hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 24/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bán xe máy cao hơn nhiều giá đề xuất, đại lý Honda có phạm luật?

Từ đầu tháng 04/2022, Honda Việt Nam chính thức điều chỉnh giá bán nhiều dòng xe máy tại Việt Nam. Cùng với đó, các đại lý bán xe máy của hãng này cũng liên tục tăng giá bán kỷ lục. Trong đó, xe Honda Vision tăng giá bán cao hơn đề xuất 10-15 triệu đồng và được coi là có mức chênh cao nhất từ trước đến nay.

Lý do giá xe Honda cao hơn nhiều so với đề xuất là gì?

Đối với xe Honda Vision, cả ba bản tiêu chuẩn, đặc biệt, cao cấp hiện nay chỉ có giá đề xuất 30-33 triệu đồng, nhưng giá thực tế ở đại lý (HEAD) khoảng 42-45 triệu đồng, kèm thêm phí lăn bánh khoảng 3-5 triệu, tổng chi phí là khoảng 50 triệu đồng. Đáng chú ý, bản cá tính (thêm tùy chọn màu sơn, bánh lớn) giá đề xuất khoảng 34 triệu đồng, giá mua hiện tại 53-55 triệu đồng tùy từng HEAD, vì thế, giá lăn bánh lên gần 60 triệu đồng.

Mức giá này khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Theo giải thích của Honda Việt Nam, mức chênh lệch của Vision tăng nóng trong vài tháng gần đây vì thiếu nguồn cung. Hồi đầu năm, bản tiêu chuẩn có giá 33-35 triệu, cao hơn đề xuất 3-5 triệu đồng, nhưng sang tháng 3, giá đã là 35-38 triệu, tháng 5 là 38-42 triệu và hiện nay là 42-45 triệu, tùy màu và nơi bán. Thường các màu đỏ, trắng, đen sẽ có giá cao hơn. Chỉ sau nửa năm, giá thực tế bản tiêu chuẩn đã cao hơn đề xuất 5-10 triệu, trong khi bản cá tính cao hơn tới 15-20 triệu, tức khoảng gần 60% giá xe.

Trước đó, trong tháng 4, Honda đã điều chỉnh tăng giá cho nhiều mẫu xe do ảnh hưởng bởi giá linh kiện đầu vào. 

ban xe may cao hon nhieu gia de xuat
Nhiều xe máy Honda đang bị HEAD đẩy giá lên rất cao (Ảnh minh họa)\
 

Đại lý bán xe cao hơn giá đề xuất có phạm luật không?

Đại diện Honda cho biết, giá niêm yết trên website chỉ là "giá đề xuất", tức không cố định. Đại lý có thể điều chỉnh để bán theo nhu cầu thị trường. Vốn dĩ hãng công khai giá bán lẻ đề xuất cho từng mẫu xe với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng và các Head tham khảo. Đồng thời hãng cũng đã và đang khuyến nghị các Head cân nhắc bán xe cho người tiêu dùng theo giá niêm yết trên tinh thần đảm bảo hài hòa lợi ích tối đa cho Head cũng như khách hàng.

Quan hệ của hãng và đại lý là mua-bán đơn thuần nên hãng không can thiệp được vào cách đặt giá của đại lý. Vì thế HEAD bán cao hơn giá đề xuất không sai về luật và hãng cũng rất khó để can thiệp.

Tuy nhiên, các đại lý Honda có thể phải đối mặt với một số hình phạt sau đây nếu vi phạm:

- Không niêm yết giá: Do "nâng" giá xe vô tội vạ, mỗi ngày một giá nên có thể các đại lý Honda đều không niêm yết giá bán xe tại cửa hàng. 

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Luật Giá 2012, niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất; kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp; rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua; giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam. 

Việc niêm yết giá được thực hiện bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng; trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa; hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa. 

Trong nhiều trường hợp giá niêm yết được hiển thị dưới dạng bảng giá; có thể được in trên bao bì sản phẩm; gắn ở bên dưới sản phẩm hoặc treo một danh sách dài bao gồm nhiều sản phẩm khác nhau; và ghi rõ giá của từng sản phẩm đó. Giá niêm yết phải được ghi rõ ràng, không gây nhầm lẫn cho người mua. 

Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 49/2016, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng đối với hành vi sau đây:

+ Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa Điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật;

+ Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Ngoài ra, phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng nếu vi phạm nhiều lần; tái phạm.

- Bán giá cao hơn niêm yết: Cũng theo Nghị định 109/2013, các đại lý có thể bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá

- Xuất hóa đơn thấp hơn giá bán: Theo phản ánh của người tiêu dùng, nhiều cửa hàng dù bán cao hơn nhiều so với giá đề xuất nhưng khi viết hóa đơn giá trị gia tăng lại chỉ viết bằng giá đề xuất. Đây là hành vi trốn thuế, trái với quy định của pháp luật. Bởi, theo Nghị định 125/2020, một trong những hành vi trốn thuế là không xuất hóa đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế.

Điều 17 Nghị định 125/2020 quy định mức phạt hành chính với hành vi trốn thuế mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

- Phạt tiền bằng số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên.

- Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế nêu trên mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;

- Phạt tiền 02 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế mà có một tình tiết tăng nặng.

- Phạt tiền 2,5 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế mà có hai tình tiết tăng nặng.

- Phạt tiền 03 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế mà có ba tình tiết tăng nặng trở lên.

Ngoài ra, cá nhân, doanh nghiệp trốn thuế cònbị buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước; Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có)…

Còn theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, người nào thực hiện một trong các hành vi trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên; hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế... thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế...

Xem thêm: Tội trốn thuế bị xử lý ra sao?

Trên đây là giải đáp thắc mắc bán xe máy cao hơn nhiều giá đề xuất, đại lý Honda có phạm luật? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X