Cơ quan ban hành: | Bộ Y tế | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 02/BYT-TT | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Nguyễn Trọng Nhân |
Ngày ban hành: | 27/01/1994 | Hết hiệu lực: | 30/07/1996 |
Áp dụng: | 27/01/1994 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Y tế-Sức khỏe |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ Y TẾ SỐ 02/BYT-TT NGÀY 27 THÁNG 1 NĂM 1994
HƯỚNG DẪN XÉT TẶNG DANH HIỆU THẦY THUỐC NHÂN DÂN
VÀ THẦY THUỐC ƯU TÚ LẦN THỨ 2
Thi hành Pháp lệnh ngày 30/5/1985 của Hội đồng Nhà nước quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng các nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc và Nghị định số 05/HĐBT ngày 09/1/1987 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thi hành Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước quy định các danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng các thầy thuốc, và trên cơ sở đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm của đợt phong tặng danh hiệu lần thứ nhất, Bộ Y tế hướng dẫn việc xét tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân và thầy thuốc ưu tú lần thứ hai như sau:
I- ĐỐI TƯỢNG
1. Các bác sĩ, y sĩ, thầy thuốc y học dân tộc (gọi chung là thầy thuốc) làm công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch, khám chữa bệnh, nghiên cứu y học, quản lý ở tất cả các đơn vị chuyên môn kỹ thuật y tế từ trung ương đến địa phương và y tế ngành.
2. Các thầy thuốc ở các cơ quan quản lý trong ngành y tế mà trước đó đã có đủ thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế như Nghị định 05/HĐBT đã quy định (cụ thể là: Tối thiểu phải đủ 10 năm đối với thầy thuốc nhân dân và đủ 7 năm với thầy thuốc ưu tú).
3. Các thầy thuốc đã nghỉ hưu sau năm 1988 thuộc một trong hai đối tượng trên.
Các thầy thuốc mà nhiệm vụ chính là làm công tác đào tạo tại các trường y tế không thuộc đối tượng xét tặng danh hiệu thầy thuốc mà thuộc đối tượng xét tặng danh hiệu nhà giáo.
Mỗi cá nhân chỉ được xét tặng một trong ba danh hiệu vinh dự của Nhà nước (danh hiệu nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc).
II. TIÊU CHUẨN
A.THẦY THUỐC NHÂN DÂN:
1. Đạo đức:
Trung thành với tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội. Thiết tha yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao, giàu lòng nhân ái, hết lòng vì người bệnh và sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân theo lời Bác Hồ dạy: "Lương y như từ mẫu". Khiêm tốn học hỏi, trung thực, đoàn kết và tận tình giúp đỡ đồng nghiệp, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Tôn trọng luật pháp. Luôn là tấm gương sáng trong ngành về nếp sống, tác phong và phẩm chất đạo đức.
2. Tài năng và cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân:
- Đạt thành tích xuất sắc trong nhiều năm, nâng cao được chất lượng, hiệu quả công việc thuộc lĩnh vực mình phụ trách, được đồng nghiệp và các cấp quản lý thừa nhận, đánh giá cao.
- Có nhiều đóng góp lớn xây dựng đơn vị và ngành về các mặt: phát triển chuyên môn kỹ thuật, bồi dưỡng đào tạo cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật y tế, cải tiến tổ chức quản lý, do đó nâng cao được chất lượng chuyên môn và hiệu quả phục vụ.
- Có công trình nghiên cứu khoa học, sáng kiến hay ứng dụng khoa học kỹ thuật có giá trị về y học hiện đại hoặc y học cổ truyền dân tộc đã được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Các công trình nghiên cứu khoa học, sáng kiến phải được Hội đồng khoa học cấp Bộ trở lên công nhận, xếp hạng cao.
3. Thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế: thực hiện như Điều 2 của Nghị định 05/HĐBT ngày 09/1/1987 của Hội đồng Bộ trưởng đã quy định.
Tóm lại, thầy thuốc nhân dân là người thầy thuốc có phẩm chất đạo đức mẫu mực, trong sáng, được đồng nghiệp và nhân dân tín cẩn, kính trọng, có uy tín rộng rãi trong ngành và trong xã hội.
B. THẦY THUỐC ƯU TÚ:
1. Đạo đức: (Như thầy thuốc nhân dân)
2. Tài năng và cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
- Đạt thành tích tốt nhiều năm, nâng cao được chất lượng, hiệu quả công việc thuộc lĩnh vực mình phụ trách, được đồng nghiệp và cấp quản lý trực tiếp thừa nhận.
- Có nhiều đóng góp tích cực xây dựng đơn vị và ngành về các mặt: phát triển chuyên môn kỹ thuật, bồi dưỡng đào tạo cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật y tế, cải tiến tổ chức quản lý, do đó nâng cao chất lượng chuyên môn và hiệu quả phục vụ.
- Có đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hoặc giải pháp hữu ích có giá trị thuộc y học hiện đại hay y học cổ truyền dân tộc được ứng dụng rộng rãi có hiệu quả thiết thực ở đơn vị, địa phương.
Các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến này phải được hội đồng khoa học của đơn vị trực thuộc Bộ, của Sở Y tế hoặc bệnh viện tỉnh công nhận, xếp hạng cao.
3. Thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế: thực hiện như Điều 3 của Nghị định 05/HĐBT ngày 9/1/1987 của Hội đồng Bộ trưởng đã quy định.
Tóm lại, thầy thuốc ưu tú là người thầy thuốc có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực, có tài năng và thành tích xuất sắc trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, được bệnh nhân, đồng nghiệp và nhân dân tin tưởng, quý mến.
C. MỘT SỐ NGUYÊN TẮC XÉT CHỌN THẦY THUỐC NHÂN DÂN
VÀ THẦY THUỐC ƯU TÚ:
1. Danh hiệu thầy thuốc nhân dân hay thầy thuốc ưu tú chỉ tặng một lần cho mỗi cá nhân. Người đã đạt danh hiệu thầy thuốc ưu tú, qua quá trình phấn đấu có thể được xét tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân nếu dạt tiêu chuẩn.
2. Tiêu chuẩn hàng đầu phải là phẩm chất đạo đức. Tài năng nghề nghiệp và quá trình cống hiến cho ngành là tiêu chuẩn rất quan trọng. Tiêu chuẩn về thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế chỉ là điều kiện tối thiểu, không phải là điều kiện quyết định trong việc xét chọn.
Các đơn vị, địa phương cần vận dụng chặt chẽ các tiêu chuẩn để xét chọn được những thầy thuốc có đức, có tài, tiêu biểu cho ngành để đề nghị xét tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân và thầy thuốc ưu tú.
3. Những người đang bị kỷ luật không thuộc đối tượng xét chọn đợt này.
4. Đối với các thầy thuốc hiện đang công tác ở các cơ quan quản lý y tế:
- Thời kỳ trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế được bình xét ở cơ sở chuyên môn kỹ thuật phải đạt tiêu chuẩn thầy thuốc nhân dân hay thầy thuốc ưu tú.
- Thời kỳ làm công tác quản lý cũng phải phát huy các thành tích đã đạt được đóng góp tích cực xây dựng ngành.
5. Việc xét chọn phải căn cứ vào tiêu chuẩn là chủ yếu, nhưng cần vận dụng hợp lý đối với cán bộ có quá trình tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc ít người, cán bộ công tác ở các vùng cao hẻo lánh đã có nhiều đóng góp tích cực và có hiệu quả trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
III- THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG XÉT TẶNG DANH HIỆU
THẦY THUỐC NHÂN DÂN VÀ THẦY THUỐC ƯU TÚ CÁC CẤP (GỌI TẮT LÀ HỘI ĐỒNG XÉT TẶNG
DANH HIỆU THẦY THUỐC)
A. NHIỆM VỤ VÀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG CÁC CẤP
1. Chỉ đạo và đôn đốc việc xét tặng danh hiệu thầy thuốc ở các Bộ, đơn vị, địa phương đảm bảo chất lượng, thời gian và theo đúng các văn bản của Nhà nước, Chính phủ và Bộ Y tế đã quy định.
2. Hội đồng có nhiệm vụ xét chọn và đề nghị lên Hội đồng cấp trên danh sách những cá nhân đạt danh hiệu thầy thuốc nhân dân và thầy thuốc ưu tú.
3. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc dân chủ, tập thể và bầu phiếu kín. Phải có trên 2/3 tổng số thành viên hội đồng dự họp, phiên họp mới hợp lệ. Chỉ những cá nhân đạt trên 2/3 số phiếu tín nhiệm của tổng số các thành viên hội đồng mới được đề nghị lên Hội đồng cấp trên xem xét.
B. THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG CÁC CẤP:
1. Hội đồng Trung ương:
Được thành lập theo Quyết định số 39/CT ngày 14/2/1987 và Quyết định số 148/CT ngày 17/5/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Bộ trưởng Bộ Y tế là Chủ tịch Hội đồng Trung ương.
2. Hội đồng cấp Bộ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Có 9 đến 15 thành viên do Bộ trưởng ra quyết định thành lập.
Hội đồng gồm có: Một đồng chí lãnh đạo Bộ là Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch công đoàn ngành là Phó Chủ tịch (nếu Bộ không có tổ chức công đoàn ngành dọc thì Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ là Phó Chủ tịch), các uỷ viên là Vụ trưởng một số Vụ chức năng, đồng chí phụ trách y tế ngành, một số thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú (nếu có) hoặc các thầy thuốc có năng lực và uy tín đại diện cho các hệ nội, ngoại, y học dự phòng...
3. Hội đồng ở các địa phương (Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập một Hội đồng cấp tỉnh, có 9 đến 15 thành viên do Giám đốc Sở Y tế đề nghị và đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định thành lập.
Hội đồng gồm có: đồng chí Giám đốc Sở Y tế làm Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch công đoàn ngành y tế địa phương là Phó Chủ tịch, các uỷ viên là: Trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở, trưởng phòng nghiệp vụ Sở, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Sở, Chủ tịch Hội đồng y học cổ truyền dân tộc của tỉnh, Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh, thầy thuốc ưu tú (nếu có) hoặc các thầy thuốc có năng lực và uy tín đại diện cho các hệ nội, ngoại, y học dự phòng...
4. Hội đồng ở các đơn vị trực thuộc Bộ có 9 đến 15 thành viên do thủ trưởng đơn vị ra quyết định thành lập.
Hội đồng gồm có: Thủ trưởng đơn vị là Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch công đoàn đơn vị là Phó Chủ tịch, các uỷ viên là: Trưởng phòng tổ chức cán bộ, trưởng phòng nghiệp vụ (hay y vụ), một số thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú (nếu có) hoặc các thầy thuốc có uy tín đại diện cho các khoa, phòng trong đơn vị.
Ở tất cả các Hội đồng các cấp, đều thành lập ban (hay tổ) thư ký để giúp việc Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng ra quyết định.
IV. QUY TRÌNH XÉT CHỌN DANH HIỆU THẦY THUỐC
NHÂN DÂN VÀ THẦY THUỐC ƯU TÚ
Bước 1: Chuẩn bị và quán triệt văn bản xét tặng ở cấp cơ sở.
Họp liên tịch Đảng, chính quyền, công đoàn, thanh niên để quán triệt văn bản, quyết định kế hoạch triển khai và thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu thầy thuốc ở đơn vị, địa phương.
Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn các văn bản: Pháp lệnh ngày 30/5/1985. Nghị định số 05/HĐBT ngày 09/01/1987 và Thông tư hướng dẫn xét tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân và thầy thuốc ưu tú lần thứ hai đến toàn thể cán bộ, công nhân viên y tế thuộc đơn vị, địa phương mình quản lý.
Bước 2: Đề cử quần chúng.
Sau khi đã nghiên cứu, thảo luận để nắm vững các văn bản xét tặng, quần chúng họp lại, đối chiếu các tiêu chuẩn với thành tích từng cá nhân để đề cử những người xứng đáng đạt danh hiệu ở đơn vị, địa phương mình.
Từng đơn vị, địa phương phải lập danh sách những người được đề cử, kèm theo bản tóm tắt thành tích từng người để niêm yết công khai.
Nếu có điều kiện, có thể tổ chức cho những người được đề cử báo cáo thành tích cá nhân trước quần chúng toàn đơn vị.
Bước 3: Bầu phiếu kín trong Hội nghị thầy thuốc cơ sở.
- Ở các đơn vị trực thuộc Bộ, việc bầu phiếu kín thực hiện trong toàn đơn vị.
- Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị bầu được quy định như sau:
Bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa cấp tỉnh.
Văn phòng Sở Y tế kết hợp với các trạm, trung tâm, đơn vị thuộc Sở.
Trung tâm (hay phòng) y tế huyện, quận bao gồm cả bệnh viện huyện, quận, các đội và đơn vị thuộc trung tâm (hay phòng) y tế, các trạm y tế xã, phường.
Người được tham gia bầu: các thầy thuốc (bác sĩ, y sĩ, thầy thuốc y học dân tộc), dược sĩ đại học và các cán bộ đại học khác cùng đơn vị công tác.
Kết quả bầu phiếu kín chỉ có giá trị khi có trên 2/3 số người được đi bầu tham gia bỏ phiếu. Chỉ những thầy thuốc nào đạt trên 60% số phiếu tín nhiệm của những người đi bầu mới được đề nghị đưa ra xem xét tại Hội đồng cấp cơ sở.
Sau khi kiểm phiếu, ban bầu cử phải niêm yết hoặc thông báo công khai danh sách những người đạt số phiếu tín nhiệm trong toàn đơn vị, địa phương để quần chúng góp ý.
Bước 4: Xét tặng danh hiệu thầy thuốc tại các Hội đồng.
- Tại Hội đồng cấp cơ sở (Hội đồng cấp tỉnh hoặc Hội đồng ở đơn vị trực thuộc Bộ).
Sau khi nghiên cứu kỹ các thành tích cá nhân đối chiếu với tiêu chuẩn xét tặng và được nghe ý kiến phản ánh của quần chúng, của các phòng chức năng, công đoàn, thanh tra, Hội đồng họp thảo luận và bầu phiếu kín.
Danh sách trúng cử phải được niêm yết hoặc thông báo công khai trong toàn đơn vị, địa phương. Sau khi lấy ý kiến quần chúng, Hội đồng họp lần cuối để quyết định lập danh sách đề nghị lên Hội đồng cấp trên.
- Tại Hội đồng cấp Bộ; sau khi nghiên cứu danh sách đề nghị của các đơn vị địa phương thuộc Bộ quản lý, Hội đồng họp, thảo luận, xem xét và bầu phiếu kín.
Danh sách những người đạt số phiếu tín nhiệm thầy thuốc nhân dân và thầy thuốc ưu tú phải được đưa ra thăm dò trong toàn ngành. Sau khi đã nghe ý kiến phản ánh của các đơn vị, địa phương, Hội đồng họp lần cuối để quyết định lập danh sách đề nghị lên Hội đồng trung ương.
V. HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÉT TẶNG DANH HIỆU THẦY
THUỐC NHÂN DÂN VÀ THẦY THUỐC ƯU TÚ
A. HỒ SƠ CÁ NHÂN
1. Bản thành tích cá nhân (mẫu 2) không quá 3 trang đánh máy, có xác nhận của thủ trưởng trực tiếp (ký tên, đóng dấu): nộp về Bộ 3 bản.
2. Bản thành tích nghiên cứu khoa học, sáng kiến (mẫu 3) có xác nhận của thủ trưởng đơn vị (ký tên, đóng dấu): nộp về Bộ 3 bản.
B. HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CỦA HỘI ĐỒNG CẤP DƯỚI
1. Tờ trình lên Hội đồng cấp trên.
2. Báo cáo về quy trình xét tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân và thầy thuốc ưu tú của Bộ, ngành, đơn vị, địa phương.
3. Danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân và thầy thuốc ưu tú (mẫu 1): nộp về Bộ 3 bản.
4. Quyết định thành lập Hội đồng.
5. Biên bản bầu phiếu của Hội đồng (mẫu 4): nộp về Bộ 3 bản.
6. Biên bản bầu phiếu của quần chúng: nộp về Bộ 3 bản.
7. Các ý kiến phản ánh của quần chúng (có biên bản).
VI- THỜI GIAN TIẾN HÀNH
Để kịp trình Chính phủ và Chủ tịch nước ra quyết định phong tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân và thầy thuốc ưu tú vào ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/7/1995), việc xét chọn danh hiệu thầy thuốc ở các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương phải đảm bảo thời gian quy định như sau:
Ngày 30/6/1994 là hạn cuối cùng các đơn vị địa phương nộp danh sách kèm theo hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân và thầy thuốc ưu tú lên Hội đồng Bộ, ngành.
Ngày 30/8/1994 là hạn cuối cùng của Hội đồng cấp Bộ, ngành nộp danh sách kèm theo hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân và thầy thuốc ưu tú lên Hội đồng Trung ương (Bộ Y tế, 138A Giảng Võ - Hà Nội).
Nhận được Thông tư này, các đơn vị địa phương, Bộ, ngành căn cứ vào nội dung của Pháp lệnh ngày 30/5/1985. Nghị định 05/HĐBT ngày 09/1/1987 và Thông tư này để hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện.
Thông tư này thay thế cho Thông tư số 14/BYT/TT ngày 07 tháng 04 năm 1987 của Bộ Y tế.
Hiện nay Bộ Y tế đang đề nghị Nhà nước cho phép mở rộng diện đối tượng xét tặng danh hiệu cao quý này cho các cán bộ dược và các đối tượng khác của ngành y tế. Nếu được Nhà nước chấp thuận, Bộ sẽ có hướng dẫn bổ sung sau.
01
|
Văn bản thay thế |
02
|
Văn bản được hướng dẫn |
03
|
Văn bản dẫn chiếu |
04
|
Văn bản dẫn chiếu |
Thông tư hướng dẫn xét tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân và thầy thuốc ưu tú lần thứ hai
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Y tế |
Số hiệu: | 02/BYT-TT |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 27/01/1994 |
Hiệu lực: | 27/01/1994 |
Lĩnh vực: | Y tế-Sức khỏe |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Nguyễn Trọng Nhân |
Ngày hết hiệu lực: | 30/07/1996 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!