hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 16/03/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Xây dựng nhà ở trên đất của người khác bị phạt không?

Xây dựng nhà ở trên đất của người khác bị xử lý thế nào? Có bị xử phạt không? Xử lý hành vi xây dựng nhà ở lấn chiếm đất bằng những cách nào? Cùng HieuLuat giải đáp trong bài viết dưới đây.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, gia đình tôi có sự việc sau đây mong được hỗ trợ, giải đáp như sau:

Hàng xóm của chúng tôi đang thực hiện xây dựng nhà ở, các công trình khác phục vụ cho sinh hoạt.

Do chúng tôi không thường xuyên ở nhà (đi làm xa cách nhà, thường cuối tuần mới về) và ranh giới đất giữa hai bên chỉ được xác định theo hàng cây lâu năm đang trồng.

Trước đây chúng tôi đã có đo đạc và cắm mốc bằng cột bê tông nhưng qua thời gian, cột bê tông đã bị gãy, đổ.

Vấn đề phát sinh là nhà hàng xóm đã xây lấn sang nhà tôi 20cm chiều rộng và khoảng hơn 15m chiều dài.

Khi đo đạc theo sổ đỏ, cả hai gia đình chúng tôi đều thấy diện tích bị thiếu hụt so với sổ đỏ đã được cấp.

Hàng xóm của tôi viện cớ việc đo đạc thiếu nên đã cố tình lấn chiếm đất của gia đình tôi.
Xin hỏi Luật sư:

Việc hàng xóm xây dựng nhà ở lấn chiếm sang đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình tôi như vậy có bị xử phạt không? Mức phạt sẽ bằng bao nhiêu?

Gia đình tôi phải làm gì để xử lý trường hợp này?

Trân trọng Luật sư đã hỗ trợ, giải đáp.

Chào bạn, hành vi xây dựng nhà ở trên đất của người khác/hay xây dựng nhà ở không đúng ranh giới, mốc giới hoặc giấy phép xây dựng được cấp là hành vi vi phạm pháp luật.

Là bên bị thiệt hại, bạn có quyền thực hiện các biện pháp theo quy định để bảo vệ quyền lợi của mình.

Dựa trên thông tin bạn cung cấp, đối chiếu quy định hiện hành, chúng tôi giải đáp chi tiết về mức xử phạt, phương án giải quyết vấn đề của gia đình bạn như dưới đây:

Xây dựng nhà ở trên đất của người khác bị phạt bao nhiêu?

Căn cứ thông tin nhận được từ bạn, suy ra, hành vi xây dựng nhà ở của nhà hàng xóm mà có một phần công trình xây dựng sang phần diện tích đất ở của nhà bạn mà không được gia đình bạn chấp thuận là hành vi lấn đất theo quy định pháp luật.

Đây là hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

Theo đó, mức phạt áp dụng đối với hành vi lấn, chiếm đất có diện tích dưới 0,05ha là từ 10 - 20 triệu đồng ở nông thôn và gấp đôi nếu đất ở thành thị.

Người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại tình trạng ban đầu trước vi phạm và phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (nếu có).

Cụ thể, mức phạt về hành vi lấn, chiếm đất phi nông nghiệp là đất ở của người vi phạm là cá nhân được áp dụng theo khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP như sau:

Lưu ý: Mức phạt áp dụng đối với tổ chức là gấp đôi so với cá nhân.

Mức xử phạt hành vi xây dựng nhà ở trên đất của người khác
Mức xử phạt hành vi xây dựng nhà ở trên đất của người khác

Diện tích đất lấn, chiếm

Mức phạt tiền (hình phạt chính)

(đơn vị tính: đồng)

Biện pháp khắc phục hậu quả

Đất phi nông nghiệp là đất ở bị lấn chiếm tại khu vực nông thôn

Đất phi nông nghiệp là đất ở bị lấn chiếm tại khu vực thành thị

<>

10 - 20 triệu

20 - 40 triệu

  • Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi bị lấn, chiếm;

  • Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi lấn, chiếm đất để sử dụng (nếu có);

từ 0,05ha - dưới 0,1ha

20 - 40 triệu

40 - 80 triệu

từ 0,1ha - dưới 0,5ha

40 - 100 triệu

80 - 200 triệu

từ 0,5ha - dưới 1ha

100 - 200 triệu

200 - 400 triệu

từ 1ha trở lên

200 - 500 triệu

400 - 1 tỷ

Như vậy, pháp luật đất đai hiện hành quy định về mức phạt áp dụng đối với hành vi xây dựng nhà ở trên đất của người khác tương ứng là hành vi lấn, chiếm đất.

Theo đó, tùy thuộc diện tích đất bị lấn, chiếm, loại đất bị lấn chiếm mà mức phạt có sự khác biệt.

Trong trường hợp của bạn, diện tích đất ở bị lấn chiếm dưới 0,05ha thì mức phạt áp dụng đối với cá nhân cao nhất là 20 triệu đồng.

Người vi phạm bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

 

Xử lý hành vi xây dựng nhà ở lấn chiếm đất như thế nào?

Phương án xử lý, giải quyết hành vi vi phạm xây dựng nhà ở trên đất của người khác có thể được thực hiện bằng con đường hòa giải/hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt/hoặc khởi kiện.

Cụ thể như sau:

Cách 1: Thương lượng, hòa giải

  • Bạn cùng gia đình hàng xóm tự thương lượng, hòa giải, yêu cầu nhà hàng xóm tự tháo dỡ phần công trình đã xây dựng;

  • Các bên cũng có thể đề nghị cán bộ địa chính, cán bộ thuộc cơ quan đo đạc đất đai tiến hành đo đạc, xác định ranh giới, mốc giới theo giấy tờ nhà đất đã được cấp hoặc theo văn bản, hồ sơ quản lý đất đai;

  • Nếu không tự hòa giải, thương lượng thì bạn có thể đề nghị bên thứ 3 như Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ dân phố, những người có hiểu biết/có vai vế trong khu vực… làm trung gian hòa giải;

  • Đây là phương án tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức nhất;

  • Sau khi đã xác định lại được ranh giới, mốc giới theo thỏa thuận, các bên có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất công nhận sự thỏa thuận này để tiến hành chỉnh lý thông tin trong hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;

  • Từ kết quả này, gia đình bạn nên xây móng hoặc xây tường kiên cố để bảo vệ, xác định ranh giới, diện tích đất của gia đình mình;

Cách xử lý hành vi xây dựng nhà ở trên đất của người khácCách xử lý hành vi xây dựng nhà ở trên đất của người khác

Cách 2: Gửi đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã (theo Điều 202 Luật Đất đai)

  • Đây là một trong những cách mà nhiều người sử dụng đất lựa chọn thực hiện nếu không tự mình hoặc nhờ các đơn vị hòa giải thực hiện;

  • Là thủ tục bắt buộc trong quy trình giải quyết tranh chấp về đất đai và là căn cứ để các bên yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án nhân dân có thẩm quyền thụ lý, 

  • Quyết định/bản án của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc của Tòa án nhân dân là căn cứ để buộc các bên phải thi hành;

  • Nếu lựa chọn phương án này, bạn buộc phải có đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai để Ủy ban nhân dân cấp xã có đủ căn cứ tiến hành hòa giải theo quy định;

Cách 3: Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền/hoặc gửi đơn yêu cầu giải quyết 

  • Đây là bước được thực hiện sau khi các bên đã tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;

  • Nếu lựa chọn phương án giải quyết này, bạn cần chú ý đặc biệt về hồ sơ khởi kiện/hồ sơ yêu cầu giải quyết tranh chấp. Hồ sơ phải bao gồm:

    • Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai không thành có chữ ký của các bên và của Hội đồng hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã;

    • Giấy tờ về đất đai (bản sao) của thửa đất tranh chấp;

    • Giấy tờ về nhân thân của các bên trong tranh chấp (bản sao);

    • Giấy tờ khác chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là hợp pháp;

Như vậy, để xử lý hành vi xây dựng nhà ở trên đất của người khác, bạn có thể lựa chọn phương án tự thương lượng, hòa giải.

Hoặc cũng có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về đất đai.

Trên đây là giải đáp về vấn đề xây dựng nhà ở trên đất của người khác, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X