hieuluat

Nghị định 46/2009/NĐ-CP quy định, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành: Chính phủ Số công báo: 269 & 270 - 05/2009
    Số hiệu: 46/2009/NĐ-CP Ngày đăng công báo: 27/05/2009
    Loại văn bản: Nghị định Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành: 13/05/2009 Hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Áp dụng: 27/06/2009 Tình trạng hiệu lực: Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực: Công nghiệp, An ninh quốc gia
  • NGHỊ ĐỊNH

    CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 46/2009/NĐ-CP NGÀY 13 THÁNG 05 NĂM 2009  

    QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH

    MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

     

     

    CHÍNH PHỦ

               

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

    Căn cứ Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng ngày 26 tháng 01 năm 2008;

    Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

     

    NGHỊ ĐỊNH:

               

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

    Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành điểm d khoản 1 Điều 5 Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng về xuất khẩu, nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng; khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng về lập danh sách các cơ sở công nghiệp quốc phòng; khoản 4 Điều 8 Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng về hoạt động liên doanh, liên kết của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt; khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng về Danh mục sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh; Điều 18 Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng về nhập khẩu và dự trữ vật tư kỹ thuật cho công nghiệp quốc phòng; Điều 20 Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng về nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng; điểm b khoản 1 Điều 21 Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng về chính sách của Nhà nước đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt; Điều 23 Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng về chính sách đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

    Điều 2. Xuất khẩu, nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng

    1. Nguyên tắc xuất khẩu, nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng:

    a) Xuất khẩu, nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng phải: thực hiện theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuân thủ pháp luật, các quy định của Nhà nước, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; được quản lý chặt chẽ, bảo đảm bí mật, an toàn, hiệu quả;

    b) Chỉ nhập khẩu hàng quốc phòng có tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn hoặc tương đương hàng quốc phòng do cơ sở công nghiệp quốc phòng sản xuất trong trường hợp trong nước không đáp ứng được nhu cầu về số lượng;

    c) Cấm nhập khẩu, mua sắm sản phẩm là vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự của tổ chức, cá nhân nước ngoài không rõ lai lịch, nguồn gốc, xuất xứ; gian lận thương mại; không bảo đảm tính năng kỹ thuật, chiến thuật, mục đích sử dụng;

    d) Xuất khẩu, nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng được thực hiện thông qua các hợp đồng.

    2. Hàng quốc phòng đảm bảo cho quân đội thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng bao gồm: vũ khí, trang bị kỹ thuật, các dây chuyền công nghệ, sản phẩm công nghệ, dịch vụ, vật tư và các hàng hoá khác.

    3. Hàng quốc phòng gồm 2 loại: hàng chuyên dùng quân sự và hàng lưỡng dụng.

    a) Hàng chuyên dùng quân sự bao gồm: vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ, vật tư chuyên dùng quốc phòng;

    b) Hàng lưỡng dụng bao gồm: trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ, vật tư, hàng hoá, có thể sử dụng cho quốc phòng và cả trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.

    4. Nhập khẩu hàng quốc phòng trực tiếp từ nước ngoài để phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của quân đội, bằng các nguồn ngân sách nhà nước giao Bộ Quốc phòng quản lý.

    5. Xuất khẩu hàng quốc phòng bao gồm: các vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự; các sản phẩm, công nghệ, dịch vụ chuyên dùng cho quân sự, quốc phòng của công nghiệp quốc phòng; các hàng quân sự mua sắm giúp hoặc viện trợ cho quân đội các nước theo Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hôị chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    6. Mua sắm hàng quốc phòng bao gồm: các trang thiết bị, vật tư kỹ thuật, hàng hoá khác phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của quân đội bằng các nguồn ngân sách nhà nước giao Bộ Quốc phòng quản lý.

    7. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan quy định trình tự, thủ tục xuất, nhập khẩu và mua sắm hàng quốc phòng; xây dựng kế hoạch và tổ chức quản lý chặt chẽ việc xuất khẩu, nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng.

    Điều 3. Cơ sở công nghiệp quốc phòng

    1. Tiêu chí để được công nhận là cơ sở công nghiệp quốc phòng

    a) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập theo quy định của pháp luật;

    b) Đủ điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

    c) Được Nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch để sản xuất, cung ứng một hoặc một số sản phẩm, chi tiết sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh.

    2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ, ngành liên quan lập danh sách các cơ sở công nghiệp quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở tiêu chí được quy định tại khoản 1 Điều này.

    3. Hàng năm, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xác định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung Danh sách cơ sở công nghiệp quốc phòng.

    Điều 4. Hoạt động liên doanh, liên kết của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt

    1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt được liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế và các tổ chức, cá nhân nước ngoài để sản xuất các sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi.

    2. Mọi hoạt động liên doanh, liên kết kinh tế đều được thực hiện bằng hợp đồng theo quy định của pháp luật.

    3. Nghiêm cấm cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt bán, cho mượn, cho thuê tư cách pháp nhân trong các hoạt động kinh tế.

    4. Khi liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài để sản xuất sản phẩm phục vụ quốc phòng, các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt phải chấp hành quy định của pháp luật về hợp tác quốc tế tại Điều 5 của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng và tại Điều 2 của Nghị định này. Trong hoạt động liên doanh, liên kết cần:

    a) Xác minh rõ đối tác nước ngoài thông qua sự thẩm tra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Nhà nước, đặc biệt trong các vấn đề có liên quan đến an ninh quốc gia;

    b) Ưu tiên gọi vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực và ngành mà các cơ sở công nghiệp quốc phòng có thế mạnh, các lĩnh vực cần có công nghệ cao hoặc lĩnh vực vừa phục vụ quốc phòng, vừa phục vụ kinh tế.

    Điều 5. Sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh

    1. Tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh:

    a) Là sản phẩm, dịch vụ cần thiết bảo đảm cho quốc phòng, an ninh;

    b) Việc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ này theo cơ chế thị trường khó có khả năng bù đắp chi phí;

    c) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng hoặc đấu thầu theo giá hoặc phí do Nhà nước quy định.

    2. Danh mục sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

    3. Trong từng thời kỳ, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trình Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung Danh mục sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh.

    Điều 6. Nhập khẩu và dự trữ vật tư kỹ thuật cho công nghiệp quốc phòng

    1. Vật tư kỹ thuật nhập khẩu cho công nghiệp quốc phòng thuộc hàng hoá nhập khẩu được xét miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

    2. Vật tư kỹ thuật phục vụ cho công nghiệp quốc phòng được dự trữ theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.

    3. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan lập Danh mục vật tư kỹ thuật nhập khẩu và vật tư dự trữ cho công nghiệp quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

    4. Trong từng thời kỳ, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung Danh mục vật tư kỹ thuật phục vụ quốc phòng, an ninh.

    Điều 7. Nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng

    1. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; chuyển giao công nghệ.

    2. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng được nhà nước tạo điều kiện về thành lập tổ chức và đăng ký hoạt động; hưởng chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và các chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

    3. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, tổ chức quản lý thực hiện kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng, cơ - điện tử, tự động hoá, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, hoá chất, vật liệu mới.

    4. Các đề tài nghiên cứu, chế thử vũ khí, trang thiết bị mới và đưa vào sản xuất trang bị cho lực lượng vũ trang thực hiện theo quy định của pháp luật.

    5. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có trách nhiệm:

    a) Đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã các sản phẩm và bảo hành sản phẩm quốc phòng theo quy định của pháp luật;

    b) Tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm quốc phòng theo tài liệu thiết kế, công nghệ, điều kiện kỹ thuật và tiêu chuẩn sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền quy định và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình;

    c) Mở rộng các hình thức liên kết để đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất kinh doanh và quản lý. Tổ chức công tác thông tin khoa học, kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng tin học vào công tác quản lý, xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật.

    Điều 8. Chính sách của Nhà nước đối với cơ sở và lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt

    1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng được hưởng chính sách ưu tiên, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, cụ thể sau:

    a) Được Nhà nước đầu tư đủ vốn để hình thành tài sản trực tiếp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;

    b) Được Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng về giao thông, năng lượng đối với nơi chưa có sẵn các hệ thống bảo đảm giao thông và cung cấp năng lượng;

    c) Được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất cần thiết được sử dụng trong thời gian trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng; được miễn tiền thuế giá trị gia tăng đối với một số sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về Thuế giá trị gia tăng;

    d) Được hạch toán một số khoản chi phí đặc thù vào giá thành sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, bao gồm: chi phí trả lương cho người nghỉ chuẩn bị hưu (trường hợp không được ngân sách nhà nước hỗ trợ hoặc có hỗ trợ nhưng không đủ); chi đảm bảo quân trang cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng;

    đ) Được sử dụng các nguồn lực được giao để tổ chức sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng và hoạt động kinh doanh bổ sung khi không ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được giao, nhưng phải hạch toán riêng phần hoạt động kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật;

    e) Được nhà nước cấp kinh phí cho việc duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa các dây chuyền sản xuất quốc phòng trong trường hợp tạm ngừng sản xuất mà không có khả năng tự bù đắp chi phí;

    g) Được nhà nước xem xét hỗ trợ hai quỹ khen thưởng và phúc lợi bằng hai tháng lương thực hiện, trong trường hợp không đủ nguồn để trích lập hai quỹ đó;

    h) Được nhà nước hỗ trợ kinh phí nhà trẻ, giáo dục tại địa bàn chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục công lập; kinh phí y tế đối với những nơi do điều kiện đặc biệt phải duy trì bệnh xá;

    i) Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt hoạt động trên các địa bàn chiến lược, kết hợp nhiệm vụ kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi và hỗ trợ khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

    2. Người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt được hưởng các chế độ, chính sách như sau:

    a) Lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp, trừ tiền lương thực lĩnh hàng tháng theo kết quả sản xuất kinh doanh;

    b) Lao động có trình độ đại học trở lên, công nhân kỹ thuật những ngành nghề đặc thù quốc phòng, công nhân kỹ thuật đầu ngành được hưởng phụ cấp thu hút;

    c) Lao động trực tiếp tham gia nghiên cứu, chế tạo, sửa chữa, bảo quản, vận chuyển sản phẩm quốc phòng là vũ khí, trang bị hoặc đảm nhiệm công việc đòi hỏi trách nhiệm cao được hưởng phụ cấp trách nhiệm trong thời gian thực hiện nhiệm vụ; được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành nghề, công việc quốc phòng đặc thù;

    d) Công nhân quốc phòng, ngoài chế độ tiền lương còn được hưởng thêm chế độ phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

    đ) Lao động trong biên chế thuộc các dây chuyền sản xuất quốc phòng trong thời gian tạm ngừng sản xuất quốc phòng mà doanh nghiệp không đủ điều kiện bù đắp chi phí thì được nhà nước hỗ trợ lương;

    e) Lao động khi làm nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; khi thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh mà bị tai nạn thì được xét hưởng chế độ thương binh hoặc nếu bị chết thì được xét hưởng chế độ liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

    3. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với cơ sở và lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

    Điều 9. Chính sách của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng

    1. Tổ chức, cá nhân khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ sản xuất hàng quốc phòng phục vụ công nghiệp quốc phòng theo quy định tại nhóm 1, nhóm 2 thuộc Danh mục A kèm theo Nghị định này được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi như sau:

    a) Được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đối với diện tích đất cần thiết được sử dụng trong thời gian trực tiếp phục vụ quốc phòng;

    b) Được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm khi thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng đặc thù quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định này; trường hợp bị thương hoặc bị chết được xét công nhận và hưởng chế độ thương binh, liệt sĩ như đối với lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt quy định tại điểm e khoản 2 Điều 8 Nghị định này.

    2. Tổ chức, cá nhân khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ sản xuất hàng quốc phòng phục vụ công nghiệp quốc phòng theo quy định tại Danh mục B kèm theo Nghị định này được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

    Điều 10. Chính sách của Nhà nước đối với người nước ngoài khi tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng

    1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo pháp luật về đầu tư được nhà nước Việt Nam cho thuê đất; các trường hợp được thuê đất của doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghệ cao đã được nhà nước giao đất thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

    2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng trong trường hợp sản xuất sản phẩm, chi tiết sản phẩm, nghiên cứu khoa học công nghệ hoặc chuyển giao công nghệ chế tạo sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh thì được miễn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà đầu tư góp vốn bằng sáng chế, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng giá trị phần vốn của nhà đầu tư nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

    Điều 11. Hiệu lực thi hành

    Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 6 năm 2009.

    Điều 12.  Trách nhiệm thi hành

    Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

     

    TM. CHÍNH PHỦ

    THỦ TƯỚNG

    Nguyễn Tấn Dũng

     

     

     

     

     

    Phụ lục

    DANH MỤC SẢN PHẨM, DỊCH VỤ PHỤC VỤ QUỐC PHÒNG, AN NINH

    (Ban hành kèm theo Nghị định số 46/2009/NĐ-CP

     ngày 13 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ)

    _______

     

    DANH MỤC A

    Các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh do cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt thực hiện theo phương thức đặt hàng hoặc giao kế hoạch

    1. Sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài; trang thiết bị kỹ thuật; trang thiết bị, tài liệu mật mã cho quốc phòng, an ninh.

    2. Sản xuất thuốc nổ, hoá chất phục vụ quốc phòng; chất phóng xạ.

    3. In tài liệu, sách, báo chính trị, quân sự chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh.

    4. Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

     

    DANH MỤC B

    Các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh do tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng thực hiện theo phương thức đặt hàng hoặc đấu thầu

    1. Sản xuất một hoặc một số chi tiết sản phẩm cơ khí (đúc, nhiệt luyện, mạ, gia công cơ khí chính xác; các chi tiết nhựa, compozit) thuộc nhóm 1 và hoá chất thuộc nhóm 2 của Danh mục A.

    2. Xây dựng cơ bản các công trình, hạng mục công trình quốc phòng, an ninh.

    3. Sản xuất, lắp ráp hoàn chỉnh; quản lý, bảo trì đường điện cao thế, hạ thế phục vụ cho các công trình quốc phòng, an ninh.

    4. Thi công, quản lý, bảo trì đường bộ; hệ thống cấp, thoát nước nội bộ các công trình quốc phòng, an ninh./.

     

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Nghị định 46/2009/NĐ-CP quy định, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành: Chính phủ
    Số hiệu: 46/2009/NĐ-CP
    Loại văn bản: Nghị định
    Ngày ban hành: 13/05/2009
    Hiệu lực: 27/06/2009
    Lĩnh vực: Công nghiệp, An ninh quốc gia
    Ngày công báo: 27/05/2009
    Số công báo: 269 & 270 - 05/2009
    Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật
    Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X