀ ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN
VÀ QUI TRÌNH XÉT CHỌN DANH HIỆU ANH HÙNG LAO ĐỘNG
TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI CỦA NGÀNH GIÁO DỤC
Thi hành Quyết định số 38/1999/QĐ-TTg ngày 6/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về đối tượng và tiêu chuẩn danh hiệu Anh hùng Lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới và văn bản số 241/TĐKT ngày 7-5-1999 của Viện Thi đua - Khen thưởng nhà nước hướng dẫn thực hiện Quyết định trên;
Sau khi có sự thống nhất với Viện Thi đua - Khen thưởng nhà nước tại văn bản số 494/TĐKT ngày 12-10-1999; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn vận dụng đối tượng, tiêu chuẩn và qui trình xét chọn danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới của ngành Giáo dục như sau:
A. ĐỐI TƯỢNG
Các cá nhân, các tập thể là thành viên trong đơn vị cơ sở và đơn vị cơ sở thuộc ngành Giáo dục có công đặc biệt xuất sắc, có đủ tiêu chuẩn qui định dưới đây đều thuộc diện xét, đề nghị phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Các cá nhân, các tập thể nói trong Thông tư này bao gồm:
- Các cán bộ, nhà giáo, công nhân viên thuộc ngành Giáo dục, kể cả người đã hy sinh hay từ trần.
- Các tập thể thuộc ngành Giáo dục bao gồm các đơn vị cơ sở được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập: nhà trường, trung tâm giáo dục, cơ quan, quản lý giáo dục, cơ quan nghiên cứu giáo dục, đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc ngành Giáo dục; các tập thể nhỏ là thành viên trong đơn vị cơ sở.
B. TIÊU CHUẨN DANH HIỆU ANH HÙNG LAO ĐỘNG
I. BỐN TIÊU CHUẨN ĐỐI VỚI CÁ NHÂN
TIÊU CHUẨN 1
a- Có tinh thần dám nghĩ, dám làm, lao động sáng tạo, dũng cảm, quên mình vì sự nghiệp phát triển giáo dục:
* Đối với các địa bàn thuận lợi, đồng bằng, thành phố: cá nhân có thành tích đi đầu trong mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào công tác giáo dục, giảng dạy trong đơn vị, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất, tiêu biểu nhất của Bộ, Ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được ngành Giáo dục thuộc Bộ, Ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công nhận.
* Đối với các địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo: cá nhân có thành tích đi đầu trong khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, bám trường, bám lớp, huy động và duy trì học sinh đến lớp, xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục trên địa bàn, là tấm gương hy sinh tiêu biểu ở nơi khó khăn nhất, được ngành Giáo dục thuộc Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công nhận.
b. Đi đầu trong việc tạo dựng và thúc đẩy phong trào giáo dục, xây dựng được những mô hình giáo dục mới, nuôi dưỡng và phát triển những nhân tố giáo dục mới.
c. Có thành tích xuất sắc, có công lao đóng góp to lớn và đạt hiệu quả rõ rệt trong công cuộc đổi mới sự nghệp giáo dục của địa phương.
TIÊU CHUẨN 2:
Về nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, sáng kiến, cải tiến:
- Đối với Giáo dục Đại học (Cao đẳng và Đại học):
Có thành tích xuất sắc về nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiến bộ trong giảng dạy, trong quá trình đào tạo mang lại hiệu quả giáo dục - đào tạo rõ rệt, hiệu quả kinh tế cao, được ngành Giáo dục thuộc Bộ, Ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công nhận.
- Đối với Giáo dục mầm non, Giáo dục Phổ thông, Giáo dục nghề nghiệp:
Có nhiều sáng kiến, cải tiến, kinh nghiệm có giá trị, được áp dụng, phổ biến rộng rãi trong ngành Giáo dục của Bộ, Ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, mang lại hiệu quả giáo dục - đào tạo, hiệu quả kinh tế rõ rệt, được ngành Giáo dục thuộc Bộ, Ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công nhận.
TIÊU CHUẨN 3:
a. Có trình độ chính trị vững vàng, chuyên môn nghiệp vụ giỏi, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Bồi dưỡng, đào tạo được nhiều học sinh giỏi, sinh viên giỏi, góp phần bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
b. Có công lao và đóng góp to lớn trong việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi, giảng viên giỏi các cấp, là nòng cốt trong việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của ngành Giáo dục thuộc Bộ, Ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
TIÊU CHUẨN 4:
a. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tha thiết yêu nghề, mẫu mực, tận tuỵ, hy sinh phấn đấu vì sự nghiệp Giáo dục, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
b. Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước
c. Nêu cao tinh thần hợp tác tương trợ, là hạt nhân xây dựng sự đoàn kết, nhất trí trong tập thể, có uy tín đối với đồng nghiệp và nhân dân.
d. Có ảnh hưởng rộng rãi và là tấm gương tiêu biểu trong ngành, trong địa phương. Là tấm gương trong xây dựng cuộc sống gia đình có văn hoá.
Với các cá nhân thuộc cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan nghiên cứu giáo dục, đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc ngành Giáo dục căn cứ vào 4 tiêu chuẩn trên để vận dụng và xác định nội dung tương ứng, cụ thể phù hợp với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, của cá nhân.
II. BỐN TIÊU CHUẨN ĐỐI VỚI TẬP THỂ
TIÊU CHUẨN 1
a. Là tập thể đoàn kết, phấn đấu liên tục, khắc phục khó khăn, đạt thành tích dẫn đầu ngành Giáo dục của Bộ, Ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nhiệm vụ chính trị được giao, cụ thể là:
+ Thực hiện đạt và vượt mức kế hoạch hàng năm: Về tỷ lệ huy động học sinh, về duy trì số lượng học sinh. Thực hiện nghiêm chỉnh chỉ tiêu đào tạo sinh viên được giao.
ư+ Có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và những giải pháp này đã đem lại kết quả cụ thể. Có nhiều học sinh giỏi các cấp, có nhiều sinh viên giỏi được giải trong các kỳ thi toàn quốc.
+ Đối với các trường Trung học chuyên nghiệp, trường Cao đẳng, trường Đại học là đổi mới mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, đa dạng hoá loại hình đào tạo, giữ vững nền nếp, kỷ cương trong quá trình đào tạo.
+ Đối với các cơ sở giáo dục thuộc Giáo dục Mầm non, Giáo dục Phổ thông, Giáo dục không chính quy là thực hiện nghiêm túc các chương trình giảng dạy.
b. Xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu dạy và học, đảm bảo chất lượng giáo dục - đào tạo với nhiều giải pháp có hiệu quả.
c. Làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục, tham mưu có kết quả với cấp uỷ và chính quyền địa phương để phát triển giáo dục ở địa phương. Huy động được các lực lượng xã hội tham gia xây dựng ngành Giáo dục để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục học sinh, sinh viên; tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ đời sống giáo viên.
d. Đã được công nhận danh hiệu thi đua trong thời kỳ đổi mới:
* Đối với các địa bàn thuận lợi, đồng bằng, thành phố có ít nhất 5 năm đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến xuất sắc, trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, cấp Bộ, và cấp tương đương.
* Đối với các địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo có ít nhất 2 năm đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến xuất sắc, trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, cấp Bộ, và cấp tương đương.
TIÊU CHUẨN 2:
Về nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, sáng kiến, cải tiến:
- Đối với Giáo dục Đại học (Cao đẳng và Đại học):
Là đơn vị đi đầu trong ngành Giáo dục của Bộ, Ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về: thành tích sáng tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, tiến bộ trong giảng dạy, trong quá trình đào tạo mang lại hiệu quả giáo dục - đào tạo rõ rệt, hiệu quả trong sản xuất, hiệu quả kinh tế cao. Đối với cơ sở đào tạo cần xem xét thành tích nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
- Đối với giáo dục mầm non, Giáo dục Phổ thông, Giáo dục nghề nghiệp:
Là đơn vị đi đầu của ngành Giáo dục của Bộ, Ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về sáng kiến, cải tiến, kinh nghiệm có giá trị, được ứng dụng, phổ biến rộng rãi trong ngành Giáo dục của Bộ, Ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mang lại hiệu quả giáo dục - đào tạo rõ rệt. Đối với cơ sở đào tạo cần xem xét thành tích ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
TIÊU CHUẨN 3:
Có thành tích nổi bật, dẫn đầu của ngành Giáo dục thuộc Bộ, Ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ về mọi mặt của đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý.
- Đối với các địa bàn thuận lợi, đồng bằng, thành phố:
* Trên 95% giáo viên có trình độ chuẩn trở lên. Trong 5 năm gần đây có trên 50% giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên giỏi, Giảng viên giỏi các cấp, trong đó có Chiến sĩ thi đua, Giáo viên giỏi, Giảng viên giỏi cấp tỉnh, cấp Bộ.
* Có nhiều công lao đóng góp trong công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của ngành Giáo dục thuộc Bộ, Ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Đối với các địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo:
* Trên 50% giáo viên có trình độ chuẩn trở lên. Trong 5 năm gần đây có trên 20% giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên giỏi, Giảng viên giỏi các cấp, trong đó có Chiến sĩ thi đua, Giáo viên giỏi, Giảng viên giỏi cấp tỉnh, cấp bộ.
* Có nhiều đóng góp trong công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên đạt kết quả cao, đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá đội ngũ giáo viên của Bộ, Ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
TIÊU CHUẨN 4
a. Là tập thể đoàn kết nhất trí, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, triển khai và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước.
b. Là tấm gương tiêu biểu của ngành Giáo dục thuộc Bộ, Ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có ảnh hưởng tốt rộng rãi trong ngành, trong địa phương.
c. Tổ chức Đảng và các đoàn thể nhiều năm liên tục đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh.
Với các tập thể thuộc cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan nghiên cứu giáo dục, đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc Ngành giáo dục căn cứ vào 4 tiêu chuẩn trên để vận dụng và xác định nội dung tương ứng, cụ thể phù hợp với nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Mỗi cá nhân, mỗi tập thể được xét tặng danh hiệu Anh hùng Lao động phải đạt được đủ 4 tiêu chuẩn qui định trên.
III. NHỮNG NGƯỜI LẬP THÀNH TÍCH ĐỘT XUẤT:
Cần được xem xét, đề nghị kịp thời phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho các cá nhân lập thành tích đột xuất:
- Các cá nhân dũng cảm, mưu trí, hy sinh thân mình bảo vệ tính mạng, tài sản của tập thể, của nhân dân, của học sinh.
- Các cá nhân có những phát minh, sáng tạo khoa học mang lại hiệu quả to lớn trong phát triển kinh tế xã hội, nêu tấm gương sáng cho Ngành, cho địa phương.
C. QUY TRÌNH XÉT CHỌN VÀ HỒ SƠ TRÌNH KHEN
Thời gian xét thành tích từ năm 1986 đến nay, trong đó chủ yếu là thành tích của 10 năm từ 1990 đến 2000.
I. QUY TRÌNH XÉT CHỌN:
1. Xét chọn Anh hùng Lao động cho cá nhân, cho tập thể, tiến hành từ cấp cơ sở trở lên: cấp trường, đơn vị cơ sở, qua Hội đồng Thi đua khen thưởng các cấp, đảm bảo dân chủ, công khai, lấy ý kiến bằng bỏ phiếu kín.
2. Với các trường, đơn vị cơ sở thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
* Do tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét trình đề nghị trên cơ sở tiêu chuẩn cụ thể của ngành Giáo dục.
* Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hiệp y theo đề nghị của Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Với các trường, đơn vị cơ sở thuộc các Bộ, Ngành Trung ương.
* Do Bộ, Ngành Trung ương xét trình khen trên cơ sở tiêu chuẩn cụ thể của ngành Giáo dục.
* Bộ Giáo dục và Đào tạo và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi trường, đơn vị đóng có văn bản hiệp y theo đề nghị của Bộ, Ngành thuộc Trung ương.
4. Với các trường, đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo do Bộ Giáo dục và đào tạo xét trình cùng văn bản hiệu y của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi trường, đơn vị đóng.
II. HỒ SƠ VÀ THỜI GIAN NỘP HỒ SƠ TRÌNH KHEN:
Hồ sơ trình khen gồm:
1. Tờ trình của Bộ, Ngành Trung ương, của Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (theo đối tượng trực thuộc quy định tại điểm 2 và 3)
2. Văn bản hiệp y của Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (theo đối tượng trực thuộc quy định tại điểm 3 và 4).
3. Văn bản hiệp y của Bộ Giáo dục và Đào tạo
4. Tóm tắt thành tích của cá nhân, của tập thể đề nghị tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động.
5. Biên bản họp Hội đồng Thi đua khen thưởng các cấp từ cơ sở trở lên.
Thời gian nộp hồ sơ trình khen:
Thời gian nộp về Bộ giáo dục và đào tạo hồ sơ xét trình phong tặng, hoặc hiệp y đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
- Tuyên dương trước Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VI: từ tháng 1-1999 đến tháng 5-2000
- Tuyên dương trong các năm sau:
Xét trình kịp thời hàng năm, ngay sau khi lập được công đặc biệt xuất sắc.
Để thực hiện phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, các Sở giáo dục - Đào tạo, các trường Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học, các Đại học Quốc gia, Đại học vùng căn cứ vào tiêu chuẩn cần khẩn trương chỉ đạo cơ sở, đồng thời chủ động phát hiện, xem xét, lựa chọn theo qui trình để tham mưu, đề xuất với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ, Ngành xét đề nghị phong tặng kịp thời.
Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp trong ngành Giáo dục cần tham mưu, đề xuất với Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ, Ngành để xét chọn và đề nghị khen thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động cho các cá nhân, tập thể của ngành Giáo dục, thúc đẩy phong trào thi đua của toàn ngành giáo dục chào đón Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI vào cuối năm 2000.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần kịp thời phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh.
Cơ quan ban hành: | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Số hiệu: | 39/1999/TT-BGD&ĐT |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 01/11/1999 |
Hiệu lực: | 01/11/1999 |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Nguyễn Minh Hiển |
Ngày hết hiệu lực: | 29/01/2021 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!