hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Ba, 16/11/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Số ca nhiễm liên tục đạt "đỉnh", Hà Nội thay đổi kế hoạch phòng, chống dịch thế nào?

Ngày 15/11/2021, Hà Nội ghi nhận đến 289 ca mắc Covid-19. Đây là số ca bệnh kỷ lục mà thủ đô ghi nhận trong một ngày từ trước đến nay. Kế hoạch phòng, chống dịch của Hà Nội có gì thay đổi không?

Nhiều F1 được thí điểm cách ly tại nhà

Theo thông tin từ một lãnh đạo ngành y tế quận Nam Từ Liêm - quận đang trở thành "điểm nóng" của Hà Nội, có đến gần 100 F1 tại quận này đang được cách ly tại nhà.

Đây đều là các trường hợp thuộc 04 nhóm ưu tiên cách ly tại nhà theo Công văn của Bộ Y tế ban hành trước đó và Kế hoạch số 243/KH-UBND của Ủy ban nhân dân TP Hà Nội. Các nhóm đối tượng này gồm:

- Người cao tuổi

- Người có bệnh nền

- Trẻ em

- Phụ nữ đang mang thai

Các trường hợp F1 cách ly tại nhà phải đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và chấp hành nghiêm các quy định đối với F1 cách ly tại nhà.

Ngoài ra, trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 16/11/2021, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, ông đã giao Ủy ban nhân dân Thành phố sớm ban hành quy định về điều kiện cách ly y tế F1 tại nhà; chính quyền địa phương, tổ Covid cộng đồng phối hợp y tế cơ sở kiểm tra, xác nhận bảo đảm đủ điều kiện, tổ chức cách ly theo hướng dẫn.

Lãnh đạo Hà Nội lưu ý, việc cách ly F1 tại nhà phải chú trọng những tiêu chí hàng đầu là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân và không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Những trường hợp F1 không đủ điều kiện cách ly tại nhà hoặc tại khách sạn, sẽ tiếp tục cách ly tập trung tại các cơ sở của thành phố.

ha noi thay doi ke hoach phong chong dich
Hà Nội đã cho phép nhiều F1 cách ly tại nhà (Ảnh minh họa)
 

Hà Nội thành lập trạm y tế lưu động, cho F0 điều trị tại nhà

Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho hay, tới đây, Hà Nội sẽ không đưa F0 không triệu chứng vào bệnh viện điều trị tập trung mà sẽ thành lập trạm y tế lưu động. Các trạm này bố trí ở nơi nguy cơ cao, nhu cầu lớn, nơi y tế cơ sở còn hạn chế

Việc lập trạm y tế lưu động tại các địa phương cũng tương tự điều trị tại nhà bởi các trạm này không điều trị tập trung. Các quận, huyện, xã, phường đều phải có địa điểm để điều trị cho F0 không triệu chứng.

Theo kế hoạch, Hà Nội dự kiến thành lập 508 trạm y tế lưu động. Căn cứ tình hình thực tế diễn biến dịch trên địa bàn, các quận, huyện, thị xã sẽ chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện về địa điểm, nhân lực, trang thiết bị, thuốc để sẵn sàng thiết lập thêm trạm y tế lưu động.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố đã có phương án điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ để đáp ứng khoảng 22.100 người. Tổng số giường điều trị Covid-19 đang được kích hoạt là 2.640 giường tại 8 bệnh viện, 2 cơ sở điều trị.

Ngoài ra, hệ thống oxy tập trung tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra đã được hoàn thành. 30/30 quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị phương án triển khai trạm y tế lưu động, tổ y tế lưu động, địa điểm thu dung tại chỗ; chuẩn bị oxy y tế, thuốc, thiết bị cấp cứu cơ bản…

Hiện tại, quận Nam Từ Liêm cũng đang gấp rút triển khai thành lập 10 trạm y tế lưu động. Trước mắt, trạm y tế lưu động phường Phú Đô sẽ được đưa vào hoạt động đầu tiên.

Như vậy, khi số ca nhiễm liên tục tăng, Hà Nội đã nhanh chóng thay đổi kế hoạch điều trị, cách ly cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trên đây là giải đáp thắc mắc Hà Nội thay đổi kế hoạch phòng chống dịch thế nào khi số ca nhiễm tăng cao. Nếu bạn còn có thêm vướng mắc, có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Số ca mắc Covid-19 kỷ lục, Hà Nội có tiếp tục giãn cách?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X