hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Ba, 01/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Xử lý tài sản đang thế chấp khi ly hôn thế nào?

Xử lý tài sản thế chấp khi ly hôn bằng những cách nào? Án phí giải quyết vụ việc ly hôn có yêu cầu phân chia tài sản là bao nhiêu? Cùng chúng tôi giải đáp trong bài sau.

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi có câu hỏi liên quan đến vấn đề xử lý tài sản là nhà đất đang thế chấp tại ngân hàng khi ly hôn mong được giải đáp như sau: Vợ chồng tôi đang chuẩn bị làm thủ tục ly hôn.

Trong số những tài sản chung của vợ chồng, có thửa đất và căn nhà (nhà biệt thự) đã được cấp sổ hồng đang được thế chấp tại ngân hàng, chưa tới thời hạn thanh toán là không thỏa thuận được.

Ban đầu, chồng tôi đòi nhận căn nhà và thửa đất này nhưng không đồng ý nhận khoản nợ còn lại tại ngân hàng.

Tôi muốn chia đôi toàn bộ cả khoản nợ lẫn nghĩa vụ ngân hàng, còn nếu ai nhận nhà và đất thì phải có nghĩa vụ trả nốt khoản nợ tại ngân hàng.

Tại thời điểm vay, căn nhà và thửa đất của chúng tôi được định giá là 7 tỷ, khoản vay chúng tôi đang vay tại ngân hàng là 5,5 tỷ (đã trả 1,5 tỷ).

Vậy, chúng tôi xử lý tài sản đang thế chấp tại ngân hàng cùng khoản nợ này như thế nào?

Án phí tương ứng mà tôi phải chịu là bao nhiêu?

Chào bạn, xử lý tài sản thế chấp khi ly hôn và mức án phí tương ứng như thế nào theo quy định pháp luật là câu hỏi được chúng tôi giải đáp như dưới đây.

Xử lý tài sản thế chấp khi ly hôn như thế nào?

Trước hết, căn cứ Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, việc xử lý tài sản chung khi ly hôn sẽ được tòa án ưu tiên thực hiện theo sự thỏa thuận của các bên.

Nếu các bên có lập thỏa thuận tài sản của vợ chồng trước hôn nhân (chế độ tài sản sản của vợ chồng) thì áp dụng thỏa thuận này của vợ chồng để làm căn cứ chia tài sản chung.

Nếu không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, hoặc văn bản này bị vô hiệu/không có giá trị pháp luật thì áp dụng chia tài sản theo nguyên tắc chia đôi có tính đến các yếu tố được liệt kê để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia.

Do chúng tôi chưa được tiếp cận hồ sơ thực tế, vậy nên, dựa theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi giải đáp chung nhất cho trường hợp của bạn như sau:

Một là, cả hai không thể thỏa thuận với nhau về việc phân chia tài sản, nghĩa vụ nợ ngân hàng kèm theo tài sản chung

Hai là, vợ chồng bạn không có văn bản thỏa thuận chế độ vợ chồng hoặc văn bản chế độ vợ chồng không có hiệu lực tại thời điểm yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn

Ba là, việc giải quyết ly hôn đang được thực hiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền

Tại đây, vấn đề xử lý tài sản thế chấp tại ngân hàng được thực hiện theo quy định:

  • Ngân hàng được tòa án nhân dân có thẩm quyền đưa vào tham gia vụ án với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan;

    • Cũng có nghĩa rằng, những thỏa thuận về nghĩa vụ trả nợ của vợ chồng bạn phải được ngân hàng chấp thuận thì mới thực hiện được;

  • Thông thường, vợ chồng bạn có thể lựa chọn thực hiện xử lý bằng cách:

    • Một người nhận tài sản đồng thời với nhận khoản nợ còn lại tại ngân hàng;

      • Hoặc nợ chia đôi, nhà và đất chia đôi giá trị;

      • Hoặc cùng góp tiền trả nợ ngân hàng, xóa đăng ký thế chấp, rồi yêu cầu tòa án chia tài sản là nhà đất đã xóa đăng ký thế chấp;

      • Hoặc không phân chia tài sản chung tại thời điểm hiện tại, vợ chồng bạn có nghĩa vụ chung trong việc trả nợ với ngân hàng, sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ thì vợ chồng bạn yêu cầu tòa chia tài sản chung bằng một vụ án khác;

      • Hoặc sử dụng tài sản khác thay thế tài sản đang thế chấp, xóa đăng ký thế chấp và xử lý chia tài sản chung;

  • Trong trường hợp không thể thỏa thuận được, tòa án sẽ chia đôi tài sản chung có tính đến các yếu tố sau đây để quyết định tỷ lệ hưởng, nghĩa vụ trả nợ thường kèm theo tỷ lệ tài sản được hưởng (Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình, Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP):

    • Hoàn cảnh gi đình của vợ, chồng;

    • Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc hình thành, duy trì, phát triển khối tài sản chung;

    • Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động, tạo thu nhập;

    • Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng (quyền, nghĩa vụ được xác định theo pháp luật về hôn nhân và gia đình);

  • Lưu ý rằng, giá trị tài sản chung của vợ chồng được xác định theo giá trị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc tranh chấp về tài sản chung vợ chồng khi ly hôn;

Bốn là, các vấn đề về nuôi con, chấm dứt hôn nhân được thực hiện theo thỏa thuận của các bên và theo quy định pháp luật

Cách xử lý tài sản thế chấp khi ly hônCách xử lý tài sản thế chấp khi ly hôn

Như vậy, xử lý tài sản thế chấp khi ly hôn được ưu tiên thực hiện theo sự thỏa thuận của các bên.

Sự thỏa thuận này sẽ kéo theo nghĩa vụ đối với ngân hàng (bên nhận thế chấp), do vậy, nghĩa vụ trả nợ, quyền đối với tài sản thế chấp được xác lập, thực hiện khi được ngân hàng đồng ý.

Để sự thỏa thuận phân chia tài sản này không cần phải có sự đồng ý của ngân hàng, vợ chồng bạn có thể thực hiện thanh toán toàn bộ khoản nợ, xóa đăng ký thế chấp hoặc thay thế tài sản thế chấp bằng tài sản khác.

Lúc này, vợ chồng bạn có thể yêu cầu chia tài sản chung mà không cần quan tâm tới ý kiến của ngân hàng.

 

Án phí xử lý tài sản thế chấp khi ly hôn là bao nhiêu? 

Trước hết, án phí trong vụ án tranh chấp chia tài sản chung khi ly hôn trong trường hợp của bạn được coi là án phí có giá ngạch.

Trong đó, giá tài sản được xác định làm cơ sở tính toán, thu tạm ứng án phí, tính án phí được áp dụng theo quy định tại Điều 8 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 theo trình tự ưu tiên như sau:

  • Giá tài sản tranh chấp do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định;

  • Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp;

  • Giá trên tài liệu gửi kèm với hồ sơ giải quyết vụ án;

  • Giá trị trường tại thời điểm, địa điểm xác định giá tài sản;

  • Giá xác định theo ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp;

Nếu trong trường hợp giá tài sản được sử dụng để xác định là giá tài sản, giá tính án phí, tạm ứng án phí là 7 tỷ (theo giá mà đã thẩm định) thì tổng án phí của vụ án là: 112 triệu đồng + 0,1% x (7 tỷ - 4 tỷ) = 115 triệu đồng.

Tùy tỷ lệ tài sản được nhận mà bạn phải đóng mức án phí tương ứng (khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14).

  • Ví dụ như, mỗi người được nhận 50% trị giá tài sản thì bạn phải đóng 115 triệu : 2 = 72,5 triệu đồng.

Trong trường hợp giá tài sản được sử dụng không phải là 7 tỷ đồng thì căn cứ vào bảng danh mục án phí, lệ phí tòa án kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 để xác định mức án phí, tạm ứng án phí, từ đó suy ra số tiền án phí mà mỗi người phải nộp.

Án phí xử lý tài sản thế chấp khi ly hônÁn phí xử lý tài sản thế chấp khi ly hôn

Cụ thể được chúng tôi liệt kê như sau:

Giá trị tài sản tranh chấp 

(đơn vị tính: đồng)

Mức án phí

(đơn vị tính: đồng)

< 6="">

300.000 đồng

Trên 6 triệu - 400 triệu

5% giá trị tài sản tranh chấp

Trên 400 triệu - 800 triệu

20 triệu + 4% phần giá trị tài sản tranh chấp vượt quá 400 triệu

Trên 800 triệu - 2 tỷ

36 triệu + 3% phần giá trị tài sản tranh chấp vượt quá 800 triệu

Trên 2 tỷ - 4 tỷ

72 triệu + 2% phần giá trị tài sản tranh chấp vượt quá 2 tỷ

> 4 tỷ

112 triệu + 0,1% phần giá trị tài sản tranh chấp vượt quá 4 tỷ

Kết luận: Nguyên tắc xử lý tài sản thế chấp khi ly hôn là ưu tiên sự thỏa thuận của các bên (trong đó có cả bên nhận thế chấp).

Trường hợp các bên không thể tự thỏa thuận được thì việc chia tài sản được thực hiện theo nguyên tắc chia đôi có tính đến các yếu tố đóng góp, duy trì, phát triển tài sản chung của vợ, chồng.

Án phí mà vợ, chồng phải chịu tương ứng với tỷ lệ giá trị tài sản mà họ được nhận và được tính toán, áp dụng theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.

Trên đây là giải đáp về vấn đề xử lý tài sản thế chấp khi ly hôn, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X