Bảo hiểm y tế là chính sách an sinh xã hội mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia. Vậy, thẻ BHYT có thời hạn bao lâu? Nếu hết hạn thì phải làm gì?
Thẻ BHYT có thời hạn bao lâu? Tra cứu hạn thẻ thế nào?
Theo nội dung Công văn 3340/BHXH-ST năm 2017 của BHXH Việt Nam thì từ tháng 8/2017 thẻ BHYT chỉ ghi thời điểm thẻ bắt đầu có giá trị sử dụng mà không ghi thời điểm hết hạn nữa.
Để tìm được câu trả lời cho thắc mắc thẻ BHYT có thời hạn bao lâu, chúng ta cần xem xét người tham gia thuộc nhóm đối tượng nào, từ đó xác định được giá trị sử dụng của thẻ.
Cụ thể, Điều 13 Nghị định 146/2018 cùng với khoản 73 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH chỉ rõ:
- Người lao động đóng BHYT: Thẻ sẽ có giá trị kể từ ngày đóng cho đến hết tháng mà bên sử dụng lao động làm thủ tục báo giảm;
- Người lao động đang nhận trợ cấp thất nghiệp có tham gia BHYT: Thẻ BHYT có giá trị từ tháng đầu tiên hưởng trợ cấp cho đến khi không còn là đối tượng được lĩnh tiền thất nghiệp nữa.
- Đối với trẻ dưới 06 tuổi sinh trước ngày 30/9: Thẻ BHYT có giá trị đến hết ngày 30/9 của năm trẻ đủ 72 tháng tuổi. Nếu trẻ sinh sau mốc thời gian này thì thẻ BHYT có giá trị đến hết ngày cuối cùng của tháng mà trẻ tròn 72 tháng tuổi.
- Người đang nhận trợ cấp bảo trợ xã hội: BHYT có thời hạn cho đến khi người đó không còn là đối tượng được hưởng trợ cấp nữa.
- Người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại nơi kinh tế khó khăn, người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo…: Thẻ BHYT được cấp có giá trị đến ngày không còn trong danh sách của cơ quan có thẩm quyền;
- Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú sống trong gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn lương cơ sở: Thời hạn của thẻ BHYT kéo dài đến ngày không còn trong danh sách của cơ quan có thẩm quyền.
- Người hiến bộ phận cơ thể (tạng, mô…): Thẻ BHYT có giá trị vĩnh viễn cho đến ngày người đó chết.
- Học sinh hằng năm được cấp thẻ BHYT:
+ Đối với học sinh lớp 1: Thẻ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/10 năm đầu tiên của cấp tiểu học;
+ Đối với học sinh lớp 12: Thẻ BHYT sẽ hết hạn vào ngày 30/9 của năm đó.
- Học sinh, sinh viên tại các trường đại học hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp:
+ Học sinh, sinh viên năm 1: Có thể sử dụng thẻ BHYT ngay từ ngày nhập học (trừ trường hợp thẻ BHYT học sinh lớp 12 đang còn hạn);
Thẻ BHYT có thời hạn bao lâu phụ thuộc vào đối tượng tham gia
+ Học sinh, sinh viên năm cuối: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.
- Đối với các đối tượng khác:
+ Kể từ ngày đóng tiền thì thẻ BHYT bắt đầu có giá trị sử dụng.
+ Trường hợp tham gia BHYT lần đầu hoặc bị gián đoạn quá trình tham gia từ 03 tháng trở lên: Thẻ BHYT bắt đầu có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày nộp tiền.
Bạn có thể căn cứ vào đối tượng cần hỏi là ai, thuộc nhóm nào, đã mua BHYT chưa, mua từ bao giờ…để tự tính ra thời hạn của thẻ BHYT chính xác.
Hiện nay có một số cách xem bảo hiểm y tế còn hạn không, trong đó có: tra qua Cổng thông tin BHXH, qua ứng dụng VssID, gọi điện cho Tổng đài BHXH hoặc xem trên biên lai đóng tiền bảo hiểm…Tùy vào tình hình thực tế mà có thể lựa chọn cách tìm kiếm phù hợp.
Khi BHYT hết hạn thì phải làm gì?
Thẻ BHYT mẫu mới hiện nay không còn in thông tin ngày hết hạn. Do vậy, khi BHYT hết hạn, người dân không cần đi đổi thẻ mà chỉ cần tiến hành nộp tiền gia hạn thẻ.
Ngoài việc đến trực tiếp cơ quan bảo hiểm hoặc đại lý thu bảo hiểm thì người dân có thể gia hạn bảo hiểm y tế online ngay tại nhà qua ứng dụng của ngân hàng, qua Cổng dịch vụ công quốc gia…
Sau khi hệ thống thông báo thực hiện gia hạn thành công thì có thể truy cập ứng dụng VssID hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia để kiểm tra.
*Lưu ý: Trước khi gia hạn hoặc tra cứu online thì người dân cần có tài khoản và mật khẩu hợp lệ tương ứng với từng kênh gia hạn.
>> Bảo hiểm y tế chi trả những khoản gì khi đi khám, chữa bệnh?