Sau Tết, một vấn đề khiến nhiều gia đình đau đầu là việc người giúp việc “bùng” làm hoặc lên muộn khiến gia chủ lao đao vì không kịp tìm người thay thế. Trên nhiều trang mạng xã hội “rỉ tai nhau” cách giữ tháng lương thứ 13 để ép người giúp việc lên làm đúng hẹn sau Tết.
Không bắt buộc thưởng tháng lương thứ 13
Theo quy định của Nghị định 27/2014/NĐ-CP, căn cứ vào mức độ hoàn thành công việc của người lao động và khả năng kinh tế của hộ gia đình hằng năm, người sử dụng lao động thưởng cho người lao động.
Như vậy, khoản tiền thưởng không phải là khoản bắt buộc. Chủ nhà có thể thưởng hay không phụ thuộc vào thái độ làm việc, mức độ hoàn thành công việc cũng như khả năng kinh tế của mình để đưa ra mức thưởng cho hợp lý.
Tuy nhiên, 2 bên cũng có thể thỏa thuận về vấn đề này trong hợp đồng lao động.
Giữ tiền thường Tết để "níu" giúp việc
Luật không quy định thời hạn trả thưởng
Đối với việc trả lương cho người giúp việc, Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH quy định thời hạn do hai bên thỏa thuận. Pháp luật cũng không quy định thời hạn trả thưởng. Vì thế, nhiều gia đình chọn cách giữ tiền thưởng Tết đến sau Tết để yêu cầu người lao động đi làm đúng thời gian như thỏa thuận. Hành vi này không hề trái luật (trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác), thậm chí được cho rằng rất hữu hiệu. Bởi để lấy được khoản tiền thưởng này, người giúp việc phải đi làm đúng hẹn, đúng thời gian quy định.
Tuy nhiên, khoản thưởng cuối năm được người lao động rất trông đợi. Vì thế, nếu giữ toàn bộ tháng lương thứ 13 sẽ khiến người giúp việc cảm thấy “hụt hẫng”, giảm mất niềm vui được nhận tiền thưởng. Nhiều gia đình chọn cách giữ một nửa tiền thường hoặc hứa hẹn khoản lì xì “hậu hĩnh” đầu năm mới để thu hút họ trở lại làm việc.
hieuluat.vn