hieuluat

Công văn 6873/TC/TCT giải quyết các hồ sơ tồn đọng xin miễn giảm thuế cước theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính Số công báo: Theo văn bản
    Số hiệu: 6873/TC/TCT Ngày đăng công báo: Đang cập nhật
    Loại văn bản: Công văn Người ký: Nguyễn Thị Cúc
    Ngày ban hành: 22/06/2004 Hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Áp dụng: 22/06/2004 Tình trạng hiệu lực: Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực: Thuế-Phí-Lệ phí, Chính sách
  • CÔNG VĂN

    CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 6873/TC/TCT NGÀY 22 THÁNG 06 NĂM 2004

    VỀ VIỆCHƯỚNG DẪN GIẢI QUYẾT CÁC HỒ SƠ TỒN ĐỌNG VỀ XIN MIỄN GIẢM THUẾ CƯỚC

    THEO HIỆP ĐỊNH TRÁNH ĐÁNH THUẾ HAI LẦN

     

     

    Kính gửi :     - Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW

    - Hiệp hội đại lý hàng hải

    - Các đại lý hàng hải

     

    Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính - Tổng cục Thuế đã có một số công văn hướng dẫn về việc miễn giảm thuế cước theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (Hiệp định thuế). Đã có nhiều đại lý đã lập hồ sơ xin miễn giảm thuế cước theo đúng hướng dẫn tại các công văn này. Ngày 24/9/2003 Bộ Tài chính nhận được công văn số 274/CV-Visaba của Hiệp hội đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam kiến nghị một số vướng mắc liên quan đến thủ tục miễn giảm thuế cước theo Hiệp định thuế. Để giải quyết dứt điểm các vướng mắc của các các đại lý hàng hải, các hãng tàu nước ngoài trong thời gian qua về thủ tục xin miễn giảm thuế cước theo Hiệp định thuế, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:

    I. Quy định về thuế cước và phạm vi miễn giảm thuế cước theo hiệp định thuế:

    1. Quy định về thuế cước:

    Căn cứ Thông tư số 16/1999/TT/BTC ngày 4/2/1999 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện thuế cước đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hoá bằng tàu biển của các hãng vận tải nước ngoài vào Việt nam khai thác vận tải thì:

    1.1. Đối tượng nộp thuế cước: là các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hoá bằng tàu biển từ các cảng biển Việt nam ra nước ngoài, hoặc giữa các cảng biển Việt nam, Thông tư số 16/1999/TT/BTC ngày 4/2/1999 của Bộ Tài Chính không áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải biển được thành lập và hoạt động theo luật pháp Việt nam.

    1.2. Tiền cước vận chuyển làm căn cứ tính thuế cước là toàn bộ tiền cước thu được từ hoạt động vận chuyển hàng hoá từ cảng xếp hàng của Việt nam đến cảng cuối cùng bốc dỡ hàng hoá đó (bao gồm cả tiền cước của các lô hàng phải chuyển tải qua các cảng trung gian) và/hoặc tiền cước thu được do vận chuyển hàng hoá giữa các cảng Việt nam.

    1.3. Thuế suất thuế cước là 3% trong đó căn cứ xác định mức miễn giảm theo quy định của Hiệp định thuế là 1%.  

    2. Phạm vi miễn giảm thuế cước theo Hiệp định thuế:

    Căn cứ từng Hiệp định thuế Việt nam đã ký kết và có hiệu lực, phạm vi miễn giảm thuế cước theo Hiệp định thuế là 1% hoặc 0,5% thuế TNDN trong 3% thuế cước.

    II. Quy định chung về thủ tục hồ sơ miễn thuế cước theo Hiệp định thuế:

    Quy định về thủ tục hồ sơ miễn thuế cước theo Hiệp định thuế hiện tại đang được hướng dẫn ở các Thông tư của Bộ Tài chính số 95/1997/TT/BTC ngày 29/12/1997, Thông tư số 37/2000/TT/BTC ngày 5/5/2000 và Thông tư 52 TC/TCT ngày 16/8/1997 đã được cụ thể hoá tại các công văn số 713 TC/TCT ngày 22/1/2002 của Bộ Tài chính, công văn số 4870 TCT/HTQT ngày 25/12/2002, công văn số 1635 TCT/HTQT ngày 13/5/2003 của Tổng cục Thuế về việc giải quyết vướng mắc miễn giảm thuế cước theo Hiệp định thuế. Đây là những thủ tục cần thiết để cơ quan thuế có căn cứ xét miễn giảm thuế phù hợp với từng Hiệp định thuế giữa Việt Nam và các nước, cụ thể:

    -  Đơn xin miễn giảm có đầy đủ thông tin về hãng tàu, điều khoản áp dụng Hiệp định thuế và cam đoan kê khai đúng của đối tượng đứng đơn;

    -  Giấy uỷ quyền của hãng tàu nước ngoài cho đại lý tàu biển Việt nam hoặc một đối tượng đại diện hợp pháp đứng đơn xin miễn giảm thuế;

    -  Giấy chứng nhận cư trú thuế là để xác định đúng được Hiệp định thuế Việt nam đã ký với nước nào để áp dụng cho phù hợp;

    -  Giấy đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký thuế là để xác định đúng phạm vi và điều khoản có liên quan của Hiệp định;

    -  Chứng từ điều hành tàu và bảng kê tổng hợp doanh thu thuộc diện miễn giảm của từng tàu để xác định đúng đối tượng được hưởng miễn giảm thuế là người điều hành trực tiếp (vận tải có phương tiện) và số thuế được miễn giảm phù hợp với phạm vi áp dụng Điều 8- Vận tải quốc tế, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

    III. Hướng dẫn xử lý các hồ sơ xin miễn giảm thuế theo Hiệp định tồn đọng từ năm 1999-2001:

    1.   Đơn giản hoá thủ tục hồ sơ xin miễn giảm thuế cước theo Hiệp định:

    - Các đại lý (hãng tàu) được phép sử dụng giấy xác nhận của cảng vụ về các tàu của hãng tàu vào cảng Việt Nam (gồm các nội dung tên đại lý, tên tàu, hãng tàu điều hành, ngày vào/rời cảng) thay cho việc xuất trình các chứng từ điều hành tàu theo quy định hiện hành. Do đó, đại lý (hãng tàu) được phép lựa chọn cung cấp một trong các chứng từ tàu đại lý (hãng tàu) có là: bản sao công chứng hoặc bản sao có xác nhận của đại lý (hãng tàu) của giấy đăng ký tàu; bản sao công chứng hoặc bản sao có xác nhận của đại lý (hãng tàu) của hợp đồng thuê tàu; bản chính hoặc bản sao có xác nhận của cảng vụ giấy phép khai thác tàu định tuyến; bản chính hoặc bản sao có xác nhận của cảng vụ giấy phép tàu vào cảng; bản chính giấy xác nhận của cảng vụ về các tàu của hãng vào cảng Việt Nam.

     - Giấy chứng nhận cư trú thuế (đã hợp pháp hoá lãnh sự): chấp nhận giấy chứng nhận cư trú thuế không ghi rõ năm nhưng phải được cấp trong hoặc sau giai đoạn 1999-2001. Quy định này chỉ áp dụng đối với các hồ sơ xin áp dụng Hiệp định giai đoạn 1999-2001. Đối với các hồ sơ từ năm 2002, áp dụng theo quy định hiện hành (tức là giấy xác nhận cư trú thuế phải ghi rõ năm cư trú tại nước nơi cấp giấy).

     - Để tạo thuận lợi cho các hãng tàu có đại lý chính/trụ sở chính của đại lý và các đại lý phụ/chi nhánh tại nhiều địa phương ở Việt nam, các đại lý/ hãng tàu nộp bản chính giấy xác nhận cư trú và giấy kinh doanh đã hợp pháp hoá lãnh sự cho Cục thuế nơi hãng tàu có đại lý chính/trụ sở chính của đại lý và bản sao (có dấu sao y của đại lý chính hoặc bản sao đã công chứng) tại các Cục thuế nơi hãng tàu có đại lý phụ/chi nhánh và ghi rõ nơi đã nộp bản chính trong đơn xin áp dụng Hiệp định.

    2. Xử lý số thuế cước còn tồn đọng giai đoạn 1999-2001

     Từ thực tế khó khăn của một số đại lý, do không lưu giữ đủ các chứng từ quy định tại thủ tục hồ sơ nêu trên và chưa hạch toán rõ các khoản thu hộ, chi hộ cho hãng tàu nước ngoài, việc xử lý tồn đọng trên cơ sở xem xét hồ sơ thực tế xin miễn của các đại lý (hãng tàu) cụ thể như sau:

     2.1. Đối với các hãng tàu định tuyến đã thanh lý hợp đồng đại lý với các doanh nghiệp Việt Nam làm đại lý tàu biển trước năm 2002 và các hãng tàu không định tuyến:

     Trên cơ sở thực tế các đại lý khó có thể liên hệ với các hãng tàu để hoàn tất hồ sơ xin miễn giảm thuế cước theo Hiệp định, Bộ Tài chính không xử lý truy thu số thuế cước còn nợ của các hãng tàu trong giai đoạn 1999-2001. Tuy nhiên, các đại lý có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Cục thuế trực tiếp quản lý giải trình rõ lý do và cung cấp cho Cục thuế các tài liệu sau:

     - Giấy xác nhận cư trú thuế, giấy đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký thuế (nếu có);

    -   Bản sao công chứng hợp đồng và biên bản thanh lý hợp đồng đại lý;

    -   Tên, địa chỉ doanh nghiệp Việt Nam làm đại lý mới của hãng tàu (nếu có);

    -   Các thông tin chi tiết về hãng tàu tại nước ngoài (tên, địa chỉ, mã số thuế); và

    -   Bảng tổng hợp số thuế cước và tiền lưu container còn nợ.

     Cục thuế xem xét thực tế để giải quyết giảm nợ thuế cước (sau khi đối chiếu số liệu trên bảng tổng hợp của đại lý với số liệu Cục thuế quản lý). Đồng thời, Cục thuế tập hợp thông tin về hãng tàu nước ngoài và số thuế miễn thực tế báo cáo Tổng cục Thuế để thực hiện việc trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài.

     2.2. Đối với các hãng tàu định tuyến đang hoạt động tại Việt nam thông qua các doanh nghiệp Việt Nam là đại lý tàu biển:

     Trên cơ sở công văn số 713 TC/TCT ngày 22/1/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục miễn giảm 1% thuế cước cho các đại lý tàu biển và hãng tàu áp dụng cho quyết toán thuế cước cho năm 2001, Tổng cục Thuế không truy thu số thuế cước nợ của các năm 1999, 2000.

     Các Cục thuế xét hồ sơ xin miễn thuế cước cho năm 2001 của các đại lý (hãng tàu) trên cơ sở đã có đủ các chứng từ quy định. Căn cứ bảng kê số thuế cước còn nợ năm 2001 cho từng tàu, Cục thuế xử lý trên cơ sở có chứng từ điều hành tàu  như sau:

    - Đối với những tàu có chứng từ điều hành tàu: Cục thuế xét miễn thuế toàn bộ số thuế cước nợ năm 2001 của những tàu đó.

     - Đối với những tàu không có chứng từ điều hành tàu: Cục thuế xử lý truy thu toàn bộ số thuế cước nợ năm 2001 của những tàu đó. Số thuế cước truy thu được chia đều cho 6 tháng và kỳ truy nộp đầu tiên thực hiện từ tháng 7 năm 2004. Sau này, nếu các đại lý (hãng tàu) có bổ sung được chứng từ tàu thì sẽ được hoàn thuế hoặc bù trừ số thuế phải nộp kỳ sau. 

       Ví dụ: Doanh nghiệp A làm đại lý cho hãng tàu B thuộc nước đã ký Hiệp định với Việt Nam có 10 tàu vận tải quốc tế phát sinh cước tại Việt nam giai đoạn 1999-2001 và A xuất trình được 3 chứng từ tàu. Cục thuế miễn toàn bộ số thuế còn nợ của 10 tàu trong giai đoạn 1999-2000. Trên cơ sở xem xét đủ hồ sơ yêu cầu và bảng kê số thuế cước còn nợ năm 2001, Cục thuế miễn toàn bộ số thuế cước còn nợ của 3 tàu có chứng từ tàu và xử lý truy thu số thuế cước nợ năm 2001 của 7 tàu không có chứng từ tàu. Số thuế cước nợ truy thu chia đều cho 6 tháng và kỳ truy nộp đầu tiên thực hiện từ tháng 7 năm 2004. Nếu đến tháng 9 năm 2004, A bổ sung 2 chứng từ tàu, Cục thuế sẽ bù trừ số thuế đã truy thu của 2 tàu này vào số thuế cước phải nộp kỳ sau của A.

     Trường hợp các hãng tàu là đối tượng cư trú thuế tại Sing-ga-po, Na-uy, Anh, Đan Mạch, U-crai-na, ấn Độ, Canada và Đài loan (là các Hiệp định thuế đang có hiệu lực, trong đó Điều 8 quy định cho miễn thuế đối với tiền lưu container) thì thu nhập từ tiền lưu container của các hãng tàu này cũng được xét theo hồ sơ xin miễn giảm thuế cước theo Hiệp định trên cơ sở nguyên tắc container đi kèm với tàu đang xem xét miễn giảm thuế cước theo bảng kê được lập theo công văn số 4870 TCT/HTQT ngày 25/12/2002 và 1635 TCT/HTQT ngày 13/5/2003 của Tổng Cục Thuế. 

    3. Hướng dẫn xác định doanh thu tính thuế cước và thu các khoản thu nhập khác ngoài cước phí:

     Doanh thu tính thuế cước là cước phí và các phụ phí khác cấu thành trong giá cước mà người thuê vận chuyển phải trả - tương tự khái niệm "cước phí" đã ghi tại Vận đơn của các hãng tàu (tức là bao gồm cước thuần và phụ phí biến động giá nhiên liệu, phụ phí rủi ro chiến tranh). Trên cơ sở này, Cục thuế kiểm tra, xác định lại doanh thu mà các đại lý đã kê khai nộp thuế cước. Trường hợp doanh thu tính thuế đại lý kê khai là cước thuần (không bao gồm các phụ phí) tức là đã tách một số chi phí ra khỏi cước để giảm số thuế cước phải nộp, đề nghị Cục thuế truy thu toàn bộ số thuế cước đã khai thiếu và phạt hành chính các đại lý này ngay sau khi ra Quyết định miễn 1% thuế cước theo Hiệp định thuế.

    Trường hợp hãng tàu phát sinh các khoản thu nhập khác ngoài cước phí như tiền lưu container (đối với những Hiệp định không quy định cho miễn thuế đối với tiền lưu container), thu nhập từ thanh lý container, phí chứng từ, v.v..., đề nghị Cục thuế truy thu theo các quy định tại Thông tư số 169/1998/TT-BTC ngày 22/12/1998 của Bộ Tài chính (5% thuế Thu nhập doanh nghiệp) chia đều cho 6 tháng thực hiện ngay sau khi ra Quyết định miễn 1% thuế cước theo Hiệp định thuế.

     IV. Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động vận tải biển quốc tế theo Hiệp định thuế từ năm 2002 trở về sau:

     1. Các đại lý (hãng tàu) có trách nhiệm quyết toán thuế cước từ năm 2002 trở  về sau với Cục thuế theo đúng quy định tại công văn số 713 TC/TCT ngày 22/1/2002 (được chi tiết tại công văn số 4870TCT/HTQT ngày 25/12/2002 và công văn số 1635 TCT/HTQT ngày 13/5/2003) và hướng dẫn đơn giản hoá thủ tục tại điểm III.1 của công văn này.

     2. Việc xác định doanh thu tính thuế cước và thu các khoản thu nhập khác ngoài cước phí được thực hiện theo nội dung hướng dẫn tại mục III.3 của công văn này.

    Bộ Tài chính thông báo để Cục thuế, Hiệp hội và các đại lý hàng hải thực hiện./.

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Thông tư 52-TC/TCT của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước
    Ban hành: 16/08/1997 Hiệu lực: 16/08/1997 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản liên quan khác
    02
    Thông tư 95/1997/TT/BTC của Bộ Tài chính của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn và giải thích nội dung các điều khoản của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước đã ký kết và có hiệu lực thi hành tại Việt Nam
    Ban hành: 29/12/1997 Hiệu lực: 29/12/1997 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản liên quan khác
    03
    Thông tư 169/1998/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ thuế áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam không thuộc hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
    Ban hành: 22/12/1998 Hiệu lực: 01/01/1999 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản liên quan khác
    04
    Thông tư 16/1999/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện thuế cước đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hoá bằng tàu biển của các hãng vận tải nước ngoài vào Việt Nam khai thác vận tải
    Ban hành: 04/02/1999 Hiệu lực: 01/01/1999 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản liên quan khác
    05
    Thông tư 37/2000/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính về hướng dẫn và giải thích nội dung các điều khoản của Hiệp định tránh đáng thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước đã ký kết và có hiệu lực thi hành tại Việt Nam
    Ban hành: 05/05/2000 Hiệu lực: 05/05/2000 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản liên quan khác
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Công văn 6873/TC/TCT giải quyết các hồ sơ tồn đọng xin miễn giảm thuế cước theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
    Số hiệu: 6873/TC/TCT
    Loại văn bản: Công văn
    Ngày ban hành: 22/06/2004
    Hiệu lực: 22/06/2004
    Lĩnh vực: Thuế-Phí-Lệ phí, Chính sách
    Ngày công báo: Đang cập nhật
    Số công báo: Theo văn bản
    Người ký: Nguyễn Thị Cúc
    Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X