hieuluat

Thông báo 256/TB-VPCP nhiệm vụ tài chính và dự toán NSNN năm 2008

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Văn phòng Chính phủ Số công báo: Theo văn bản
    Số hiệu: 256/TB-VPCP Ngày đăng công báo: Đang cập nhật
    Loại văn bản: Thông báo Người ký: Văn Trọng Lý
    Ngày ban hành: 12/12/2007 Hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Áp dụng: 12/12/2007 Tình trạng hiệu lực: Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực: Tài chính-Ngân hàng, Chính sách
  • VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

     

    Số: 256/TB-VPCP

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

     

    Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2007

     

     

    THÔNG BÁO

    Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội

    về nhiệm vụ tài chính và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008

     

     

    Ngày 28 tháng 11 năm 2007, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dự Hội nghị của ngành Tài chính triển khai Nghị quyết Quốc hội về nhiệm vụ tài chính và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty 90, 91.

    Sau khi nghe Bộ Tài chính báo cáo đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2007, các giải pháp triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2008, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đại biểu dự Hội nghị; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến chỉ đạo như sau:

    - Thủ tướng Chính phủ biểu dương cán bộ, công chức ngành Tài chính đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ năm 2007, hoàn thành vượt mức dự toán được Quốc hội giao; công tác sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều tiến bộ, kịp thời có các biện pháp thúc đẩy và triển khai đối với một số tổng công ty lớn; thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển, cơ bản ổn định... Tuy nhiên, nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2007 và năm 2008 là khá nặng nề, đòi hỏi ngành Tài chính cùng các Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải phối hợp chặt chẽ để phấn đấu bảo đảm hoàn thành cho được mục tiêu đã đề ra.

    - Bộ Tài chính đã chủ động, khẩn trương và nghiêm túc việc chuẩn bị các nội dung về nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước năm 2008 được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao. Nghiên cứu, thảo luận kỹ tình hình, đề xuất và thống nhất các giải pháp cụ thể, trên cơ sở đó, các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 90, 91 xây dựng kế hoạch và biện pháp triển khai ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2008 để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính, ngân sách năm 2008 được giao.

    - Bộ Tài chính và các Bộ liên quan tiếp tục ban hành các quy định và chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội (trường hợp vượt thẩm quyền) cho phép sửa đổi, bổ sung để khắc phục ngay những quy định hiện đang là rào cản, vướng mắc hoặc không còn phù hợp, nhất là về cơ chế, chính sách tài chính, thủ tục thực hiện các quy định về tài chính...

    Về nhiệm vụ, phương hướng công tác thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ, đồng thời yêu cầu ngành Tài chính cần lưu ý tập trung thực hiện tốt một số việc sau đây:

    I. VỀ NHIỆM VỤ TỪ NAY ĐẾN HẾT NĂM 2007

    1. Cùng với các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài chính phải là nòng cốt trong việc tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành, kiểm soát giá cả thị trường một cách kịp thời, hiệu quả và theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng về vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường theo Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 23/2007/CT-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp điều hành giá cả, bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2007 và phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tý năm 2008, nhằm giữ ổn định giá cả nhất là trong những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008.

    2. Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2007 Chính phủ đã báo cáo tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XII vừa qua, để có nguồn bổ sung cho phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và tăng nguồn vốn đầu tư cho phát triển, cải cách tiền lương và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, quan trọng khác.

    3. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính trong kê khai nộp thuếc, thủ tục hải quan, giải ngân vốn kho bạc... nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

    II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA NĂM 2008

    1. Năm 2008 là năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010, ngành Tài chính cần phấn đấu để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2006-2010, tạo đà cho năm 2009 hoàn thành các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2006-2010 trước thời hạn, tạo điều kiện thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

    2. Trong điều kiện giá cả thị trường thế giới biến động khó lường, nước ta còn phải nhập khẩu nhiều vật tư, hàng hóa, máy móc thiết bị đáp ứng yêu cầu phát triển, do vậy, công tác quản lý giá cả năm 2008 vẫn là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ngành Tài chính phải tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm giữ ổn định giá cả, hạn chế tác động tiêu cực do biến động giá đến phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Trước mắt là chấm dứt bù lỗ kinh doanh mặt hàng dầu, không bao cấp giá bán than cho sản xuất xi măng, phân bón, giấy. Cần có biện pháp hỗ trợ trực tiếp và hiệu quả đối với người nghèo, trong đó đa số là nông dân. Nghiên cứu để mở rộng, tăng mức ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực cần khuyến khích (như đánh bắt cá xa bờ...), hoạt động ở các vùng, các địa bàn khó khăn, nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí, hạ giá thành và giá bán, góp phần kiềm chế tăng giá.

    3. Về thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2008:

    a) Về thu ngân sách nhà nước: nhu cầu chi ngân sách nhà nước năm 2008 cho đầu tư phát triển, thực hiện cải cách tiền lương, chi trả nợ là rất lớn, dự phòng ngân sách các cấp đều rất hạn hẹp đòi hỏi ngành Tài chính mà trực tiếp là ngành Thuế, Hải quan, các địa phương phấn đấu hoàn thành và vượt 5% so với dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2008 đã được Quốc hội quyết định và Thủ tướng Chính phủ giao. Muốn thực hiện được mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải thực hiện tốt công tác chống thất thu, chống buôn lậu và gian lận thương mại, xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng thuế, chấn chỉnh công tác hoàn thuế, tăng cường kiểm tra, phát hiện để xử lý kịp thời, nghiêm và theo đúng quy định của pháp luật đói với các vi phạm về thuế.

    b) Về chi ngân sách nhà nước:

    - Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bố trí chi ngân sách đảm bảo các chỉ tiêu đã được Trung ương giao về: chi đầu tư phát triển, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, nguồn cải cách tiền lương,...

    - Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo việc bố trí chi đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho những công trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn. Đối với các dự án, công trình có khả năng thu hồi vốn, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

    - Bộ Tài chính chủ trì cùng các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát toàn diện các chính sách, chế độ tài chính để chủ động sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời đối với các quy định hiện hành không còn phù hợp với quá trình phát triển, trong đó chú ý một số chính sách, chế độ sau:

    + Về phí, lệ phí, các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, kiểm soát, tổ chức thực hiện các khoản thu phí, lệ phí theo quy định của Pháp lệnh về phí, lệ phí; đình chỉ và bãi bỏ ngay các khoản phí, lệ phí không có tên trong danh mục; sửa đổi các khoản phí, lệ phí đã có quy định nhưng thực tế không còn phù hợp theo đúng Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với những khoản phí, lệ phí đã được miễn hoặc miễn giảm (thủy lợi phí, lệ phí chứng minh thư nhân dân, hộ tịch, hộ khẩu...), Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương cân đối ngân sách để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

    + Về chi đầu tư phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng cơ chế ngân sách nhà nước chỉ đầu tư cho những công trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn; các công trình, dự án có khả năng thu hồi vốn, có cơ chế phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư.

    + Về chính sách huy động vốn, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đối với các dự án, công trình đô thị, đường giao thông... có khả năng thu hồi vốn, Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế tạo vốn cho địa phương đầu tư và thu hồi vốn để trả nợ.

    + Về chính sách đào tạo, dạy nghề, Bộ Tài chính chủ trì thống nhất với cơ quan liên quan nghiên cứu bổ sung các cơ chế, chính sách tài chính như các ưu đãi về thuế, đất đai, vốn đầu tư, tín dụng nhằm khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, có tay nghề cho nền kinh tế.

    + Về quản lý, giám sát thị trường chứng khoán: phải quản lý tốt để phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn quan trọng và có hiệu quả của nền kinh tế. Cùng với việc hoàn thiện các cơ chế chính sách đối với thị trường chính thức, Bộ Tài chính cần chú ý nghiên cứu xây dựng cơ chế kiểm soát, giám sát thị trường chứng khoán phi tập trung (OTC) đảm bảo cho thị trường này phát triển lành mạnh, an toàn.

    + Về chính sách sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc sắp xếp, cổ phần hóa đối với doanh nghiệp lớn (các tổng công ty, các ngân hàng thương mại...) đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế và đạt hiệu quả; đồng thời phải chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ tình hình tài chính của các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 90,91; chỉ đạo, tổ chức hoạt động có hiệu quả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

    + Về cải cách thủ tục hành chính, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính, nhằm chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại hiện đang diễn ra trong các lĩnh vực, như: thủ tục đầu tư, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, trái phiếu Chính phủ; thủ tục, thời gian thu nộp thuế;... đồng thời có kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ nhất là cán bộ ngành thuế, hải quan đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

    Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết và quán triệt trong chỉ đạo, thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ của ngành Tài chính./.

     

    Nơi nhận:

    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;

    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

    - Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;

    - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

    - Văn phòng Chủ tịch nước;

    - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

    - Văn phòng Quốc hội;

    - Tòa án nhân dân tối cao;

    - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

    - Kiểm toán Nhà nước;

    - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

    - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

    - Các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty 90, 91;

    - VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ,

      Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,

      các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

    - Lưu: Văn thư, KTTH (5b). A. 370

    KT.BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM

    PHÓ CHỦ NHIỆM

     

     

     

     

     

     

     

     

    (Đã ký)

     

     

     

     

     

     

     

     

    Văn Trọng Lý

     

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Thông báo 256/TB-VPCP nhiệm vụ tài chính và dự toán NSNN năm 2008

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành: Văn phòng Chính phủ
    Số hiệu: 256/TB-VPCP
    Loại văn bản: Thông báo
    Ngày ban hành: 12/12/2007
    Hiệu lực: 12/12/2007
    Lĩnh vực: Tài chính-Ngân hàng, Chính sách
    Ngày công báo: Đang cập nhật
    Số công báo: Theo văn bản
    Người ký: Văn Trọng Lý
    Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X