Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 23/2000/TT-BTC | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Trần Văn Tá |
Ngày ban hành: | 27/03/2000 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 20/01/2000 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
THÔNG TƯ
BỘ TÀI CHÍNH SỐ 23/2000/TT- BTC NGÀY 27 THÁNG 3 NĂM 2000
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 05 /2000/QĐ-TTG
NGÀY 05 THÁNG 01 NĂM 2000 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 95/1998/QĐ-TTG
NGÀY18 THÁNG 5 NĂM 1998 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
VỀ XỬ LÝ, THANH TOÁN NỢ GIAI ĐOẠN II.
Thi hành Quyết định số 05 /2000/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 95/1998/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý thanh toán nợ giai đoạn II. Sau khi có ý kiến tham gia của Ngân hàng Nhà nước tại công văn số 41/CV-TD.3 ngày 27 tháng 01 năm 2000; Bộ Tài chính hướng dẫn những điểm sửa đổi, bổ sung về xử lý, thanh toán và hạch toán kế toán công nợ giai đoạn II như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:
- Các bên có nợ phải thu, phải trả đã kê khai xác nhận nợ, hoặc chưa kê khai nhưng đã được đối chiếu, xác nhận của chủ nợ và con nợ theo Quyết định số 277/CT ngày 29/7/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và đề án thanh toán công nợ giai đoạn II là đối tượng thi hành Thông tư này .
- Xử lý, thanh toán nợ giai đoạn II căn cứ vào quy định của đề án Tổng thanh toán nợ giai đoạn II, Quyết định số 95/1998/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 1998, Thông tư Liên tịch của Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước số 102/1998/TTLT-BTC-NHNN ngày18 tháng 7 năm 1998 và Quyết định số 05 /2000/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung xử lý, thanh toán nợ giai đoạn II, Pháp luật tại thời điểm phát sinh nợ và Thông tư này .
- Các bên chủ nợ, con nợ là người chịu trách nhiệm trong việc xử lý, thanh toán những khoản nợ thuộc đối tượng nợ giai đoạn II của đơn vị mình.
- Ban thanh toán nợ các cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra giám sát tình hình thực hiện xử lý, thanh toán nợ và kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý hành chính, hoặc pháp luật đối với các đơn vị có nợ, mà không thực hiện trách nhiệm xử lý, thanh toán nợ.
- Các tổ chức, cá nhân bảo lãnh, hoặc cho phép các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức Kinh tế- Chính trị - Xã hội vay vốn, mua bán trả chậm vật tư, hàng hoá phải chịu trách nhiệm trả nợ thay, nếu đối tượng mà mình bảo lãnh hoặc cho phép không trả được nợ. Đối tượng được trả nợ thay phải hoàn trả nợ cho tổ chức, cá nhân bảo lãnh, hoặc cho phép.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Căn cứ xử lý nợ.
Trường hợp hồ sơ để xử lý nợ không đủ theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 102/1998/TTLT-BTC-NHNN ngày 18 tháng 7 năm 1998 của Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Quyết định số 95/1998/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, thanh toán nợ giai đoạn II, thì tối thiểu phải có những căn cứ sau:
- Thẻ xác nhận nợ ( đã được xác nhận của con nợ), hoặc biên bản đối chiếu nợ được chủ nợ và con nợ xác nhận.
- Biên bản phân tích nguyên nhân phát sinh nợ của Ban thanh toán nợ cấp tỉnh đối với các doanh nghiệp thuộc địa phương, của Ban thanh toán nợ Bộ, ngành đối với các doanh nghiệp thuộc Trung ương.
Đối với những trường hợp con nợ đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động không còn đầy đủ hồ sơ theo quy định, thì cơ quan quyết định thành lập, Ban thanh toán nợ cùng cấp lập biên bản xác nhận không còn đủ hồ sơ như quy định để làm cơ sở xử lý, đồng thời phải có trách nhiệm thông báo cho chủ nợ về quyết định giải thể, hoặc có văn bản xác nhận về việc đơn vị đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động (thời điểm giải thể, phá sản, ngừng hoạt động và thực trạng tài chính của doanh nghiệp).
- Khoản nợ được phán quyết bằng văn bản của Trọng tài kinh tế Nhà nước, bản án dân sự của Toà án mà chưa lập thẻ xác nhận nợ thì bản phán quyết đó được coi là căn cứ để thanh toán và xử lý nợ.
2. Về tỷ giá ngoại tệ.
- Các đơn vị lập thẻ đòi nợ quyền sử dụng ngoại tệ đã được con nợ xác nhận; nếu trước kia con nợ đã trả đủ tiền đối giá theo tỷ giá quyết toán nội bộ do Nhà nước quy định thì được coi là đã thanh toán cho chủ nợ .
- Tỷ giá các loại ngoại tệ để thanh toán được quy định tại thời điểm kê khai nợ 30/ 4 /1991 như sau:
+ Đô la Mỹ: 7.900 đồng/ USD.
+ Vàng: 373.000 đồng / chỉ.
+ Yên : 76 đồng/ Yên.
+ Frăng: 1.420 đồng/.Fr.
+ Nhân dân tệ: 886 đồng/ NDT.
+ Rúp : 4000 đ/Rúp.
Các loại ngoại tệ khác được quy đổi ra USD ( đô la Mỹ) theo tỷ giá tại thời điểm kê khai nợ ( 30/4/1991).
3. Thẩm quyền quyết định xử lý nợ.
a. Đối với khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước do Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc, Giám đốc (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) có trách nhiệm xử lý nợ theo các nguyên tắc sau:
Đối với nợ phải thu của doanh nghiệp mà con nợ đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động hoặc con nợ còn tồn tại nhưng không có khả năng chi trả... được hạch toán vào quỹ dự phòng tài chính, nếu thiếu thì hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với các khoản nợ phải trả nhưng không còn đối tượng để trả thì doanh nghiệp được hạch toán vào thu nhập bất thường.
Đối với các khoản nợ phải thu nhỏ mà chi phí đi đòi nợ ( theo dự toán ) lớn hơn giá trị khoản nợ phải thu, thì hạch toán vào quỹ dự phòng tài chính, nếu thiếu thì hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tự chịu trách nhiệm không phải trình các cơ quan quản lý Nhà nước. Khi xử lý các khoản nợ trên, doanh nghiệp vẫn phải theo dõi ngoại bảng và tiếp tục thu nợ , khi thu được nợ hạch toán vào thu nhập bất thường của doanh nghiệp.
b. Đối với khoản nợ (phải thu) của Ngân hàng Thương mại quốc doanh đã lên lưới thanh toán, có xác nhận của Ban thanh toán nợ địa phương( số nợ đã xác nhận, tình trạng tài chính, khả năng thanh toán), các Ngân hàng Thương mại quốc doanh được quyết định xử lý như đối với các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a nêu trên và báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Những khoản nợ được chuyển từ vốn vay của Ngân hàng thành vốn cấp của Ngân sách Nhà nước thì Ngân hàng Thương mại phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước để báo cáo với Bộ Tài chính xem xét ra quyết định giảm vốn cấp cho các Ngân hàng Thương mại và tăng vốn cho các doanh nghiệp được chuyển từ vốn vay thành vốn cấp.
Hàng tháng các Ngân hàng Thương mại quốc doanh phải báo cáo tiến độ xử lý nợ về Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
c) Đối với các khoản doanh nghiệp nợ Ngân sách do cơ quan Tài chính cùng cấp chủ trì xử lý theo quy định tại Thông tư liên tịch số 102/1998/TTLT-BTC-NHNN ngày 18 tháng 7 năm 1998 của Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước (Bộ Tài chính xử lý đối với các doanh nghiệp nợ Ngân sách Trung ương và Sở Tài chính xử lý đối với các doanh nghiệp nợ Ngân sách địa phương), hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định.
d) Đối với khoản doanh nghiệp nợ Dự trữ Quốc gia do Cục Dự trữ Quốc gia chủ trì xử lý. Trước khi xử lý phải có sự tham gia của Ban thanh toán nợ địa phương trên cơ sở chế độ đã quy định về thanh toán nợ, xử lý nợ. Cục Dự trữ Quốc gia tổng hợp số nợ đã xử lý, báo cáo Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương, Bộ Tài chính để Bộ Tài chính ra quyết định giảm vốn cho Cục Dự trữ Quốc gia. Hàng tháng Cục Dự trữ Quốc gia báo cáo tiến độ xử lý với Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương, Bộ Tài chính.
đ) Đối với khoản nợ do các Bộ, ngành, địa phương đứng ra bảo lãnh, hoặc cho phép doanh nghiệp kinh doanh vay, mua vật tư, hàng hoá theo phương thức trả chậm nước ngoài được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Quyết định số 05/2000/QĐ-TTg ngày 5 tháng 01 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 95/1998/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, thanh toán nợ giai đoạn II.
4. Đối với những khoản nợ phải thu do nguyên nhân chủ quan, sau khi đã xác định người phải bồi thường vật chất thì phải có quyết định cụ thể mức bồi thường vật chất, phần chênh lệch giữa số nợ phải thu với số tiền đã bồi thường cũng được hạch toán vào quỹ dự phòng tài chính, nếu thiếu được hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
5. Đối với các khoản nợ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nếu chủ nợ được xác nhận không đòi được, thì chủ nợ chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra, trong thời gian không quá 6 tháng, cơ quan điều tra phải có kết luận và chuyển hồ sơ cho Toà án kinh tế để xét xử. Sau khi xét xử Toà án thông báo cho chủ nợ và các cơ quan có liên quan biết số nợ mà chủ nợ được thu, những khoản không có khả năng thu. Khoản nợ không thu hồi này, được lấy quỹ dự phòng tài chính bù đắp, nếu thiếu hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (nếu là khoản nợ của doanh nghiệp) hoặc xử lý giảm vốn của Dự trữ Quốc gia, xoá nợ phải trả cho Ngân sách (nếu là nợ Dự trữ Quốc gia và nợ Ngân sách). Sau khi xử lý có thu được nợ bằng tài sản thì doanh nghiệp tính ra giá trị và hạch toán vào thu nhập bất thường của doanh nghiệp (nếu là khoản nợ của doanh nghiệp) hoặc nộp vào Ngân sách Nhà nước địa phương (nếu là nợ Dự trữ Quốc gia và nợ Ngân sách Nhà nước).
6. Đối với những khoản nợ đã có quyết định của Toà án, phán quyết của Trọng tài kinh tế Nhà nước, thì chủ nợ phải đòi nợ ; nếu con nợ còn khả năng thanh toán thì chủ nợ đề nghị cơ quan Thi hành án thực hiện cưỡng chế để thu hồi nợ theo Thông tư Liên ngành số 05/TTLN ngày 21/8/1992 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn giải quyết một số vấn đề liên quan đến thực hiện tổng thanh toán nợ. Số chênh lệch giữa số phải thu và số tiền thực thu hạch toán vào quỹ dự phòng tài chính, nếu thiếu thì hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
7. Các doanh nghiệp nhà nước được xử lý một lần, hoặc nhiều lần các khoản nợ không đòi được vào quỹ dự phòng tài chính, nếu thiếu thì hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 năm. Nếu việc xử lý vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm mà doanh nghiệp bị giảm lãi, hoặc tăng lỗ tương ứng với số nợ không đòi được của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp vẫn được hưởng các quyền lợi sau:
- Được tiếp tục vay vốn Ngân hàng để sản xuất kinh doanh nếu đủ các điều kiện khác theo quy định của các Ngân hàng Thương mại quốc doanh.
- Được hưởng quỹ tiền lương như trước khi hạch toán khoản nợ khó đòi vào kết quả sản xuất kinh doanh.
- Được giữ nguyên hạng của doanh nghiệp đã xếp hạng.
- Được trích các quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi như trước khi xử lý nợ theo quy định của chế độ hiện hành.
8. Đối với 2 doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động có nợ lẫn nhau (đã xác nhận), nếu không trực tiếp thanh toán được nợ, thì doanh nghiệp báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp để xử lý ghi tăng vốn Nhà nước cho doanh nghiệp là con nợ và giảm vốn cho doanh nghiệp là chủ nợ ( số vốn giảm của chủ nợ tối đa chỉ bằng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp). Sở Tài chính Vật giá báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định tăng, giảm vốn đối với doanh nghiệp do địa phương quản lý, Bộ Tài chính ra quyết định tăng, giảm vốn đối với doanh nghiệp do Trung ương quản lý.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các chủ nợ, con nợ thuộc phạm vi quản lý của mình, khẩn trương phân tích, phân loại và giải quyết dứt điểm việc xử lý thanh toán nợ giai đoạn II theo quy định trên đây. Các trường hợp không quy định trong Thông tư này được xử lý theo chế độ hiện hành.
2. Ban thanh toán nợ các cấp (Thường trực là cơ quan Tài chính) đôn đốc, kiểm tra việc xử lý nợ của các doanh nghiệp có nợ đã kê khai nợ giai đoạn II và kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật những giám đốc doanh nghiệp không thực hiện xử lý, thanh toán nợ đối với doanh nghiệp.
Đối với những khoản nợ vượt thẩm quyền xử lý của doanh nghiệp, thì Ban thanh toán nợ có trách nhiệm thẩm định phương án xử lý nợ khi doanh nghiệp trình cấp có thẩm quyền xử lý.
Mọi tổ chức và cá nhân giả mạo chứng từ, lợi dụng việc xử lý, thanh toán nợ làm thất thoát tài sản Nhà nước, mưu lợi cá nhân đều bị xử lý theo Pháp luật hiện hành .
Hàng tháng Ban thanh toán nợ các cấp báo cáo kết quả thanh toán , xử lý nợ giai đoạn II cho Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương chậm nhất vào ngày mồng 5 của tháng sau để tổng hợp báo Thủ tướng Chính phủ.
3. Ngoài những điểm quy định trong Thông tư này việc xử lý thanh toán nợ giai đoạn II vẫn thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 102/1998/TTLT-BTC-NHNN ngày 18 tháng 7 năm 1998 của Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Quyết định số 95/1998/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ .
Thông tư này có hiệu lực từ ngày có hiệu lực thi hành Quyết định số 05/2000/QĐ-TTg ngày 5 tháng 01 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 95/1998/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, thanh toán nợ giai đoạn II.
Trong quá trình thực hiện có những vấn đề vướng mắc các Bộ, ngành và địa phương phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương để nghiên cứu, giải quyết.
Thông tư 23/2000/TT- BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 05/2000/QĐ-TTg
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Tài chính |
Số hiệu: | 23/2000/TT-BTC |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 27/03/2000 |
Hiệu lực: | 20/01/2000 |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Trần Văn Tá |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!