Hiện nay, Việt Nam đang dần kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa trở lại nhiều hoạt động, dịch vụ. Một trong những yếu tố quan trọng để mở cửa quốc gia đó là công nhận “Hộ chiếu vắc xin”. Tuy nhiên, “hộ chiếu vắc xin là gì” thì vẫn là thắc mắc của nhiều người.
Hộ chiếu vắc xin là gì?
Thời gian gần đây, “hộ chiếu vắc xin” là cái tên được nhắc đến tương đối nhiều. Một cách khái quát, thuật ngữ này nhằm đề cập đến các loại giấy tờ, tài liệu để chứng minh một người đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, hỗ trợ đảm bảo an toàn dịch bệnh khi di chuyển.
Việc ra đời của Hộ chiếu vắc xin như một yếu tố tất yếu trong bối cảnh hiện nay khi mà các quốc gia trên thể giới cấp thiết mong muốn mở lại giao thương, đi lại. Một số nước đã thử nghiệm, áp dụng những công cụ chứng nhận số hóa với nhiều tên gọi khác nhau.
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên sử dụng ứng dụng “Hộ chiếu vắc xin” từ tháng 03/2021 nhằm mục đích mở cửa kinh tế trở lại. Hộ chiếu vắc xin được quốc gia này cung cấp dưới cả 02 dạng là bản giấy và điện tử. Đến nay, các nước khác trên thế giới cũng đang dần sử dụng loại hộ chiếu này.
Hộ chiếu vắc xin là gì? Có vai trò thế nào trong giai đoạn hiện nay? (Ảnh minh họa)
Việt Nam đã công nhận hộ chiếu vắc xin của bao nhiêu quốc gia?
Tại Công văn 6891/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc công nhận “Hộ chiếu vắc xin” lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Theo đó, Thủ tướng cũng giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới để công nhận lẫn nhau về “Hộ chiếu vắc xin”.
Ngoài ra, trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bộ Ngoại giao, khi trả lời câu hỏi về những chính sách, biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người từ nước ngoài đã tiêm đủ hai mũi vắc xin trước khi đến Việt Nam, người phát ngôn của Bộ là bà Lê Thị Thu Hằng cho biết:
"Theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng, còn gọi là hộ chiếu vắc xin của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được đại diện các bên giới thiệu đến Bộ Ngoại giao".
Đồng thời, bà cũng cho biết thêm, Bộ Ngoại giao đang trao đổi với gần 80 đối tác về công nhận giấy chứng nhận vắc xin của nhau. Giấy chứng nhận tiêm vắc xin của Việt Nam cũng đã được một số nước công nhận và có thể dùng để nhập cảnh vào những quốc gia này.
Đáng lưu ý, vào hồi tháng 9, Sân bay Vân Đồn đã đón loạt chuyến bay áp dụng thí điểm hộ chiếu vắc xin, chở nhiều người Việt từ các nước: Mỹ, Pháp và Nhật Bản về nước.
Hành khách nhập cảnh đều được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19, sức khỏe tốt, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng trong việc áp dụng và triển khai hộ chiếu vắc xin giữa Việt Nam và các quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển, từng bước mở cửa quốc gia.
Đề xuất triển khai chuyến bay hộ chiếu vắc xin ra sao?
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có Công văn 11293/BGTVT-HTQT về đề xuất triển khai 16 chuyến bay hộ chiếu vắc xin giai đoạn tháng 11/2021 đến tháng 01/2022.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải nhất trí về chủ trương việc các hãng hàng không Việt Nam tổ chức các chuyến bay theo hình thức công dân tự trả chi phí cách ly (Combo) phù hợp với năng lực phòng chống dịch Covid-19.
Chủ trương này nhằm đáp ứng nguyện vọng về nước của công dân Việt Nam, đồng thời hỗ trợ các hãng hàng không có thể vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trên đây là giải đáp về Hộ chiếu vắc xin là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Cách cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-Covid Quốc gia như thế nào?