hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 28/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nếu bị "kết tội", loạt "công trạng" có giúp bà Phương Hằng được giảm án?

Theo Công an TP.HCM, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân khác. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận loạt "công trạng" của bà Hằng trên thực tế.

Loạt "việc thiện" của bà Phương Hằng trước khi bị tạm giam

Ngoài hoạt động kinh doanh, bà Nguyễn Phương Hằng cùng chồng là ông Huỳnh Uy Dũng cũng dành nhiều sự quan tâm đến các hoạt động xã hội, tài trợ cho các tổ chức từ thiện, giáo dục và y tế...

Từ năm 2015, vợ chồng ông Dũng bà Hằng đã đồng sáng lập Quỹ thiện nguyện Hằng Hữu và tuyên bố sử dụng 100% lợi nhuận của Công ty cổ phần Đại Nam trong khoảng thời gian từ 2014 đến 2030 để phục vụ cho công tác từ thiện xã hội. 

Quỹ đã liên kết với một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng thông qua chương trình "Trái tim Hằng Hữu" để tài trợ trang thiết bị và kinh phí mổ tim cho hơn 500 trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh và não úng thuỷ trên khắp cả nước mỗi năm.

Tuy nhiên, vào ngày 23/6/2021, Quỹ bất ngờ thông báo tạm ngừng tài trợ các chương trình thiện nguyện từ tháng 10/2021 trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến Công ty cổ phần Đại Nam phải tạm dừng tất cả các hoạt động kinh doanh dịch vụ của mình.

Ngoài Quỹ thiện nguyện Hằng Hữu, kể từ năm 2017, bà Hằng và chồng đã tham gia đóng góp, ủng hộ hàng tỷ đồng cho "Quỹ doanh nhân với An ninh trật tự tỉnh Đồng Nai" nhằm giúp đỡ những người đã chấp hành xong án tù và những người đã được giáo dưỡng, trở lại hoà nhập với cộng đồng. 

Ngày 04/3/2019, vợ chồng bà Hằng ông Dũng cũng đã dành tặng 200 tỷ đồng để ủng hộ cho người dân nghèo tại quê nhà Bình Định của ông Dũng...

ba hang co duoc giam nhe trach nhiem hinh su khong
Trước khi bị tạm giam, bà Hằng thường xuyên đi làm từ thiện (Ảnh minh họa)
 

Làm nhiều việc thiện có giúp bà Phương Hằng được giảm án?

Theo Điều 50 Bộ luật Hình sự 2015, khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Như vậy, có hai yếu tố chính để quyết định đến loại hình phạt và mức hình phạt đó là yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi. Trường hợp yếu tố nhân thân tốt nhưng hành vi nghiêm trọng, hình phạt cũng vẫn nghiêm khắc. Trường hợp nhân thân xấu nhưng hành vi ít nguy hiểm cho xã hội, hình phạt cũng chỉ ở mức độ đủ để giáo dục cải tạo. Do đó, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay nhân thân cũng chỉ là một trong những yếu tố quyết định đến loại hình phạt và mức hình phạt.

Hiện nay, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) như sau:

- Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

- Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

- Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

- Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

- Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

- Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

- Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

- Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

- Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

- Phạm tội vì bị người khác đe doạ hoặc cưỡng bức;

- Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

- Phạm tội do lạc hậu;

- Người phạm tội là phụ nữ có thai;

- Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

- Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

- Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

- Người phạm tội tự thú;

- Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

- Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

- Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

- Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

- Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

- Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Như vậy, trường hợp nếu bà Hằng bị kết tội và nhiều bằng chứng cho thấy bà Hằng có nhiều thành tích trong việc làm từ thiện, cống hiến cho đất nước và được Ủy ban nhân dân hoặc các cơ quan tương đương tặng bằng khen, giấy khen cũng có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Lúc này, hình phạt sẽ ít nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, Tòa án cũng sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và đánh giá hậu quả của hành vi đã gây ra đối với xã hội để có hình phạt phù hợp.

Ngoài ra, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này (Điều 54).

Bà Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015. Khung hình phạt cao nhất với tội này lên đến 07 năm tù giam.

  Trên đây là giải đáp với loạt "công trạng", bà Hằng có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Bị tạm giam, bà Phương Hằng bị hạn chế những quyền gì?

Có thể bạn quan tâm

X