hieuluat

Thông tư hướng dẫn việc quy đổi tiền gửi tiết kiệm theo tỷ lệ ưu đãi trong kỳ thu đổi tiền

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Số công báo: Đang cập nhật
    Số hiệu: 8-NH/TT Ngày đăng công báo: Đang cập nhật
    Loại văn bản: Thông tư Người ký: Nguyễn Duy Gia
    Ngày ban hành: 28/10/1985 Hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Áp dụng: 28/10/1985 Tình trạng hiệu lực: Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực: Tài chính-Ngân hàng
  • THÔNG TƯ

    CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 8-NH/TT NGÀY 28 THÁNG 10 NĂM 1985 HƯỚNG DẪN VIỆC QUY ĐỔI TIỀN GỬI TIẾT KIỆM THEO TỶ LỆ ƯU ĐàI TRONG KỲ THU ĐỔI TIỀN 14-9-1985

     

    Trong kỳ thu đổi tiền ngày 14-9-1985 Nhà nước đã có công bố chính sách ưu đãi đối với người có tiền gửi tiết kiệm. Đây là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, cần phổ biến sâu rộng trong nhân dân và tổ chức chấp hành đúng đắn, để động viên mọi người hăng hái gửi tiền vào quỹ tiết kiệm.

    Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc quy đổi theo tỷ lệ ưu đãi và việc hạch toán kế toán trong hệ thống Quỹ tiết kiệm và Ngân hàng Nhà nước như sau:

     

    I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TÍNH QUY ĐỔI THEO TỶ LỆ ƯU ĐàI

     

    1. Quyết định số 01-HĐBT-TĐ ngày 13 tháng 9 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng quy định mọi số tiền gửi tiết kiệm vào Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa theo các thể thức tiết kiệm do Hội đồng Bộ trưởng ban hành mà còn số dư đến ngày thu đổi thì được quy đổi theo tỷ lệ như sau:

    - Tiền gửi từ ngày 1-3-1978 trở về trước được quy đổi theo tỷ lệ 1 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

    - Tiền gửi từ ngày 2-3-1978 đến ngày 31-5-1981 được quy đổi theo tỷ lệ 2 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

    - Tiền gửi từ ngày 1-6-1981 đến ngày 31-12-1984 được quy đổi theo tỷ lệ 6 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

    - Tiền gửi từ ngày 1-1-1985 đến ngày 31-7-1985 được quy đổi theo tỷ lệ 9 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

    - Tiền gửi từ ngày 1-8-1985 đến ngày đổi tiền thì theo tỷ lệ 10 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

    2. Trong lúc chưa tính xong việc quy đổi tiền gửi tiết kiệm theo tỷ lệ ưu đãi, mà có người đem sổ đến gửi thêm tiền vào hoặc lĩnh tiền ra, thì nhân viên quỹ tiết kiệm gạch ngang một dòng, chuyển số dư đến cuối ngày 13-9-1985 xuống dòng kế tiếp, ghi số dư ngày 14-9-1985 theo tỷ lệ 10 đồng cũ bằng 1 đồng mới và tiếp tục ghi số phát sinh theo tiền mới; khi nào tính quy đổi xong sẽ ghi thêm phần tiền chênh lệch được hưởng theo tỷ lệ ưu đãi. 3. Những trường hợp sau đây không thuộc diện quy đổi theo tỷ lệ ưu đãi:

    - Các loại tiền gửi không thuộc thể thức tiết kiệm do Hội đồng Bộ trưởng ban hành, như tiền gửi tiết kiệm theo lãi suất cao để thu mua lương thực, tiền gửi tiết kiệm cho vay xuất khẩu, tiền tiết kiệm do Hợp tác xã tín dụng huy động.

    - Tiền công quỹ của các cơ quan Nhà nước, các xí nghiệp sản xuất kinh doanh nhưng đem gửi theo thể thức tiết kiệm. Cần phát hiện để loại những số tiền này ra khỏi tiền gửi tiết kiệm và thu hồi lại số tiền lãi, tiền thưởng mà quỹ tiết kiệm đã trả.

    - Chưa tính tỷ lệ quy đổi ưu đãi đối với tiền gửi tiết kiệm có từ trước mà chưa đổi sổ năm 1978. Trường hợp người gửi tiền trực tiếp khiếu nại thì chuyển lên Giám đốc Quỹ tiết kiệm quận, huyện, thị xã giải quyết.

    - Không tính thời gian gửi tiền tiết kiệm liên tục đối với các sổ tiết kiệm đã tất toán số dư hoặc tất toán sổ tiết kiệm này để thay bằng số tiết kiệm khác trong thời gian từ ngày 1-3-1978 đến ngày 13-9-1985, trừ các trường hợp sau đây: sổ tiết kiệm đã sử dụng hết số trang, phải chuyển sang sổ mới để tiếp tục giao dịch; trường hợp người gửi tiền di chuyển chỗ ở, chuyển số tiền trên sổ tiết kiệm qua Ngân hàng Nhà nước để gửi vào Quỹ tiết kiệm tại địa phương nơi mình đến; trường hợp mất sổ tiết kiệm đã được xét cấp sổ mới. Trong các trường hợp nêu trên, người có tiền gửi tiết kiệm phải kê khai, các quỹ tiết kiệm có liên quan phải xác minh bằng biên bản hợp lệ do Giám đốc Quỹ tiết kiệm quận, huyện, thị xã xác nhận.

    4. Trước khi quy đổi, phải tiến hành sao kê số dư tiền gửi tiết kiệm theo từng thời điểm để đối chiếu. Bản sao kê này phải do một hội đồng kiểm tra, xác nhận (sau khi kiểm tra xác nhận, Hội đồng phải ký biên bản kiểm tra). Hội đồng gồm có: Giám đốc Quỹ tiết kiệm, Trưởng kế toán ngân hàng, Trưởng kế toán quỹ tiết kiệm và một cán bộ thanh tra Quỹ tiết kiệm quận, huyện, thị xã.

     

    II. CÁCH TÍNH QUY ĐỔI THEO TỶ LỆ ƯU ĐàI

     

    Việc tính quy đổi theo tỷ lệ ưu đãi phải căn cứ vào số dư ở các thời điểm quy định.

    Số dư ở thời điểm nào thì quy đổi theo tỷ lệ quy định cho thời điểm đó.

    Thời điểm có số dư tăng thì quy đổi số tăng theo tỷ lệ quy định cho thời điểm đó.

    Thời điểm có số dư giảm thì quy đổi số giảm theo tỷ lệ quy định cho thời điểm đó.

    Cộng số tiền ở các thời điểm có số dư tăng, trừ đi số tiền ở các thời điểm có số dư giảm là số tiền được quy đổi. Sau đây là một số thí dụ:

    - Thí dụ A:

    Các thời điểm

    Số dư

    Số dư được tính

    Tỷ lệ quy đổi

    Số tiền quy đổi (tiền mới)

    1-3-1978

    10000đ

    - 10000 đ

    1 = 1

    - 10000 đ

    31-5-1981

    15000đ

    - 5000 đ

    2 = 1

    - 2500 đ

    31-12-1984

    8000đ

    - 7000 đ

    6 = 1

    - 1166 đ

    31-7-1985

    2000đ

    - 6000 đ

    9 = 1

    - 666 đ

    3-9-1985

    3000đ

    - 1000 đ

    10 = 1

    - 100 đ

     

    - Số tiền được quy đổi: 10768 đ

    - Số dư trên sổ tiết kiệm ngày 13-9-1985 đã quy đổi 10 = 1: 300 đ

    - Số tiền được bổ sung vào sổ tiết kiệm: 10.468 đ

     

    - Thí dụ B:

     

    Các thời điểm

    Số dư

    Số dư được tính

    Tỷ lệ quy đổi

    Số tiền quy đổi (tiền mới)

    1-3-1978

    0

     

     

     

    31-5-1981

    12000 đ

    - 12000 đ

    2 = 1

    - 6000 đ

    31-12-1984

    6000 đ

    - 6000 đ

    6 = 1

    - 1000 đ

    31-7-1985

    4000 đ

    - 2000 đ

    9 = 1

    - 222 đ

    13-9-1985

    16000 đ

    - 12000 đ

    10 = 1

    - 1200 đ

     

    - Số tiền được quy đổi: 5.978 đ

    - Số dư trên số tiết kiệm ngày 13-9-1985 đã quy đổi 10 = 1:1600 đ

    - Số tiền được bổ sung vào sổ tiết kiệm: 4378 đ

    - Thí dụ C: Đối với phiếu định mức tiết kiểm gửi trong từng thời điểm (phát hành sau ngày 31/5/1981)

     

     

    Các thời điểm

    Số định mức

    Tỷ lệ quy đổi

    Số tiền quy đổi (Tiền mới)

    - Gửi trước 31-12-1984

    200đ

    6 = 1

    33 đ

    - Gửi từ 1-1-1985 đến 31-7-1985

    200đ

    9 = 1

    22 đ

    - Gửi từ 1-8-1985 đến 13-9-1985

    200đ

    10 = 1

    20 đ

     

    III. LẬP CHỨNG TỪ, BẢN KÊ, KIỂM SOÁT VÀ HẠCH TOÁN KẾ TOÁN

     

    A. CÔNG VIỆC TẠI QUỸ TIẾT KIỆM CƠ SỞ

    (Bàn, đại lý, uỷ nhiệm tiết kiệm)

     

    1. Lập chứng từ tính quy đổi:

    Căn cứ vào các phiếu lưu vào cuống lưu tiền gửi tiết kiệm tại quỹ tiết kiệm cơ sở theo từng khoản tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm định mức... còn số dư đến cuối ngày 13-9-1985, kế toán quỹ tiết kiệm cơ sở lập bản tính quy đổi tiền gửi tiết kiệm theo từng phiếu lưu và cuống lưu (mẫu số 1-qđ kèm theo). Sử dụng các tài liệu đã sao kê để đối xoát, như bảng kê hướng dẫn tại Công văn số 165 ngày 19-6-1981: cột 4 số dư cuối ngày 1-3-1978, cột 10 số dư cuối ngày 31-5-1981 và bản sao kê số dư cuối ngày 31-12-1984.

    2. Lập bản kê danh sách những người có tiền gửi tiết kiệm được tính quy đổi (mẫu số 2-qđ kèm theo).

    Căn cứ vào bản tính quy đổi tiền gửi tiết kiệm của từng sổ, lập bản kê danh sách (2 bản) đối với từng thể lệ tiết kiệm. Sau khi lập xong theo mẫu biểu, phải kiểm soát tổng cộng số dư các thời điểm, kế toán ký lập biểu, trưởng quỹ tiết kiệm cơ sở ký kiểm soát và gửi cả 2 bản kê kèm theo chứng từ được xếp theo số thứ tự về quỹ tiết kiệm trung tâm để kiểm soát và xét duyệt.

    3. Khi nhận được 1 bản kê của quỹ tiết kiệm trung tâm đã kiểm soát và xét duyệt quỹ tiết kiệm cơ sở căn cứ vào số tiền đã tính quy đổi trong bản kê theo từng sổ để nhập vào phiếu lưu tiết kiệm cả cuống lưu phiếu tiết kiệm định mức, ghi rõ "quy đổi" trước số tiền quy đổi. Nếu phiếu tiết kiệm đã có hoạt động từ ngày thu đổi tiền, thì chỉ ghi nhập vào tiết kiệm số chênh lệch giữa số được tính quy đổi trừ đi số dư cuối ngày 13-9 chuyển sang đầu ngày 14-9 theo đơn vị tiền mới. Sau khi ghi nhập, kế toán và trưởng quỹ tiết kiệm cơ sở phải ký tên đóng dấu. Số tiền nhập ngày nào ghi ngày ấy, nhưng được tính lãi từ ngày thu đổi 14-9-1985.

    4. Khi người gửi mang sổ tiết kiệm đến gửi tiền hoặc lĩnh tiền, kế toán quỹ tiết kiệm cơ sở phải kiểm soát lại số dư của các thời điểm trên sổ, nếu đúng, ghi nhập số tiền quy đổi được hưởng, ghi ký hiệu "qđ" trước số tiền nhập vào theo nội dung như đã nói ở điểm 3. Trường hợp khách hàng khiếu nại về việc quy đổi chưa đúng thì kế toán phải trực tiếp kiểm tra lại để thống nhất với khách hàng và báo cáo lên quỹ tiết kiệm trung tâm để giải quyết kịp thời trong phạm vi 1 tuần lễ. Khi được xét duyệt lại, thì mới ghi nhập số tiền được hưởng quy đổi vào sổ tiết kiệm của khách hàng và điều chỉnh lại bản kê (1qđ, 2qđ), điều chỉnh số ghi nhập trên phiếu lưu tiết kiệm.

     

    B. HẠCH TOÁN TẠI CÁC QUỸ TIẾT KIỆM QUẬN, HUYỆN,
    THỊ Xà, TỈNH, THÀNH PHỐ, ĐẶC KHU

     

    1. Bổ sung tài khoản kế toán trong hệ thống tài khoản kế toán quỹ tiết kiệm:

    166- "Bù theo tỷ lệ quy đổi tiền gửi tiết kiệm" (dư nợ). Tài khoản này dùng tại quỹ tiết kiệm quận, huyện, thị xã, quỹ tiết kiệm tỉnh thành phố, đặc khu, quỹ tiết kiệm Trung ương để hạch toán tiền gửi tiết kiệm được bù sau khi đã quy đổi theo tỷ lệ ưu đãi trong kỳ thu đổi tiền 1985 (tổng số tiền gửi tiết kiệm quy đổi là x, số dư đến cuối ngày 13-9 tính theo tiền mới là y, số bù thêm vào tiền gửi tiết kiệm do quy đổi là z, thì số được bù là x - y = z). Tiền bù thêm theo tỷ lệ quy đổi được tổng hợp ở từng cấp và chuyển về quỹ tiết kiệm Trung ương, quỹ tiết kiệm Trung ương tổng hợp chuyển sang Vụ Kế toán và chấp hành quỹ ngân sách Nhà nước để thanh toán về tiền thu đổi.

    Bên Nợ ghi: toàn bộ số tiền bù thêm do quy đổi tiền gửi tiết kiệm theo tỷ lệ ưu đãi.

    Bên Có ghi: thanh toán, chuyển về quỹ tiết kiệm cấp trên.

    Dư Nợ: số tiền bù thêm do quy đổi theo tỷ lệ ưu đãi chưa chuyển về cấp trên.

    2. Công việc kế toán, kiểm soát tại quỹ tiết kiệm thị xã, quận, huyện (QTK-TT).

    - Căn cứ vào các chứng từ tính quy đổi tiền gửi tiết kiệm và bản kê danh sách (2 bản) do các quỹ tiết kiệm cơ sở nộp lên, kiểm soát viên và kế toán trưởng quỹ tiết kiệm trung tâm phải đối chiếu lại với từng phiếu lưu, cuống lưu theo số dư từng thời điểm và đối chiếu số liệu tổng hợp trên sổ sách kế toán tại quỹ tiết kiệm trung tâm, kiểm tra lại từng khoản tính quy đổi theo từng thời điểm, cộng lại các số tiền tính quy đổi, nếu xác nhận đúng thì ký tên đã kiểm soát. Sau đó căn cứ vào các chứng từ tính quy đổi đã kiểm soát để chấm lại và cộng lại bản kê danh sách. Các bản kê này phải được kiểm soát viên kế toán trưởng và Giám đốc Quỹ tiết kiệm huyện, quận, thị xã kiểm soát, ký duyệt và được Hội đồng kiểm tra xác nhận bằng biên bản kiểm tra.

    Dùng biên bản kê kèm theo chứng từ tính quy đổi làm chứng từ hạch toán kế toán phần bù thêm do quy đổi theo tỷ lệ ưu đãi:

    Nợ: 166 - bù theo tỷ lệ quy đổi tiền gửi tiết kiệm.

    Có: các tài khoản tiền gửi tiết kiệm (theo thể lệ tiền gửi tiết kiệm như 020, 022, 023, 025, 026).

    Còn 1 bản kê danh sách gửi lại quỹ tiết kiệm cơ sở.

    - Đồng thời với việc hạch toán trên tài khoản kế toán, phải ghi nhận tiền quy đổi tính theo tỷ lệ ưu đãi vào các phiếu lưu, cuống lưu tiết kiệm, ghi rõ chữ "quy đổi" trước số tiền và cách ghi nhập như đã nói ở điểm 3 quỹ tiết kiệm cơ sở và phải được kế toán trưởng ký duyệt, đóng dấu quỹ tiết kiệm quận, huyện, thị xã. Phải bảo đảm doanh số và số dư trên các phiếu lưu, cuống phiếu lưu tiết kiệm sau khi đã nhập số tiền được hưởng theo quy đổi, cộng lại, bằng doanh số và số dư trên tài khoản tiền gửi tiết kiệm tại quỹ tiết kiệm trung tâm. Đối với loại tiết kiệm không kỳ hạn có lãi và dư thưởng, tại quỹ tiết kiệm trung tâm không lưu cuống phiếu mà chỉ có bảng kê theo dõi thì sử dụng chứng từ 1qđ để lưu như phiếu tiết kiệm định mức.

    3. Công việc tại quỹ tiết kiệm tỉnh, thành phố, đặc khu:

    - Giám đốc và kế toán trưởng quỹ tiết kiệm tỉnh, thành phố, đặc khu phải tổ chức kiểm tra việc tính quy đổi tiền gửi tiết kiệm theo tỷ lệ ưu đãi của các quỹ tiết kiệm cơ sở và các quận, huyện, thị xã.

    - Sau khi kiểm tra các chứng từ tính quy đổi, đối chiếu khớp đúng với bản kê (2-qđ) và khớp đúng với số dư nợ tài khoản 166 "Bù theo tỷ lệ quy đổi tiền gửi tiết kiệm" thì quyết định cho quỹ tiết kiệm quận, huyện, thị xã, tất toán số dư nợ tài khoản 166 chuyển về để hạch toán tại quỹ tiết kiệm tỉnh, thành phố, đặc khu chậm nhất trước ngày 10-12-1985. Tại quỹ tiết kiệm tỉnh, thành phố, đặc khu mở tài khoản 166 để tổng hợp số dư Nợ tài khoản 166 của các quỹ tiết kiệm quận, huyện, thị xã chuyển lên. Chậm nhất ngày 20-12-1985 các quỹ tiết kiệm tỉnh, thành phố, đặc khu chuyển số dư tài khoản 166 về quỹ tiết kiệm Trung ương tổng hợp và chuyển sang Vụ Kế toán và chấp hành quỹ ngân sách Nhà nước để thanh toán tiền thu đổi trước khi quyết toán niên độ 1985.

     

    IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

     

    1. Dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ và Uỷ ban nhân dân các cấp và sự kết hợp chặt chẽ với các ngành, các đoàn thể, đồng chí Giám đốc Ngân hàng Nhà nước và quỹ tiết kiệm phải tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chính sách ưu đãi đối với tiền gửi tiết kiệm để động viên nhân dân phấn khởi, hăng hái gửi tiền vào quỹ tiết kiệm; hướng dẫn cho người gửi tiền tiết kiệm biết cách tính quy đổi, nhằm thống nhất thực hiện và kiểm soát, bảo đảm việc tính quy đổi chính xác của các quỹ tiết kiệm cơ sở; vận động những người có tiền gửi yên tâm chờ tính quy đổi theo tỷ lệ ưu đãi (không tất toán sổ trước khi nhập số tiền được quy đổi) và tiếp tục gửi tiền, cần chi tiêu đến đâu lĩnh ra đến đó, chưa cần chưa lĩnh.

    2. Phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát của từng cấp quỹ tiết kiệm và của quỹ tiết kiệm cấp trên như đã nói ở mục III. Cần trưng tập cán bộ kế toán ngân hàng cùng cán bộ kế toán và thanh tra quỹ tiết kiệm trong thời gian 2 tháng để tăng cường lực lượng tính quy đổi và kiểm tra việc tính quy đổi tiền gửi tiết kiệm ở các quỹ tiết kiệm cơ sở quận, huyện, thị xã; phải phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi trường hợp tham ô, lợi dụng hoặc thiếu trách nhiệm phạm nhiều sai sót trong việc tính quy đổi; phải theo dõi và quản lý chặt chẽ tiền gửi tiết kiệm sau khi quy đổi nhất là của những người vắng lâu ngày không giao dịch, chống lợi dụng trong nội bộ; phải tiến hành thay đổi người từ quỹ tiết kiệm cơ sở này sang cơ sở khác theo đúng chế độ quy định, nhằm tăng cường kiểm soát.

    3. Thời hạn quy định hoàn thành việc tính quy đổi tiền gửi tiết kiệm theo tỷ lệ ưu đãi và nhập vào sổ, phiếu tiết kiệm của người gửi chậm nhất là 20-12-1985. Các cấp ngân hàng và quỹ tiết kiệm phải bố trí cán bộ trực tiếp giúp đỡ, tham gia vào việc tính và kiểm soát ở các quỹ tiết kiệm cơ sở và hợp tác xã tín dụng.

    4. Các đồng chí Giám đốc Ngân hàng Nhà nước và quỹ tiết kiệm các cấp phải có biện pháp chỉ đạo chặt chẽ công tác này, đồng thời phải bảo đảm việc giao dịch gửi và lĩnh tiền tiết kiệm thuận tiện cho nhân dân, không được vì lý do bận làm việc tính quy đổi theo tỷ lệ ưu đãi mà trở ngại giao dịch của nhân dân.

    Đồng chí Giám đốc quỹ tiết kiệm Trung ương, Vụ trưởng Vụ Kế toán và chấp hành quỹ ngân sách Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng, Giám đốc quỹ tiết kiệm tỉnh, thành phố, đặc khu và quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

     

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Thông tư hướng dẫn việc quy đổi tiền gửi tiết kiệm theo tỷ lệ ưu đãi trong kỳ thu đổi tiền

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
    Số hiệu: 8-NH/TT
    Loại văn bản: Thông tư
    Ngày ban hành: 28/10/1985
    Hiệu lực: 28/10/1985
    Lĩnh vực: Tài chính-Ngân hàng
    Ngày công báo: Đang cập nhật
    Số công báo: Đang cập nhật
    Người ký: Nguyễn Duy Gia
    Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X